Cha mẹ luôn là 'người bạn lớn tuổi' của con

Tình bạn, tình yêu hay những rung động đầu đời vừa chớm nở, cùng nhiều băn khoăn, rắc rối của tuổi học trò rất cần được chia sẻ, tư vấn. Bởi nếu không, các em sẽ rơi vào trạng thái khó kiểm soát hành vi, ý thức và gây ra những hệ lụy không đáng có.

Nhà giáo Đỗ Văn Giảng – Phụ trách Văn phòng Tư vấn tâm lý Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

Nhà giáo Đỗ Văn Giảng – Phụ trách Văn phòng Tư vấn tâm lý Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).

Nhà giáo Đỗ Văn Giảng – Phụ trách Văn phòng Tư vấn tâm lý Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích không chỉ dành cho học sinh, giáo viên mà cả các bậc cha mẹ.

Xin đừng ngăn cấm!

Trong xã hội hiện đại, việc sử dụng mạng xã hội không chỉ là nhu cầu của người lớn mà cũng là mong muốn của con trẻ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lo lắng con sẽ gặp tiêu cực khi tham gia mạng xã hội và muốn kiểm soát, thậm chí là cấm đoán trẻ.

Về điều này, TS Đỗ Văn Giảng cho biết: “Thực ra cấm tuyệt đối con sử dụng mạng xã hội là rất khó vì đó là nhu cầu cần được tiếp xúc với văn minh hiện đại. Đối với trẻ, việc vào mạng cũng chính là nhu cầu giao lưu, trao đổi thông tin. Vì vậy, người lớn cần hiểu được nội dung nào con nên xem chứ không nên cấm hẳn chuyện dùng điện thoại. Đó là sự áp đặt không cần thiết, bắt các em làm theo ý mình.

Người lớn nên giải thích cho con hiểu, giờ học thì không được sử dụng điện thoại. Vấn đề ở đây là cách giáo dục con như thế nào thay vì cấm đoán. Theo đó, người lớn hãy giúp con tránh xa những nội dung xấu, không lạm dụng và biết cách chọn thời gian thích hợp để xem.

Sự cấm đoán sẽ gây ra sự ức chế, tự ti, bức xúc ở con trẻ. Thậm chí còn gây ra sự kỳ thị, thù hằn ở trẻ khi bị cấm giao tiếp, tiếp xúc với mạng xã hội”.

Theo TS Đỗ Văn Giảng, văn phòng tư vấn tâm lý ở các nhà trường hết sức quan trọng. Đó là nơi các em có thể tìm đến để mong muốn được gỡ rối. Ở đó, các em có thể chia sẻ cởi mở hơn việc tâm sự với cha mẹ hay giáo viên.

Chính vì vậy, những người làm công tác tư vấn tâm lý nên nhẹ nhàng, mềm mỏng, tránh thái độ khắt khe để các em dễ trò chuyện.

Hãy mở ra câu chuyện bằng sự quan tâm chứ không phải là hỏi xoáy vào chính vấn đề mà các em đang mắc phải. Dù học sinh đó trước đây được đánh giá là chưa ngoan nhưng nhà tư vấn cũng đừng bị chi phối cảm xúc theo hướng đó. Không nên nhìn hành vi của học sinh theo cách của người khác, phải nhẹ hàng tiếp xúc gần gũi với các em để các em chia sẻ với mình.

Đừng lo nếu con đang bị “rối nhiễu”!

Nhiều phụ huynh có suy nghĩ rằng, học sinh đến các văn phòng tư vấn tâm lý chỉ để hỏi chuyện tình cảm yêu đương. Thực tế, các em còn quan tâm tới rất nhiều vấn đề, đặc biệt là hướng nghiệp, chuyện gia đình, các mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô hoặc bạn bè…

Tuy nhiên, TS Đỗ Văn Giảng cũng cho rằng, người quan trọng nhất đối với các em khi ở trường đó là giáo viên chủ nhiệm chứ không phải là các nhà tư vấn tâm lý: “Họ như một “nhạc trưởng” thường xuyên tổ chức học tập, các hoạt động ngoại khóa và nắm bắt được đặc điểm từng học sinh. Giáo viên chủ nhiệm chính là người hiểu hoàn cảnh và tâm tư của học sinh hơn. Chính vì vậy, vai trò của giáo viên chủ nhiệm là rất quan trọng đối với học sinh”.

TS Đỗ Văn Giảng cũng nhấn mạnh về hiện tượng “rối nhiễu” của học sinh độ tuổi THPT là khá phổ biến. Điều quan trọng là cần hiểu rối nhiễu theo hướng nào để có thể đồng hành cùng các em.

TS Giảng chia sẻ: “Phần lớn học sinh ở độ tuổi này tăng động giảm chú ý, đó là hiện tượng rối nhiễu thường xảy ra. Phải hiểu được nguyên nhân mới có thể khắc phục được. Một là để giúp bố mẹ, giáo viên chủ nhiệm hiểu và nắm bắt được để hướng dẫn các em vượt qua.

Trước những rối nhiễu ấy, nếu kết luận là hư sẽ gây mặc cảm cho các em và khó uốn nắn. Sự tăng động giảm chú ý nếu được hướng dẫn đúng cách sẽ là một lợi thế sau này để các em có cách tiếp xúc với cuộc sống nhạy bén.

Giáo dục có trách nhiệm phát huy những tố chất đặc biệt của học trò. Có em có khả năng hoạt động ngoại khóa, thể dục, một số khác lại phát triển Toán học, tự nhiên hay những môn xã hội… Vì vậy, đừng vội kết luận: Chỉ khi các em có điểm cao thì mới được đánh gia là ngoan”.

Vấn đề học sinh có tình cảm, “yêu đương” quá sớm, TS Giảng cho rằng, đó là chuyện không thể tránh khỏi và phụ huynh phải luôn bình tĩnh chứ không thể ngay lập tức bắt con chấm dứt suy nghĩ mơ mộng này ngay.

“Con người có nhiều ham muốn về tình dục, ăn uống, những nhu cầu mang tính chất bản năng. Trong năm học cuối cấp phổ thông, đó là thời điểm con có những cảm xúc riêng, vì vậy cha mẹ hãy chia sẻ và đồng hành cũng con. Hãy nói để con hiểu tuổi của con chưa thể phát triển tình cảm ấy trở thành hiện thực được mà hãy biến tình cảm đó thành tình cảm yêu mến, kính trọng thầy cô”.

Như vậy, với các em, dù ở độ tuổi nào thì cha mẹ và thầy cô giáo cũng chính là người quan trọng ảnh hướng lớn tới tương lai, tâm lý, tình cảm của các con. Chính vì vậy, người lớn thay vì nổi nóng cấm đoán, hãy tìm hiểu căn nguyên của sự việc và phải đóng vai trò là “người bạn lớn tuổi” của con để đồng hành, chia sẻ giúp con vượt qua mọi khủng hoảng.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/cha-me-luon-la-nguoi-ban-lon-tuoi-cua-con-4057880-b.html