Cha mẹ nên xử trí thế nào khi con hay nói dối?

Một vấn đề đau đầu với nhiều bậc phụ huynh là nên làm thế nào khi con hay nói dối. Có nhiều người tâm sự dù mắng mỏ thậm chí đánh đòn mà con vẫn không bỏ được tật xấu này.

Đau đầu vì con nói dối không chớp mắt

Chị Minh Tâm, 33 tuổi ở Bắc Ninh buồn rầu kể: "Bé trai nhà tôi năm nay 8 tuổi, đang học lớp 2. Thời gian gần đây, tôi thấy con có một vấn đề bất ổn, đó là bé hay nói dối. Dù tôi trực tiếp có mặt khi cháu có hành động sai, nhưng bé vẫn nhanh miệng chối và đổ tội cho người khác.

Nhiều hôm con đi học về, tôi hỏi cháu hôm nay cô có giao bài tập về nhà không, cháu trả lời là “không” nhưng khi tôi hỏi bạn cùng lớp với cháu thì được biết cô hôm nào cũng giao nhiệm vụ cho các cháu, hôm thì về ôn lại bài tập đọc, hôm thì làm lại những phép toán đã từng làm sai. Những lúc như vậy, tôi mắng thì cháu lại biện minh rằng: “Con quên”.

Hầu như mọi câu hỏi của tôi đều không nhận được câu trả lời trung thực ngay từ đầu. Điều này khiến tôi rất lo lắng, tôi sợ con mình sẽ thành người dối trá. Tôi không biết mình phải làm sao để con trở lại là một đứa trẻ luôn trung thực."

Đánh con khi bé nói dối chỉ làm vấn đề trở nên trầm trọng hơn - Ảnh minh họa

Còn với chị Mùi, 38 tuổi, ở Hà Nội, thì việc con nói dối lại cả một quá trình. Lâu nay bé Thảo con chị, 10 tuổi, thường hay nói dối mấy chuyện nhỏ nhặt nên chị Mùi cho là trẻ con vì chưa hiểu hết được mọi chuyện nên trình bày không chính xác. Nhưng đến một hôm, chị gần như bị sốc bởi chị thấy con nói dối thật bài bản về vấn đề học tập của mình ở trường. Cháu thi rồi mà dám bảo chị là chưa thi vì cô giáo đổi lịch. Khi chị muốn gọi điện hỏi cô thì nó bảo cô đã thay số rồi…

Nói chuyện với cô giáo của con chị giận tím người vì biết chuyện con thi rồi nhưng bị mắc lỗi nên tìm cách nói dối. Cảm giác bị con lừa dối và phụ công, không kìm nổi cơn tức giận chị đã đánh con một trận. Đánh con xong lòng chị rối như tơ vò, vừa thương, vừa giận lại vừa lo lắng. Chị khóc nói: "Tôi cũng không hiểu tại sao nó lại như vậy?"

Thuyết phục con nhận lỗi

Anh Quang Hà, 37 tuổi ở Hà Nội tâm sự: "Trước kia con trai tôi cũng “mắc bệnh” nói dối như Cuội. Nhiều khi thấy con nói dối mà mặt cứ tỉnh bơ khiến tôi nóng tính mà quát mắng, thậm chí đánh con. Thế nhưng mặc mọi lời đe dọa, cảnh cáo của bố mẹ, con vẫn chứng nào tật ấy.

Tôi có hỏi một người bạn là chuyên gia tâm lý thì được biết, đôi khi, con nói dối, chối tội là do bố mẹ truy vấn bé hàng ngày, dù chỉ là một lỗi nhỏ cũng truy và bắt con nhận lỗi đến cùng, hoặc có thể do các bậc cha mẹ chúng ta cũng hay nói dối trước mặt bé,... Vậy nên, để “sửa” tính cho con thì bậc cha mẹ chúng ta cũng cần thay đổi thái độ của chính mình."

Sự kiên trì của anh Hà đã giúp con trai bớt tật nói dối - Ảnh minh họa.

Anh Hà đã quyết tâm thay đổi thái độ cư xử với con. Thay vì khắt khe bắt bẻ, anh cho con được quyền làm sai, được quyền có lỗi, nhưng sẽ nhẹ nhàng giải thích để bé biết rằng ai cũng là người và ai cũng sai. Nếu sai mà nhận sai thì còn đáng yêu, đáng trân trọng hơn là người không bao giờ sai. Nhờ sự kiên trì và khoan dung của bố, con trai anh giờ có thể dũng cảm nhận sai và đỡ hẳn việc nói dối.

"Thuyết phục con nhận lỗi và để con được có cơ hội sửa sai rồi khen con dũng cảm. Đừng phủ đầu con ngay bằng những lời mạt sát, mắng mỏ. Tôi tin các bậc cha mẹ nhất là chị em phụ nữ vốn nhiều nhẫn nại hơn đàn ông chúng tôi, sẽ nhanh “chữa” được “bệnh” nói dối của con." - Anh Hà nói.

Theo chuyên gia Tâm lý học Phạm Hiền, nguyên nhân việc trẻ hay nói dối thì ngoài vấn đề do học xấu từ chính cha mẹ, người thân ra thì còn có thể chia theo từng giai đoạn của tuổi.

- Từ 5 tuổi trở xuống: Do trẻ chưa nhận thức được nhiều và đôi khi nói theo cách tưởng tượng của bản thân để được bố mẹ khen hoặc bản thân đang mong ước nó.

- Từ 6 tuổi đến 11 tuổi: Trẻ nhận thức được hơn nên nói dối để đạt được điều mình mong muốn hoặc tránh bị phạt, bị mắng.

- Từ 12 tuổi trở lên: Lúc này các em đã bước vào thế giới của người lớn, vì vậy trẻ nói dối để đạt được điều mình muốn, để bố mẹ không mắng hoặc để bố mẹ không can thiệp quá sâu vào đời tư của mình.

Từ những nguyên nhân này, chuyên gia Hiền đưa ra lời khuyên cho những bậc phụ huynh có con nói dối thuần thục, không còn ngượng ngiụ.

- Thứ nhất: Không tạo cơ hội cho con nói dối bằng cách thay bằng dùng các câu nói “Ai làm thế này?”, “con làm phải không?” cha mẹ nên dùng “nào chúng ta cùng dọn?”, “theo con thì tại sao điều này xảy ra?", "con có cách nào để lần sau không như thế?"

- Thứ hai: Không mắng hoặc phạt khi phát hiện con gây ra lỗi mà phân tích cho con hiểu về việc con đã sai và hãy rút kinh nghiệm lần sau, đồng thời hướng dẫn cho con thực hiện.

- Thứ ba: Phân tích cho con phân biệt được loại nói dối vô hại và có hại giúp trẻ phân biệt được để không có những nhận thức sai lệch khi lắng nghe xung quanh.

- Thứ tư: Do bất kỳ lý do gì phải nói dối dù vô hại cha mẹ không nên nói trước mặt con cái.

Chuyên gia Tâm lý học Phạm Hiền.

Chị Hiền góp ý: "Nhiều bậc cha mẹ sai lầm khi cho rằng con còn quá nhỏ để biết nói dối, sẽ dễ dàng nhận biết được khi con nói dối hoặc đánh con nhiều để còn bỏ thói nói dối. Hãy dừng lại. Cha mẹ hãy để ý con nhiều hơn đặc biệt là khi con rất thích món đồ chơi nào đó và muốn được có nó. Hãy chân thành, nhẹ nhàng tâm sự với con để hiểu con hơn, như vậy con sẽ không còn nói dối nữa.

Cha mẹ hãy nhớ đòn roi không làm con nên người mà chỉ làm tổn thương con mà thôi! Vì vậy ứng xử khi con nói dối cũng là một kỹ năng rất cần thiết cho các bậc làm cha làm mẹ. "

Theo Minh Minh/Doisongphapluat

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/cha-me-nen-xu-tri-the-nao-khi-con-hay-noi-doi-c21a298263.html