Cha mẹ không chủ quan với tật khúc xạ ở trẻ

Ngày 10/5/2018 Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức Hội thảo 'Những trường hợp khó trong việc khám và điều trị tật khúc xạ ở Việt Nam'.

Bác sỹ Đặng Xuân Nguyên, giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đang khám cho bệnh nhi ở Kim Sơn, Ninh Bình. Ảnh: DN

Theo các chuyên gia y tế hiện tỷ lệ tật khúc xạ tại Việt Nam chiếm khoảng từ 15% đến 40%, tương ứng khoảng từ 14 đến 36 triệu người mắc tật khúc xạ. Trẻ em (từ 6 đến 15 tuổi) có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 25% đến 40% ở khu vực thành thị, từ 10% đến 15% tại khu vực nông thôn. Điều này có nghĩa có khoảng 3 triệu trẻ em đang có tật khúc xạ cần được chỉnh kính. Nếu không được điều trị kịp thời các tật này sẽ ảnh hưởng lớn đến thị lực của trẻ, do vậy các bậc phụ Huynh không nên chủ quan.

PGS-TS Nguyễn Đức Anh, giảng viên Bộ môn Mắt Trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Trưởng khoa khúc xạ Bệnh Viện Mắt Trung ương cho biết, dấu hiệu của tật khúc xạ nhiều khi không rõ ràng khiến cho người dân chủ quan, không đi khám để được phát hiện và điều trị sớm. Mắt có tật khúc xạ sẽ gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt, ảnh hưởng học tập, thậm chí gây ra rối loạn khác ở mắt: bị lác, nhược thị…

Đối với trường hợp trên 18 tuổi, khi độ tật khúc xạ ổn định, theo bác sỹ Đức Anh, bệnh nhân có thể lựa chọn phương pháp điều chỉnh tật khúc xạ vĩnh viễn là phẫu thuật. Hiện tại, ngoài phẫu thuật bằng phương pháp Lasik, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 áp dụng kĩ thuật điều trị khúc xạ tiên tiến trên thế giới như Relex Smile, Femto Lasik. Ngoài ra, với những trường hợp độ cận thị tiến triển nhanh bệnh nhân có thể đặt kính tiếp xúc để điều chỉnh tật khúc xạ.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/3-trieu-tre-em-viet-mac-cac-tat-khuc-xa.aspx