Cha mẹ hãy 'cài đặt' trong con một 'bộ lọc' trước tốt xấu bên ngoài

Các bậc cha mẹ hãy dạy con kỹ năng, kiến thức để ngay từ khi nhỏ xíu, con mình đã có gu thẩm mỹ, đã tràn đầy những điều tốt đẹp, thì dù có va vào cái xấu, cũng tự bật trở về…

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

Con có thểsẽ va vào nhiềucái xấu

Trong thời buổi công nghệ kỹ thuật số, việc trẻ nhỏ tiếp cận, sử dụng điện thoại thông minh vô cùng dễ dàng, trong khi các ba mẹ thường có xu hướng "giao phó" điện thoại thông minh, máy tính bảng cho trẻ, mặc con "khám phá" thế giới qua những video, trò chơi. Đáng lo ngại hơn khi hiện nay có nhiều video không lành mạnh, dùng từ ngữ thô tục, các trò thử thách gây sốc để "câu view" (tăng lượt xem) lại xuất hiện nhan nhản trên youtube và các trang mạng xã hội.

Từ câu chuyện bé gái V.T.D. (5 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) tử vong hồi năm ngoái vì học theo "trò chơi treo cổ" trên youtube khiến nhiều người đau lòng. Cho tới tuần này, khi youtuber Thơ Nguyễn nói tới búp bê Kumanthong, nhiều ba mẹ giật mình hoảng hốt, thì con số đã 8,7 triệu lượt theo dõi rồi. Đã có hàng trăm triệu lượt các bé xem những thứ nhảm nhí, và mãi tới khi sự việc cao trào xảy ra rồi thì dư luận mới ào ào lên án.

Trong một chia sẻ gần đây, nhà báo Thu Hà (tác giả cuốn sách Buông tay để con bay) cho rằng, youtube, tiktok và các kênh trên internet vừa là tài nguyên vô tận, vừa là bãi rác khổng lồ, vừa là người thầy thông thái, vừa là kẻ xúi giục tầm bậy; vừa là người tài trợ vô tư miễn phí, vừa là kẻ cắp điều quý nhất của bạn - thời gian.

“Và lần nào cũng vậy, mỗi khi truyền thông dậy sóng và cơ quan chức năng ra lệnh cấm, thì rất nhiều trẻ em đã xem xong! Chả lẽ cứ con không trong sáng thì tại youtube, con học kém thì tại nhà trường, con bị cô lập thì tại bạn bè, con trầm cảm bảo tại thi”, nhà báo Thu Hà đưa ra quan điểm.

Chúng ta không đơn thuần là nạn nhân, họ xấu là việc của họ, chúng ta có quyền lựa chọn. Ví dụ, Youtube có tính năng hạn chế nội dung không lành mạnh, bạn đăng nhập vào youtube trên tivi bằng địa chỉ email, chọn cài đặt rồi chọn chế độ hạn chế và bật. Rồi tính năng khóa trẻ em, ba mẹ có thể cài đặt mật khẩu để con không thể tự ý sử dụng. Nhưng đó chỉ là một phần của những giải pháp trên ngọn.

“Mỗi lần mình viết về nguy cơ, như bánh quy cần sa, thuốc lá điện tử, bạo lực bắt nạt học đường... thì các ba mẹ share tưng bừng rồi hoảng hốt “chị ơi, vậy canh con làm sao? Cấm làm sao?”, nhà báo Thu Hà chia sẻ.

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh (Công ty tham vấn, tư vấn trị liệu tâm lý Mạnh Linh School psychology) cho rằng, cùng với việc dạy con các kỹ năng lọc thông tin trên mạng, cha mẹ không nên hoang mang khi đọc các thông tin, cũng tránh bị ảnh hưởng đám đông mà cấm đoán con mình không dùng công nghệ. Thời đại 4.0, đừng vì sợ rủi ro mà cấm, xóa, khóa. Khi cha mẹ quan tâm, kiểm soát đúng mức, mạng xã hội sẽ mang đến nhiều điều bổ ích cho trẻ.

Giúpcon trở thành “tường lửa” của chính mình

Để giúp con tránh những cạm bẫy và độc hại nói chung, nhà báo Thu Hà có giải pháp, là cha mẹ hãy cố gắng “cài đặt” bên trong con một bộ lọc tốt, một cái la bàn tốt, để dù không có tường lửa, không có ba mẹ cạnh, con vẫn biết tự lọc đúng, lựa chọn đúng.

Theo nhà báo Thu Hà không có ngôi trường nào là vô trùng tuyệt đối, không có nước nào là hoàn toàn toàn không có rác rưởi và tội phạm, không có phần mềm nào để lọc ra 100% chỉ toàn tốt đẹp. Cấm Thơ này thì vẫn sẽ còn Thơ khác. Chúng ta phải chấp nhận sống chung thôi.

Công bằng mà nói, những cái xấu thì luôn lan tràn nhanh và dễ dàng. Lớn hơn 1 chút thì phim “người lớn”. Thậm chí rất nhiều học sinh thức chat chít với nhau tới tận 2-3 giờ sáng, rồi hôm sau ngủ gật trong lớp. Rồi thì bạn xấu, rồi thì áp lực bạn bè. Vậy thì, quan trọng nhất để bảo vệ con là nội lực của chính con.

Làm sao để ngay từ nhỏ xíu, con mình có gu thẩm mỹ tử tế, đã tràn đầy những điều tốt đẹp, thì dù có va vào cái xấu, cũng tự bật trở về. Là ba mẹ kịp “cài đặt” bên trong con một bộ lọc tốt, một cái la bàn tốt, để dù không có tường lửa, không có ba mẹ cạnh, con vẫn biết tự lọc đúng, lựa chọn đúng.

“Vậy thì, biết là ai cũng bận, hãy phân chia thời gian để được bên con thật nhiều. Thân thiết, ấm áp và kết nối, dạy dỗ ngay khi con còn nhỏ, khi con dậy thì, mọi lúc có thể. Ba mẹ vẫn là người ở bên con mình nhiều nhất, và có ảnh hưởng mạnh nhất tới con mình. Ông bà nội ngoại, bảo mẫu, giúp việc, các giáo viên trường quốc tế... cũng không ai bằng ba mẹ đâu ạ”, nhà báo Thu Hà nhấn mạnh.

Theo Phóng viên Hoài Linh - VTV Digita: Không ít người giật mình vì đã không tạo những tấm lọc bảo vệ con đủ tốt. Người thì lo lắng đã kiểm soát rồi, đã dặn con rồi, mà vẫn không thể “bao sân” hết. Người tự trách, người đổ lỗi, người lên án,… Rất nhiều cách phản ứng khác nhau.

Con trẻ, giống như những trang giấy trắng, thiếu hiểu biết và chưa nhận thức đầy đủ về cuộc sống xung quanh. Trẻ cần có người lớn dạy dỗ, chỉ bảo, cũng là điều tự nhiên như hơi thở!

"Bởi những thứ nguy hiểm, độc hại, thách thức trong cuộc đời thì nhiều lắm, đâu chỉ trên không gian mạng. Nhưng để con cái xem phải các nội dung xấu, nội dung không phù hợp, lỗi chắc chắn thuộc về người lớn, trong đó có các bậc cha mẹ!

Thế nên, các bậc cha mẹ nên đồng hành, trao quyền chủ động lựa chọn cho con, tất nhiên là trong khuôn khổ giới hạn. Phải, trái, đúng, sai, mình sẽ thủ thỉ, chia sẻ với con, theo kiểu “mưa dầm thấm lâu, trường kỳ kháng chiến” ắt sẽ có hiệu quả" - Phóng viên Hoài Linh - VTV Digita.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/cha-me-hay-cai-dat-trong-con-mot-bo-loc-truoc-tot-xau-ben-ngoai-l7B7hl8GR.html