Cha mẹ quan trọng như thế nào với con cái?

Môi trường đầu tiên mà trẻ tiếp xúc là gia đình. Người đầu tiên và quan trọng quyết định sự phát triển tâm lý và tính cách của trẻ không ai khác hơn chính là cha mẹ.

Có một nhà tâm lý từng ví: Con cái như tờ giấy trắng, cha mẹ chính là người vẽ lên đó những nét vẽ đầu tiên quyết định bức tranh cuộc đời con.

Còn ca dao tục ngữ thì ví Cha là núi, Mẹ là nước trong nguồn. Núi gồng gánh, chống đỡ mọi sức nặng, khó khăn và quyết định việc hệ trọng. Nước dịu dàng tuôn chảy chan hòa, đem đến sự sum vầy, ấm áp.

Điều đó cho thấy, cha mẹ có sức ảnh hưởng rất lớn, quyết định con cái sẽ trở thành người như thế nào.

 Cha mẹ được coi như người thầy đầu tiên trực tiếp ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách cho con

Cha mẹ được coi như người thầy đầu tiên trực tiếp ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách cho con

Cha - người quyết định phương hướng

Từ xa xưa, người cha được xem là đầu tàu, là trung tâm, là người chèo chống gia đình.
Cha thường là người có tầm nhìn bao quát, xa và rộng hơn, do đó có thể kiên định ý chí, trầm tĩnh đối mặt với khó khăn và bão tố. Có cha, mọi người sẽ không bị mất phương hướng và gục ngã.

Với mọi đứa trẻ, cha giống như là siêu nhân vậy, có thể chống chọi và biến hóa khôn lường để lo toan cho con cái và gia đình. Chỉ cần ở bên cha thì không có khó khăn gì có thể làm khó mình được, mọi chuyện đều có thể giải quyết và vượt qua thật dễ dàng.

Nhà giáo dục nổi tiếng của Liên Xô Amonasvili đã từng nói rằng: “Người cha nên là một người có uy tín ở nhà. Uy tín của ông càng cao, con cái càng có yêu cầu nghiêm khắc hơn đối với bản thân mình”. Theo đó, cha đại diện cho sự kỉ luật và thôi thúc trong gia đình, khi trẻ được lớn lên cùng sự đồng hành với cha ắt hẳn sẽ trưởng thành và xuất sắc hơn.

Nếu mẹ chỉ dạy con bảo vệ bản thân thì cha còn giáo dục con việc dám đối đầu, mạo hiểm để xây dựng tinh thần tích cực và chấp nhận mọi rủi ro vì cộng đồng.

Vì cha gây ảnh hưởng tới tương lai và cao độ của gia đình, nên vì vậy cha đừng nên để mất tinh thần và ý chí của mình mà hãy luôn vững vàng để bảo vệ gia đình mình nhé, hãy để con được lớn lên với một tấm gương xứng đáng là cha ở bên cạnh!

Công cha như núi Thái Sơn...

Mẹ - người thắp lửa duy trì nhiệt độ của tổ ấm

Khác với cha, mẹ là người thắp lửa, duy trì bầu không khí hòa bình và nhịp độ của gia đình. Không giống với sự cương trực nam tính của cha, mẹ duy trì mọi việc với bản tính dịu dàng, ôn nhu vốn có của một người phụ nữ, mang đến cảm giác an toàn và đầy sự tín nhiệm với mọi người. Bên cạnh sự nghiêm khắc và cương nghị của cha, sự dịu dàng và ân cần của mẹ sẽ là nhân tố trung hòa được những xung đột hay căng thẳng xảy ra trong gia đình.

Phụ nữ là người có thể bộc lộ được nhiều cảm xúc cũng như sự mềm yếu hơn đàn ông, có thể dễ dàng rơi lệ hoặc giải phóng áp lực của mình dễ hơn đàn ông cho nên họ được coi như là nhân tố làm trung hòa và nạp thêm năng lượng cho mọi người trong nhà.

Trong gia đình, con cái thường thích dựa dẫm vào sự dịu dàng, hiền từ của mẹ, vì vậy cử chỉ hay thái độ của mẹ có sức ảnh hưởng rất lớn với con trẻ. Nếu người mẹ dịu hiền, có khả năng điều chỉnh không khí trong gia đình thì mọi người sẽ càng hòa thuận và yêu thương nhau. Ngược lại, nếu mẹ luôn lạnh lùng và hay cáu gắt thì tâm tính và cảm xúc của mọi người cũng luôn trong tâm trạng không được tốt.

Đứa trẻ sẽ được sống và trưởng thành trong sự bình yên nếu người mẹ luôn dịu hiền và nhẹ nhàng giải quyết vấn đề, còn nếu mẹ hay phàn nàn hoặc trách móc thì trẻ thì đó có thể sẽ là một điều luôn gây bất an cho trẻ, có thể sẽ ảnh hưởng tới tâm lý, có thể là khiếm khuyết hoặc là biến dạng tâm lý của trẻ.

Mẹ hãy là người cùng trẻ lớn lên và dạy trẻ học cách hòa hợp với người khác từ việc hòa hợp với mẹ, học cách yêu thương mọi người như chính những thành viên trong gia đình mình. Đừng truyền năng lượng tiêu cực cho trẻ để trẻ luôn mang trong mình suy nghĩ rằng mình không phải người hạnh phúc!

... Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, mỗi đứa trẻ phải trải qua 10 năm đầu đời để phát triển toàn diện về trí tuệ, tư duy, ngôn ngữ, sức khỏe, tiếp theo là hình thành các thói quen, kỹ năng, đồng thời hình thành dần trong con nhân cách khi lớn lên. Chính vì thế, vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục con ở giai đoạn này vô cùng quan trọng.

Cha mẹ hòa thuận, thống nhất quan điểm, mỗi người một vai trò, "hợp đồng tác chiến" sẽ cho ra đời những đứa con ngoan ngoãn giỏi giang trong gia đình và những công dân tử tế cho xã hội.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/cha-me-quan-trong-nhu-the-nao-voi-con-cai-163661.html