Cha mẹ nên làm gì khi trẻ sốt cao không hạ?

Bé sốt cao không hạ có thể là dấu hiệu cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm như viêm màng não, viêm phổi, viêm phế quản hoặc nhiễm trùng.

Sốt thường là một dấu hiệu biểu hiện cơ thể trẻ có bệnh hoặc đang có vấn đề về sức khỏe. Đồng thời, khi sốt cao dễ dẫn đến co giật, gây tử vong cho trẻ. Do đó, khi phát hiện trẻ sốt cao phải nhanh chóng tìm cách hạ sốt cho trẻ.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp cha mẹ dùng đủ mọi cách để hạ sốt cho trẻ thậm chí còn khiến trẻ sốt cao uống thuốc không hạ. Điều này khiến các bậc cha mẹ hết sức lo lắng. Chính vì thế, bài viết sẽ chia sẻ một số phương pháp chăm sóc tốt nhất và hợp lí cho trẻ sốt cao không hạ dù đã uống thuốc.

Nguyên nhân trẻ sốt cao không hạ

Thông thường có hai nguyên nhân chính dẫn đến cơn sốt của trẻ. Đầu tiên, trẻ có thể sốt do nhiễm khuẩn (các loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng). Thứ hai, trẻ sốt không phải do nhiễm khuẩn, mà do một số nguyên nhân như: bệnh Lupus ban đỏ, sốt xuất huyết, do tiêm ngừa…

Mặt khác, sốt cũng giúp cơ thể trẻ chống chọi lại với bệnh tật vì đó là một hiện tượng có lợi. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, sức đề kháng của cơ thể cũng nâng cao giúp tiêu diệt bớt các tác nhân gây bệnh.

Sốt cao rất dễ dẫn đến tình trạng co giật, thậm chí gây tử vong cho trẻ.

Theo đó, nếu trẻ sốt cao mà uống thuốc cũng không hạ thì có thể do hai nguyên nhân sau: Do cha mẹ không biết cách chăm sóc trẻ đúng cách dẫn đến trẻ không hạ sốt, thậm chí còn sốt cao hơn và có thể trẻ đang mắc bệnh nhiễm trùng hoặc một căn bệnh nguy hiểm như: Viêm màng não, viêm phổ, viêm phế quản, nhiễm trùng...

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ sốt cao không hạ?

Nếu trẻ có một số dấu hiệu như quấy khóc, ngủ lơ mơ, hay rùng mình, thân nhiệt tăng không giảm tức là trẻ đang lên cơn sốt. Lúc này các bậc cha mẹ cần chú ý thực hiện một số phương pháp tạm thời sau:

1. Xác định thân nhiệt của trẻ bằng nhiệt kế để có hướng chăm sóc hợp lý, đồng thời có thể theo dõi được quá trình tăng giảm nhiệt độ của trẻ. Tuy nhiên phải rất cẩn trọng khi dùng nhiệt kế thủy ngân cho trẻ. Theo đó, trường hợp thân nhiệt dưới 38,5 độ C, nên dùng các biện phát hạ sốt khác và hạn chế dùng thuốc . Thân nhiệt trẻ trên 38,5 độ C, cho trẻ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, thuốc thường được sử dụng là Paracetamol đơn chất dạng gói hay sirô...

2. Không nên để trẻ nằm nghỉ ở nơi có nhiều người vây quanh mà nên tìm những nơi thoáng mát, không có gió là tốt nhất. Có thể dùng quạt gió tạo không khí lưu thông trong phòng nhưng không được hướng quạt vào trẻ.

Nếu trẻ có những dấu hiệu như: Sốt cao kéo dài, nôn mửa, tím tái, khó thở thậm chí co giật… hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

3. Lau người cho trẻ bằng khăn nhúng nước ấm, thường ở các vị trí như bẹn, nách. Sau khi lau từ 2 - 3 lần thì chườm lên trán cho trẻ. Khi thân nhiệt hạ xuống khoảng 37,5 độ C thì mặc quần áo lại bình thường cho bé.

4. Trong trường hợp trẻ bị nôn ói, không thể uống thuốc thì nên sử dụng các loại thuốc hạ sốt dạng viên đặt ở hậu môn theo chỉ định của bác sĩ.

5. Chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn này cũng đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt, khi trẻ bị sốt uống thuốc không hạ, cơ thể bị thiếu nước, chúng ta phải chủ động cho trẻ uống nhiều nước để bổ sung lượng nước cần thiết cho trẻ và cân bằng nhiệt độ cơ thể trẻ. Bên cạnh đó, có thể bổ sung khoáng, chất điện giải và vitamin cần thiết cho trẻ từ một số loại nước trái cây, nước dừa, nước biển khô...

Thế nhưng, nếu đã sử dụng hết những biện pháp trên mà trẻ vẫn sốt cao không hạ thì cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến gặp bác sĩ và cơ sở y tế gần nhất.

Nam Phong (TH)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/cha-me-nen-lam-gi-khi-tre-sot-cao-khong-ha-c21a289782.html