Cha mẹ trồng cây 'đức' , con cháu hưởng quả 'phúc'

Mọi việc cha mẹ làm hôm nay, tốt hay xấu sẽ quyết định con cháu sau này được hưởng phước báo hay phải trả ác nghiệp. Vì vậy, cổ nhân mới có câu: 'Cha mẹ hiền lành để đức cho con' hay 'đời cha ăn mặn đời con khát nước'.

Câu chuyện dưới đây được trích trong cuốn Truyền Kì Mạn Lục của Nguyễn Dữ chính là thể hiện mối tương quan nhân quả qua nhiều đời, khuyên dăn cha mẹ hãy trồng cây để dành quả ngọt cho thế hệ sau này.

Hình minh họa.

Hình minh họa.

Một đời làm việc thiện

Dương Đức công vốn tên là Tạc, người phủ Thường Tín xứ Sơn Nam (nay là huyện Thường Tín, thuộc tỉnh Hà Tây). Về triều vua Huệ Tông nhà Lý (1211-1224), ông làm quan coi việc hình án ở trấn Tuyên Quang (Vĩnh Phúc,Yên Bái ngày nay) xét rõ mọi điều oan khuất, khiến các vụ án đều được công bằng. Vì sự nhân từ phúc hậu, người thời bấy giờ gọi là Đức công.

Năm 50 tuổi, Đức công vẫn không có con trai, chợt bị ốm nặng rồi chết lâm sàng, hồi lâu bất chợt tỉnh lại khiến mọi người kinh hoàng. Sau khi bình tĩnh lại, ông bảo với mọi người rằng: Ta vừa đến một chỗ thành đồng vách sắt, toan bước chân vào thì có một viên chức ngăn lại.

Viên ấy dẫn ta đi sang phía hữu, thấy có những cửa đỏ biển son. Vén áo đi vào cửa này thì thấy san sát những tòa rộng dẫy dài, có đến hơn trăm người thắt đai đứng hầu sau trước.

Ở giữa có hai vị mặc áo bào tía ngồi đối diện nhau ở bên một cái án, đưa mắt cho viên chức kia bảo lấy sổ son của họ Dương ra xem, một lát hai vị cùng nhìn nhau bảo rằng: “Dương gian thật không có người nào được thế, cứu sống cho mọi người nhiều lắm. Chỉ tiếc hưởng tuổi không dài và dòng sau không người nối dõi. Người như thế mà không biểu dương thì làm sao khuyến khích cho kẻ khác được, ta sẽ phải tâu lên Thượng đế”.

Bèn truyền cho Đức công hẵng xuống tạm nghỉ ở cái hành lang phía đông. Chừng độ nửa ngày, hai vị ấy lại sai dẫn Đức công vào, bảo rằng: Nhà ngươi ngày thường vốn có tiếng là người lương thiện. Thượng đế khen ngợi, ban cho một người con trai tốt và cho sống lâu thêm hai kỷ là 24 năm nữa. Nên mau về đi mà cố gắng làm thêm điều âm đức, đừng bảo là trong cõi u minh không biết gì đến. Đoạn sai viên chức kia dẫn về.

Khi ra khỏi cửa, Dương hỏi rằng: Chẳng hay đây là dinh tòa nào? Ai là chủ trương và coi giữ công việc gì? Viên chức ấy nói: Đây là một tòa trong 24 tòa ở Phong Đô, một tòa coi việc hình ngục ở địa phủ, phàm người mới chết đều phải qua cả. Người nào tên ghi ở sổ son, may ra còn có khi sống mà về được, chứ đã tên ghi sổ mực thì chẳng còn có mong gì.

Nếu ông không phải là người xưa nay hết lòng làm việc thiện thì cũng khó bề thoát được. Bèn cùng nhau chia tay từ biệt, rồi ta bừng tỉnh như một giấc chiêm bao. Bà vợ cũng nói là đêm qua lúc cuối canh một, có ngôi sao nhỏ rơi vào bụng, bụng bỗng thấy rung động.

Rồi bà có mang đủ ngày đủ tháng sinh ra được một cậu con trai, đặt tên cho là Thiên Tích. Tích Thiên Tích thiên tư thông minh, học vấn rộng rãi, phàm sách vở văn chương cổ kim, không cái gì là không thiệp liệp. Đức công mừng mà rằng: “Thế là ta có dòng giống rồi!”.

Bèn chuyên đem những nghĩa lý chân chính dạy con. Sau đó 24 năm, ông bị bệnh mà mất, Thiên Tích thương xót rất mực, xa gần ai nấy đều cảm động. Khi đã hết tang, Thiên Tích sớm hôm học hành, không hề trễ biếng. Nhưng gia cảnh nghèo nàn, ăn tiêu không đủ.

Thường tìm những nhà có con gái xin vào gửi rể, nhưng chẳng ai nhận cả. Láng giềng hàng xóm, họ thấy nghèo thường đem lòng khinh. Chàng than rằng: Cha ta thuở trước cứu sống được cho hàng nghìn người, mà rút lại không cứu sống được một đứa con. Làm thiện như thế phỏng có ích gì? Nói chưa dứt lời, bỗng thấy một bóng người áo mũ chững chạc, tự xưng là quan đại phu họ Thạch, hiện đến vái chào mà rằng: Ngày xưa tôi từng chịu ơn dày của Dương công, không biết lấy gì đền báo.

Có đứa con gái là Hán Anh, vậy xin hiến cậu để hầu hạ chăn gối. Cậu nên tự bảo trọng lấy mình, đừng vì cớ nghèo mà để tiêu mòn mất chí khí. Nói xong chợt biến đi đằng nào mất, khi ấy mới hay đó là một vong hồn. Thiên Tích rất lấy làm quái lạ, bèn ghi nhớ lấy những lời nói ấy.

Con cháu hưởng phước báo

Nhân nghe ở huyện Tiên Du (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) có Trần tiên sinh dạy học trò đến mấy trăm người, bèn cắp sách đến theo học, ở ngụ tại một nhà trong xóm Thanh Lân. Xóm ấy có một nhà giàu có họ Hoàng, thấy Sinh mặt mũi khôi ngô, văn chương thông thái, có cái ý muốn kén làm rể.

Người chồng bảo vợ rằng: Nhà ta mấy đời lấy nghề buôn bán mà khởi gia, hiện tiền của chẳng thiếu gì, chỉ thiếu có người rể tốt. Nay có Dương sinh ở trọ bên láng giềng, thật là một tay hào kiệt ở Nam Châu, vả xem tướng mạo, sau này chắc có thể làm nên.

Con bé nhà ta tuổi cũng lớn lao rồi, mối duyên trao tơ, ngoài đám ấy thì còn đám nào hơn nữa! Vợ cũng bằng lòng. Họ Hoàng bèn đón Dương sinh đến làm rể, phàm những phí tổn về lễ lạt khách khứa, hết thảy đều tự bỏ ra cả. Sinh rất mừng rỡ và sung sướng.

Nhưng thường trong những lúc vắng vẻ, Sinh hay ngồi ngẩn ra nghĩ ngẫm, gấp sách lại thở dài. Vợ Sinh một khi bắt gặp, nhân hỏi han duyên cớ. Sinh nói: Ngày xưa tôi thấy có “vong hồn” hiện lên, bảo tôi sẽ lấy người vợ họ Thạch tên là Hán Anh.

Nay tôi may mắn cưới được nàng, được vào làm rể chốn cao môn. Như thế là lời vong hồn bảo về việc ấy không đúng, vậy chắc việc thành đạt sau này cũng không đúng nốt, vì thế cho nên tôi không khỏi bận lòng.

Vợ Sinh nghe nói giàn giụa nước mắt mà rằng: Đó tất là cha thiếp đấy. Thiếp thuở nhỏ tên là Hán Anh, cha thiếp họ Thạch tên là Mang, làm quan Thú ở Tuyên Quang, bị quan trên vu hãm, cả nhà bị bắt rồi chết trong ngục. Bấy giờ thiếp đương còn trẻ dại, có ông Dương Đức công (cha của Sinh) thương cha thiếp là vô tội, hết sức chống cự với những viên quan khác, rồi tìm cách tha cho thiếp được ra khỏi ngục tù.

Tấm thân hèn yếu may được sống còn, được nhà họ Hoàng ở đây thương hại, mới nhận làm con nuôi. Thiếp nương ở đây mười năm nay, thực thì vốn là con của quan đại phu họ Thạch. Sinh kinh ngạc nói: Thế thì tôi chính là con của Dương Đức công.

Mới biết xưa nay vợ chồng chẳng ai là không bởi túc duyên, ai dám bảo là thắm chỉ hồng là những câu chuyện hão! Sinh thấy mối nhân duyên lạ lùng, tình ái vợ chồng càng thêm thắm thiết.

Vì trong đã có chỗ nương thân, ngoài không phải lo hồ khẩu, nên Sinh được thảnh thơi để chí về đường văn học, rồi đi thi hai khoa đều đỗ. Ban đầu Sinh lĩnh một giáo chức ở Kinh,sau thăng lên đề hình, trải hai mươi năm, làm nên chức quan lớn.

Đời sau mới có lời bàn rằng, đức là nền từ thiện, của cải là kho tranh giành. Tích đức như mầm non rỏ một giọt nước, sẽ nảy nở lên, tích của như lửa đỏ gieo một khối băng, sẽ tàn lụi xuống. Đạo trời công minh như cái cân cái gương, có thần minh ghi lại dấu vết, có tạo hóa để giữ công bằng, gương tất soi suốt mà không riêng, lưới tuy thưa thớt mà không lọt.

Làm sự lợi người lợi vật, chưa nghe thấy không được phúc, làm sự hại nhân hại vật, chưa nghe thấy không mắc nạn. Làm thiện là ở người, giáng phúc cho người thiện là ở trời,sự cảm ứng ở giữa khoảng trời và người thật là sâu xa vậy thay! Đức công là một viên quan xử án, chỉ vì hay xét được nỗi oan uổng cho người, mà sự dương báo của trời, đã bảo rõ cho ở trong cơn mê mệt…

Thế nên, suy rộng ra người giữ chức vị càng cao càng phải làm những chính trị tốt, khiến trong khoảng trời đất, không một vật gì là không đắc sở, thì trời ban phúc cho dài lâu…Mong những người làm quan nên biết cố gắng và nên biết soi gương.

Duy Bùi

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/cha-me-trong-cay-duc-con-chau-huong-qua-phuc-d100047.html