Cha mẹ quá khắt khe cản trở con thành đạt

Quan hệ cha mẹ - con cái là một trong những quan hệ khó xử nhất. Khi các tân sinh viên chuẩn bị thi đại học, các phụ huynh cũng lo lắng và căng thẳng theo.

"Tôi là một tư vấn viên tuyển sinh đại học, làm việc chặt chẽ cùng phụ huynh và học sinh để giúp các em thành công. Một phần công việc của tôi là làm việc cùng học sinh (những lúc đó, tôi và cố vấn thường bắt gặp những mặt tính cách mà các em không muốn cha mẹ biết), nhưng một phần khác là giúp phụ huynh điều chỉnh quan hệ với con cái.

Quan hệ cha mẹ - con cái là một trong những quan hệ khó xử nhất. Khi các tân sinh viên chuẩn bị thi đại học, các phụ huynh cũng lo lắng và căng thẳng theo. Đại học là một khoản đầu tư lớn, là một tấm vé tới tương lai tốt đẹp hơn, thế nên phụ huynh cảm thấy mình cần tạo áp lực để đảm bảo con cái bước đi đúng đắn.

Tuy nhiên, khi cố gắng giúp đỡ con mình, họ cũng vô tình nói ra những lời khắt khe gây nản lòng. Sự kì vọng nơi phụ huynh áp đặt lên những đứa trẻ vốn rất căng thẳng đã vô tình khiến mọi thứ khó khăn hơn.

Tôi nghĩ, phụ huynh làm thế vì nghĩ rằng giọng điệu nghiêm khắc là một cách hữu hiệu để giao tiếp với con mình. Thanh thiếu niên đôi khi tiến vào ‘thời kì nổi loạn’, khiến rất nhiều bậc cha mẹ cảm thấy con không nghe lời mình.

Kinh nghiệm của tôi cho biết sự thật không phải như thế. Thanh thiếu niên biết rõ phụ huynh nói gì về mình, và những lời khắt khe có thể gây tổn thương. Giới trẻ cũng như loài mèo vậy - biết rõ chúng ta đang gọi nhưng tảng lờ đi, chúng hay tỏ ra mình không quan tâm để che đậy sự thật rằng chúng đang lắng nghe và trăn trở.

Trong nghề của mình, chúng tôi thường nghe được những lời nói gây tổn thương của phụ huynh với con em mình, gây đả kích tới sự tự tin và động lực của các em.

Khi học sinh phải nghe cha mẹ thất vọng về mình quá nhiều, chúng sẽ cảm thấy thoái chí và nản lòng. Phụ huynh nhận xét quá khắt khe có thể khiến con trẻ suy tư, cho rằng chúng không đủ khả năng hoặc nhất định sẽ thất bại.

Đây là hiệu ứng tâm lý "lời tiên tri tự hoàn thành". Ví dụ, khi phụ huynh nhận xét kĩ năng viết của con mình là 'rất tệ, không biết cố gắng' thì con cái sẽ tin rằng mình chỉ viết được thế thôi, không thể cải thiện hơn. Cha mẹ quá khắt khe gây nên một tư duy cố định, khiến tư duy giới trẻ không thể phát triển, cản trở thành công.

Đương nhiên, không loại trừ khả năng con trẻ nghe mình bị chỉ trích quá nhiều sẽ quyết chí thành công để chứng minh bản thân, nhưng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái vẫn sẽ bị tổn hại. Con cái cần phải biết cha mẹ tin mình và cần được nghe cha mẹ khen ngợi.

Nghiên cứu cho thấy thành tích học tập của học sinh tại trường trung học có liên quan tới 'cảm giác an toàn' - nếu học sinh cảm thấy mình không nhận được tình yêu và hỗ trợ vô điều kiện từ cha mẹ, chúng thường trở nên thờ ơ, nhút nhát và thiếu động lực.

Quá trình thành niên là thời gian mà con người chuyển từ được thúc đẩy (được giúp đỡ, cha mẹ chấp thuận, không bị ràng buộc) sang tự thúc đẩy (tự thấy giá trị, hình thành kết nối, trở nên tự tin, chắc chắn, tự hào với thành tự của bản thân và biết gắn kết với cộng đồng). Nhưng học sinh vẫn cần tình yêu, chấp thuận và ủng hộ hơn nhu cầu tự cải thiện bản thân. Khi không có được những thứ đó, người ta sẽ tập trung để cảm nhận được chúng trước.

Thuyết tâm lý học về tháp nhu cầu của Maslow cho rằng con người có 5 tầng nhu cầu:

1. Nhu cầu sinh lý học (đồ ăn, nước, nghỉ ngơi);

2. Nhu cầu an toàn (an toàn về sức khỏe, nơi nương tựa, ổn định);

3. Nhu cầu về tình cảm và hòa nhập;

4. Nhu cầu được quý trọng (được tôn trọng, được tin tưởng, được công nhận)

5. Nhu cầu thể hiện bản thân. Cần phải đạt được nhu cầu mỗi tầng trước khi tiến đến tầng tiếp theo.

Tầng cao nhất, tự thể hiện bản thân, hay điều kiện để trưởng thành và quá trình để trở thành phiên bản hoàn thiện nhất của bản thân, cần do con trẻ tự ý thức, chứ không phải từ mong muốn “chứng minh luận điểm của bố mẹ là sai”.

Liệu điều đó có nghĩa phụ huynh không bao giờ nên giao tiếp với con cái và khuyên nhủ chúng cải thiện mặt này mặt kia? Tất nhiên là không. Tuy nhiên, có rất nhiều cách khác, nhẹ nhàng và hợp lý hơn, để nhận xét hoặc bày tỏ quan tâm.

Ví dụ, “Con quản lí thời gian kiểu tệ hại gì thế? Làm sao mà đỗ Harvard được nếu con cứ thế này?” có thể dễ dàng đổi thành một lời khuyến khích, như là “Mẹ rất vui vì con đã xong bài tập vào tối qua. Con thấy thế nào? Có cần mẹ giúp gì để lần sau không cần phải thức muộn như thế nữa không? Mẹ giúp được mà, con thấy sao?”.

Các phụ huynh tập trung vào mặt tích cực, tự đánh giá, quan sát, và cố gắng giải quyết vấn đề. Các bậc phụ huynh phải tránh rút ra kết luận quá nhanh: Thay vì chụp lên đầu con cái lời phê “quản lý thời gian tệ,” phụ huynh nên để ý sự thật (phải thức muộn để hoàn thành, muộn hạn nộp...) để tránh những phản ứng tiêu cực.

Tự cải thiện bản thân cần xuất phát từ bên trong. Tôi nghĩ, mọi phụ huynh và những các nhà giáo dục đều nên chú ý tới lời mình khi nói chuyện với giới trẻ. Học sinh sinh viên giai đoạn này vẫn đang tìm kiếm và khám phá bản thân, vậy nên chúng ta cần phải bày tỏ quan tâm một cách cẩn thận và chu đáo.

Hà Dung

Theo Christopher Rim, Chuyên viên tư vấn giáo dục

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/cha-me-qua-khat-khe-can-tro-con-thanh-dat-515904.html