Cha mẹ nhắc con không 'học tủ' môn Lịch sử ở kỳ thi THPT quốc gia 2019

So với đề thi năm 2018, đề minh họa môn Lịch sử THPT Quốc gia 2019 được đánh giá giảm độ khó, giảm các câu hỏi mang tính đánh đố, nhưng cách ra đề vẫn phân loại tốt được thí sinh. Đề dàn trải khối lượng chương trình học nên cha mẹ cần nhắc con việc 'học tủ' là điều cần tránh khi ôn thi môn này.

Đánh giá về đề minh họa môn Lịch sử Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 Bộ GD&ĐT vừa công bố, nhiều giáo viên cho rằng, đề đã giảm độ khó, các câu hỏi tường minh, không lắt léo và đánh đố nhưng vẫn phân loại được thí sinh.

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, Tổ trưởng Chuyên môn Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ), đề thi minh họa môn Lịch sử năm nay có 4 câu hỏi phần nội dung kiến thức lớp 11; 36 câu kiến thức lớp 12. Như vậy, trọng tâm là kiến thức lớp 12. Đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng, vừa sức, đáp ứng yêu cầu thi tốt nghiệp THPT, song vẫn có tính phân hóa cao, đáp ứng tuyển sinh vào các trường đại học.

Ảnh minh họa

“Câu hỏi giảm mức độ khó so với đề thi THPT quốc gia năm 2018; nội dung câu hỏi rõ ràng, tường minh, không lắt léo, đánh đố, song rất linh hoạt và có tính phân loại rõ” - cô Thủy nhấn mạnh.

Các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, thuận lợi cho học sinh trong quá trình làm bài; nội dung đề cập đến toàn diện các nội dung kiến thức về các mảng kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao. Đặc biệt, đề thi có nhiều câu hỏi thực tiễn hướng đến đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh.

Nữ giáo viên lưu ý, từ câu hỏi 35 sẽ là dạng câu hỏi khó, đòi hỏi thí sinh phải tư duy nhiều hơn. Với cách ra đề này, các trọng tâm được đưa ra là cần nắm vững kiến thức, bám sách giáo khoa để làm bài; phải hiểu, xâu chuỗi các kiến thức.

Các giáo viên luyện thi trực tuyến môn Lịch sử tại hệ thống Hocmai cũng cho rằng, đề thi vẫn sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó nhưng ở mức tương đối. Các câu hỏi cực khó bắt đầu từ câu 35 đến 40.

So với đề thi THPT quốc gia môn Lịch sử năm 2018, đề tham khảo năm nay có xu hướng “an toàn” hơn, nghĩa là đề thi có tỉ lệ câu hỏi cực khó giảm hẳn chỉ có 6 câu chiếm 15%. Đề tham khảo cũng không xuất hiện những dạng bài mới lạ, không có câu hỏi liên hệ thực tiễn.

Điểm giống nhau giữa hai đề thi của hai năm là phạm vi kiến thức (đều không có kiến thức lớp 10) và loại bỏ hẳn dạng bài yêu cầu ghi nhớ máy móc mốc thời gian, sự kiện lịch sử. Chính vì thế, học sinh tuyệt đối không học “tủ” mà cần ôn luyện trải rộng kiến thức, ôn tập có hệ thống và khoa học vì đề thi không đòi hỏi học thuộc lòng quá nhiều.

Phúc Nguyên

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/cha-me-nhac-con-khong-hoc-tu-mon-lich-su-o-ky-thi-thpt-quoc-gia-2019-post52684.html