Cha mẹ đánh con có thể bị xử lý hình sự

Trẻ em bị bảo mẫu đánh đập thì bảo mẫu bị phạt tù. Vậy nếu bị chính bố mẹ đánh đập bầm tím, ảnh hưởng đến sức khỏe thì bố mẹ của đứa trẻ có bị xử lí hình sự không?

Luật sư tư vấn:

Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái. Theo đó, cha mẹ phải có nghĩa vụ yêu thương, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo, giáo dục con, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc cho con.

Ngoài ra, theo Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007 nêu rõ các hành vi bị cấm gồm có hành hạ, ngược đãi, đánh đập… xâm hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của các thành viên trong gia đình.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Như vậy có thể thấy, mọi hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ… con cái của cha mẹ đều là hành vi vi phạm pháp luật. Theo khoản 1, khoản 2 Điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đến 1.500.000 đồng với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 1.500.000 đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

Theo khoản 1 Điều 50 của Nghị định này hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình như sau sẽ bị phạt tiền từ 1.500.000 đến 2.000.000 đồng:

a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

Ngoài mức phạt, người vi phạm các hành vi nêu trên còn bị buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.

Nếu hành vi đánh đập, hành hạ đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự như tội cố ý gây thương tích, tội hành hạ người khác… Tình tiết xâm hại đối với trẻ em cũng được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội.

Điều 140. Tội hành hạ người khác

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì hành vi bạo lực đối với trẻ của thành viên trong gia đình có chế tài xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, HN

Ban Bạn đọc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/hoi-am/cha-me-danh-con-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-528311.html