Cha mẹ là người thầy đầu tiên đánh thức, vun đắp và phát triển tài năng của con

Mỗi đứa trẻ cơ bản khi sinh ra đều có một khả năng đặc biệt. Làm sao để phát hiện, vun đắp và phát triển nó trở thành tài năng, thậm chí là thiên tài, đó là việc của các bậc làm cha mẹ biết quan tâm và yêu thương con cái.

Trước khi trở thành một nhà bác học vĩ đại của thế kỉ XX, Thomas Edison cũng đã từng là một cậu bé được thầy giáo của mình nhận xét là thiểu năng, đần độn và không thể dạy dỗ được. Vậy điều kì diệu nào đã khiến một cậu bé bị cả trường học từ chối trở thành một thiên tài phát minh của nhân loại?

Edison là một người có tư duy làm việc độc lập. Chính vì vậy, khi đang trong độ tuổi đến trường, Edison luôn bị thầy nhận xét là lơ mơ không tập trung. Vào một ngày đẹp trời, cậu bé Edison 7 tuổi cầm lá thư của thầy giáo gửi về đưa cho mẹ. Mẹ Edison cầm bức thư đọc và nước mắt bà ràn rụa. Edison lo lắng hỏi mẹ trong thư thầy viết gì thì được mẹ trả lời: “Con trai của ông bà là một thiên tài. Ngôi trường của chúng tôi không có đủ năng lực để dạy dỗ được. Xin bà hãy để cậu ấy tự học và kèm cặp cho con trai của mình”.

 Bức thư "được đánh tráo nội dung" của bà mẹ là tiền đề cho thiên tài Thomas Edison tỏa sáng

Bức thư "được đánh tráo nội dung" của bà mẹ là tiền đề cho thiên tài Thomas Edison tỏa sáng

Kể từ đó, Edison không còn tới trường và tự học dưới sự chỉ dạy của mẹ. Mẹ Edison cho ông học nhiều môn khác nhau nhưng môn mà ông tỏ ra thích thú và có thiên khiếu nhất vẫn là khoa học.

Về sau này, Edison trở thành một thiên tài với nhiều phát minh vĩ đại của thế kỉ. Edison cũng khám phá ra bức thư mà nhà trường gửi mẹ mình năm nào. Đó không phải là bức thư tuyên dương Edison là một cậu bé thiên tài mà là một bức thư từ chối để cậu bé Edison đi học tiếp vì cậu quá đần độn, không tập trung và hay lơ mơ trên lớp. Ngoài ra cậu còn có dấu hiệu rối trí và tâm thần.

Sau khi biết được sự thật về bức thư, Edison đã khóc rất nhiều. Về sau, trong quyển nhật ký của mình Edison đã viết:

“Thomas Alva Edison là một đứa trẻ rối trí, mà, nhờ có một người mẹ anh hùng, cậu đã trở thành thiên tài của thế kỷ”.

Đây là một câu chuyện có thật về tuổi thơ của Edison. Ông đã bị giáo viên đuổi học, bị bạn bè trêu đùa, bị cả chính người cha của mình xem là đứa con có vấn đề về thần kinh. Sau khi rẽ sang con đường phát minh, trước khi thành công, Edison cũng đã nếm thất bại hàng chục ngàn lần. Thế nhưng sau tất cả, người vực ông dậy và trao cho ông niềm tin chính là mẹ của ông.

Nếu không có những lời nói dối để bảo vệ tâm hồn của Edison năm nào, có lẽ giờ đây ông đã trở thành một kẻ thất bại vô danh không được ghi tên vào lịch sử nhân loại. Mẹ Edison - bà Nancy Elliott - người không bao giờ từ bỏ hi vọng ở con trai mình. Chính tình yêu thương của người mẹ vĩ đại ấy đã đánh thức những khả năng tiềm ẩn trong người con trai của mình. Nếu không, sẽ không có một Thomas Edison - cha đẻ của những bóng đèn điện, xe điện và hàng ngàn phát minh quan trọng khác của nhân loại.

Thomas Edison trở thành thiên tài của thế kỷ từ một cậu bé bị nhà trường chối bỏ

Câu chuyện của Edison và mẹ đã xảy ra từ thế kỉ XIX nhưng giá trị giáo dục và bài học nhân văn của nó vẫn còn ý nghĩa cho tới ngày nay.

Giáo dục một đứa trẻ không phải là chuyện ép buộc mà dựa trên tinh thần tự nguyện và khơi gợi tính tò mò, ham học hỏi của bé. Mỗi đứa trẻ đều có tính sáng tạo riêng và không đứa trẻ nào giống hệt đứa trẻ nào. Những khuôn khổ ép buộc mà phụ huynh và người lớn đặt ra vô tình khiến con trở nên cứng nhắc khi phải nhất mực tuân theo. Nếu trẻ không thể tiếp nhận được, lâu dần, sẽ trở nên ù lì, kém năng động .

Ngoài ra, hệ thống sách hướng dẫn, sách mẫu, sách giải quá nhiều đã làm cho người lớn coi đó là một chuẩn mực hay phải noi theo, những bài giải tốt phải là những bài trùng khớp với các bước làm và đáp án trong sách mẫu. Điều này làm thui chột trí sáng tạo cá nhân của trẻ.

Chuyện học thêm, học hè nhồi nhét khiến việc học hành không còn thoải mái, nó trở thành cuộc đua thành tích căng thẳng. Ai chạy không kịp xem như thất bại. Sự mệt mỏi, căng thẳng và stress khiến trường học không còn là nơi vui chơi mà ở đó chỉ có sách vở, bài tập, thi đua xếp hạng và sự thúc ép đến từ giáo viên.

Về phía gia đình, cha mẹ chính là người thầy đầu tiên hình thành nên nhân cách, phẩm chất và vun vén tài năng ban đầu cho trẻ. Cha mẹ cần tạo sự hứng khởi cho con, cổ vũ con tìm tòi khám phá. Một đứa trẻ nghịch ngợm không phải là một đứa trẻ hư. Một đứa trẻ không chịu tiếp thu không phải là một đứa trẻ đần độn. Việc bắt trẻ ngồi im tiếp thu nhất là với một đứa trẻ hiếu động nghịch ngợm quả là một thách thức đối với cha mẹ, nhưng nhất định vì con bạn sẽ kiên trì.

Cùng con khám phá thế giới xung quanh là một cách phát hiện tài năng của trẻ

Mỗi đứa trẻ khi sinh ra cơ bản đã có một sở trường, năng khiếu riêng biệt. Vấn đề là cha mẹ phải biết cách đánh thức, vun đắp và phát triển tài năng đang tiềm ẩn chưa có cơ hội bộc phát của trẻ.

Trước khi con đến trường, cha mẹ là người thầy đầu tiên mang đến cho con những tháng năm ấu thơ đầy niềm vui và hạnh phúc.

Mỗi một cuộc phiêu lưu là một sự trải nghiệm, một bài học mới mẻ. Hãy cùng con khám phá thế giới xung quanh. Tài năng của trẻ sẽ được bộc lộ khi gặp đúng thời điểm.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/cha-me-la-nguoi-thay-dau-tien-danh-thuc-vun-dap-va-phat-trien-tai-nang-cua-con-162125.html