Cha mẹ nên dạy trẻ điều gì trong Tết cổ truyền?

Hầu hết phụ huynh lo lắng dịp Tết không có thời gian trông khi các con nghỉ nhiều ngày, nhưng các chuyên gia cho rằng đây là dịp tốt để dạy trẻ trải nghiệm về cuộc sống xung quanh.

Cuộc sống ngày nay dường như chúng ta chỉ chạy theo những thú vui, những lễ nghĩa rườm rà mà vô tình quên đi giá trị trân quý của ngày Tết cổ truyền là vui chơi và sum vầy.

Các em nhỏ cũng bị những thú vui của xã hội làm lệch lạc cái nhìn về Tết cổ truyền. Cả kỳ nghỉ các em thường cắm mặt vào điện thoại, máy tính mà quên rằng biết bao điều cần học, cần khám phá xung quanh chúng ta.

Tết để sum vầy và yêu thương

Ông Hồ Thanh Bình, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT nhìn nhận, Tết của người Việt thể hiện chữ “lễ” nhiều hơn là coi Tết như một kỳ nghỉ.

“Nghĩa là phải có những nghi thức mang tính văn hóa pha chút tâm linh của người Việt Nam. Phải có các nghi lễ cúng tổ tiên, phải có lì xì, có hoa đào, bánh chưng, mừng thọ người già mừng tuổi trẻ nhỏ và phải kiêng kỵ đầu năm…

Giá trị của Tết nằm ở đó. Thông qua tất cả, chúng ta đều có thể hướng trẻ đến những giá trị tinh thần đáng quý mà Tết mang lại. Đó là sự sum vầy, là sự yêu thương, quan tâm tới nhau, hướng về tổ tiên, là ước vọng, mong chờ một năm mới tốt đẹp hơn năm cũ”.

Theo ông Bình, ngày Tết, những đứa con từ phương xa trở về, không còn gì vui hơn khi cha mẹ cùng con dọn dẹp nhà cửa, cùng đi chợ sắm sửa trang trí, cùng làm một mâm cơm cúng, cùng thay nhau trông nồi bánh chưng, trẻ nhỏ thì làm việc nhỏ.

Đến thời khắc thiêng liêng của giao thừa, mọi người mừng tuổi nhau và chúc nhau những điều tốt đẹp... Đó chính là bài học thực tế sinh động nhất về sự gắn bó, sẻ chia, yêu thương, sum họp.

Tết là dịp tốt nhất để dạy trẻ trải nghiệm về cuộc sống xung quanh.

Tết là dịp tốt nhất để dạy trẻ trải nghiệm về cuộc sống xung quanh.

Dạy trẻ kính trọng, hiếu nghĩa

Bà Nguyễn Thị Minh Đăng, một chuyên gia về trí tuệ cảm xúc tại TP.HCM, từng thiết kế một chương trình tìm hiểu về Tết cho trẻ em tiểu học, cho biết, giá trị của Tết thì có rất nhiều, nhưng sự sum vầy, đoàn viên giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ vẫn là nét nổi bật nhất.

Chúng ta kết thúc một năm cũ bằng sự hội tụ đông đủ của tất cả mọi người trong nhà, ngồi lại với nhau để cùng chúc cho nhau những điều tốt đẹp trong năm mới. Sáng mùng 1, người lớn lì xì cho trẻ, nhưng trẻ cũng phải cung kính lì xì và kính chúc ông bà cha mẹ khỏe mạnh, sống lâu…

Qua đó, chúng ta dạy trẻ tinh thần dù đi đâu, ở đâu, xa xôi thế nào thì cũng luôn hướng về gia đình, hướng về tổ tiên, biết tri ân, trân trọng ông bà, cha mẹ…Đồng thời Tết cũng là dịp để chúng ta cho các con thấy việc hiểu thuận cha mẹ, trân quý nhũng giây phút gia đình bên nhau quan trọng ra sao.

Ông cha ta luôn coi trọng giữ đạo Nhân- Lễ- Nghĩa- Chí- Tín lên hàng đầu, các thế hệ trong gia đình cứ thế mà truyền từ đời này qua đời khác bằng hành động, bằng lời nói và bằng những tình cảm thường nhật nhất.

Bà Minh đưa ra ví dụ, chúng ta kính trọng bố mẹ già, yêu thương chăm sóc ân cần; con cái chúng ta sẽ nhìn vào đó mà làm gương theo. Các bạn hãy nhớ chúng ta đối xử với bố mẹ mình như thế nào thì sau này các con sẽ đối xử như vậy với chúng ta. Một vòng luân hồi đạo lý ai cũng đều phải trải qua.

Học mà chơi, chơi mà học

Theo tiến sĩ, thạc sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia phân viện tại TP.HCM cho rằng, ngày Tết có rất nhiều bài học mà cha mẹ có thể dạy trẻ trong dịp Tết. Phụ huynh hãy coi đây là dịp vừa học vừa chơi, một học kỳ trải nghiệm đặc biệt nhất cho các con, thay vì nghĩ đó là gánh nặng.

Thứ nhất, phụ huynh có thể dạy trẻ cách dọn dẹp, trang trí nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng và đẹp mắt bằng cách làm những việc vừa sức như lau dọn đồ chơi, bàn ghế… Tùy vào độ tuổi để giao việc, cho trẻ thấy rằng đón Tết vừa là trách nhiệm với gia đình vừa là công việc thường nhật.

Tiếp đến là dạy con biết tri ân tổ tiên thông qua cách sửa soạn mâm cúng, trân trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô thông qua việc nhận lì xì và chúc Tết. Không ngại khi trẻ làm sai, đừng quát mắng hay to tiếng, hãy khích lệ để con làm tốt hơn, TS Thúy chia sẻ.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/kinh-nghiem-song/cha-me-nen-day-tre-dieu-gi-trong-tet-co-truyen-ar523318.html