Cha mẹ đứng ngồi không yên để chạy trường cho con vào lớp 1

Công cuộc chạy đua của các bậc phụ huynh cho con vào lớp 1 ở các trường chuyên lớp chọn tại TP.HCM đang nóng hơn bao giờ hết

Mùa tuyển sinh năm nào Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM (GD&ĐT) cũng yêu cầu các trường không nhận học sinh trái tuyến. Thế nhưng chuyện chạy trường vẫn luôn diễn ra. Và dù đến cuối tháng 7, từng quận, huyện mới có kết quả công bố danh sách nhưng ngay thời điểm này nhiều phụ huynh đã “chạy”…

"Ngàn lẻ một" kiểu chạy trường

Những ngày này, chị Hồng có hộ khẩu thường trú ở phường Tân Định, quận 1 đã phải xin nghỉ làm việc trên cơ quan 1 tuần để "chạy đôn chạy đáo" làm hồ sơ lớp xét tuyển vào lớp 1 trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho đứa con trai.

Bố mẹ nào cũng muốn con mình khi vào lớp một sẽ được học tại các trường "điểm"

Theo chị Hồng, nếu đúng tuyến, con trai chị sẽ được vào trường Tiểu học Đuốc Sống, tuy nhiên chị đang nhờ nhiều mối quan hệ để xin cho bằng được con chị vào trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Theo chị Hồng, do tiếng tăm của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm dạy tốt, dạy giỏi… mà vợ chồng chị chỉ có đứa con trai duy nhất nên giá nào chị cũng chạy.

Anh Thái Hưng, ngụ đường Út Tịch, phường 14, quận Tân Bình. Theo phân tuyến thì con anh sẽ được vào học trường Tiểu học Trần Quốc Toản. “Tôi và vợ đang sốt ruột chạy cho con vào trường tiểu học Lê Văn Sỹ. Nhiều người "đi trước" bảo rằng muốn có chỗ "bay" 30 triệu đồng. Số tiền này vợ chồng tôi lo được, miễn sao con có môi trường học tập tốt là được", anh Hưng nói.

Tương tự, anh Lâm có nhà, hộ khẩu ở phường 3, quận Gò Vấp, con anh sẽ được học tại trường Tiểu học Trần Văn Ơn. Mặc dù trường này cơ sở vật chất tốt, có bán trú nhưng không có tiếng tăm nên vợ anh không muốn con học ở đây mà quyết định “chạy” cho con vào trường Tiểu học Kim Đồng (thuộc phường 10).

Học sinh lớp 1 tập lắp ráp trong khi học môn Kỹ Thuật

Anh Lâm tâm sự, bắt đầu từ tháng 2, tôi phải nhờ mấy mối quan hệ thân thiết ở phường, quận, phòng giáo dục nhưng chưa ai dám chắc sẽ chạy được. “Mấy ngày qua tiền đi lại, tiếp khách đã hơn chục triệu mà chưa có gì đảm bảo. Nếu chạy không được thì quay lại học trường Trần Văn Ơn vậy”, anh Lâm cho biết.

Theo chia sẻ của chị Thanh Tú, nhà ở tận quận Phú Nhuận nhưng muốn con học một trường tiểu học ở quận 1 nên đã dùng ""chiêu độc" đó là nhanh chân chạy hộ khẩu cho con về nhà người bạn thân ở phường Bến Nghé từ hai năm trước để con chị được học trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.

"Dù biết, theo quy định của ban tuyển sinh quận 1, những trường hợp “chạy” hộ khẩu như thế này không phải là ưu tiên số một để giải quyết, nhưng giá đình tôi vẫn hy vọng con mình có thể được vào học ở trường này", chị Tú nói.

Gian nan tìm lớp học bán trú

Nhiều phụ huynh còn "kêu trời" trước việc nhiều trường học giảm mô hình tổ chức bán trú cũng như tăng số lượng học sinh trên mỗi lớp trước áp lực tuyển sinh đầu cấp quá lớn.

Từ đầu tháng 7 đến nay, chị Dương Thị Thương (dì bé P. B. H.) như ngồi trên đống lửa khi biết thông tin bé H. khó có cơ hội vào bán trú của trường Tiểu học Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức). Nguyên nhân vì nhà trường chỉ ưu tiên xét bán trú cho học sinh diện thường trú, trong khi bé H. thuộc diện tạm trú.

“Tôi hết sức lo lắng. Nếu như không xin được bán trú cho bé H. thì không biết phải đưa đón cháu như thế nào vào giữa các buổi vì ba mẹ bé ở ngoài quê, trong khi tôi công tác tại quận 5 và công việc hết sức bận rộn. Mà nếu có tranh thủ đón bé về nhà vào các buổi trưa, tôi cũng không biết gửi cháu ở đâu trong thời gian này”, chị Thương cho biết.

Phụ huynh nộp hồ sơ nhập học cho con trước thềm năm học mới

Trước hoàn cảnh này, chị Thương dự định xin trái tuyến cho H. sang trường Tiểu học Đào Sơn Tây do cùng phường và trường này có bán trú. Nhưng cơ hội cũng không dễ dàng vì trường này cũng đông học sinh.

Thực tế không riêng chị Thương, nhu cầu gửi con vào lớp bán trú luôn đông đúc mỗi năm và diễn ra trên khắp các quận, huyện. Việc tổ chức bán trú phụ thuộc vào số lượng học sinh đầu vào, cơ sở vật chất. Từ đó ưu tiên cho các đối tượng là con em công nhân viên chức, gia đình thương binh liệt sĩ, học chương trình tiếng Anh tăng cường.

Năm học này, ngoài học sinh tăng cơ học thì các quận, huyện còn phải gánh thêm số học sinh gia tăng vì tuổi đẹp nên việc tổ chức bán trú khó khăn hơn. Có không ít quận, huyện như quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Bình Tân... phải giảm tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày cũng như lớp bán trú nhằm đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh.

Ngoài việc lớp bán trú bị cắt giảm, vấn đề “nâng sĩ số” cũng được xem là một trong những giải pháp của nhiều trường tiểu học trong mùa tuyển sinh đầu cấp năm nay. Nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng trước việc sĩ số của một số trường có thể lên đến 50 - 55 học sinh/lớp, cá biệt ở 2 quận Gò Vấp và Tân Phú, một số trường phải chấp nhận sĩ số lên đến 58 học sinh/lớp.

Chị Cao Nguyệt Nga, phụ huynh có con đang học lớp 2 trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), cho biết dù con được vào học một trong những ngôi trường được đánh giá có chất lượng giảng dạy tốt, nhưng cả hai vợ chồng đều lo lắng.

Năm ngoái, sĩ số lớp học của con chị là hơn 50 học sinh. Toilet nhiều hôm nhân viên vệ sinh không kịp quét dọn vì số lượng học sinh cần sử dụng luôn ở mức quá tải. Ngoài ra, việc đông học sinh nên bàn ghế cũng bố trí đặt sát nhau, điều nay cũng ảnh hưởng khá nhiều đến khả năng học trên lớp của con trẻ.

PHẠM ĐỨC

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/cha-me-dung-ngoi-khong-yen-de-chay-truong-cho-con-vao-lop-1-7600.html