Cha mẹ có nên cho trẻ ăn dặm bằng gạo lứt không?

Có nên cho trẻ ăn dặm bằng gạo lứt hay không là thắc mắc của không ít các bậc phụ huynh khi muốn đa dạng hóa các nguồn thực phẩm cho con. Bài viết sẽ giúp cha mẹ biết nên hay không nên cho bé ăn dặm với thực phẩm này.

Có nên cho trẻ ăn dặm bằng gạo lứt?

Gạo lứt (nhiều địa phương ở nước ta gọi là gạo lật) là loại gạo chỉ bỏ đi lớp vỏ trấu trong quá trình xay xát, phần vỏ cám giàu sinh tố và nguyên tố vi lượng được giữ lại. Nếu gia tăng mức độ xay xát, gạo lứt sẽ trở thành gạo trắng. Thành phần dinh dưỡng của gạo lứt chủ yếu gồm chất xơ, các khoáng chất như magie, canxi, sắt, selen…và các vitamin nhóm B.

Thông thường, cha mẹ thường dùng gạo trắng để nấu các món cháo hoặc cơm nhão cho con khi bước vào giai đoạn ăn dặm. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết cha mẹ cũng có thể cho trẻ ăn gạo lứt để nhận được lượng chất xơ dồi dào, tốt cho hệ tiêu hóa.

Gạo lứt có giá trị dinh dưỡng cao hơn gạo trắng - Ảnh minh họa: Internet

Theo MomJunction, từ tháng thứ 6 trở đi, cha mẹ có thể giới thiệu gạo lứt cho trẻ ăn dặm song song với gạo trắng trong bữa ăn hàng ngày. Gạo lứt lành tính, không gây dị ứng cho trẻ. Thực phẩm này sẽ giúp hệ tiêu hóa trẻ hoạt động trơn tru nhờ nguồn chất xơ dồi dào, loại bỏ tình trạng táo bón trong giai đoạn bắt đầu ăn dặm.

Các món ăn dặm bằng gạo lứt cho trẻ

Cha mẹ có thể sử dụng gạo lứt để nấu các món ăn dặm cho con. Cách làm này sẽ giúp trẻ làm quen với đa dạng các mùi vị trong những năm đầu đời.

Cháo gạo lứt trứng gàNguyên liệu:

- Cháo gạo lứt đã nấu chín: 1 chén

- Lòng đỏ trứng gà: ½ quả

- Một số loại rau lá xanh (bầu, bí, rau muống, cải bó xôi…): 1 chén

Thực hiện:

Cha mẹ có thể chế biến các món ăn dặm từ gạo lứt cho trẻ - Ảnh minh họa: Internet

Bước 1: Mẹ cho cháo gạo lứt vào nồi nấu sôi sau đó thêm nước để có độ sệt nhất định.

Bước 2: Thêm rau vào nồi cháo đang sôi trên bếp. Tiếp đến, cho lòng đỏ trứng gà đã đánh tan vào, khuấy đều tay. Đợi cháo sôi thì tắt bếp.

Bước 3: Mẹ múc cháo ra chén, thêm dầu ăn hoặc dầu ô liu cho trẻ để tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng và cho con thưởng thức.

Cháo gạo lứt bí đỏNguyên liệu:

- Gạo lứt: 1 chén

- Bí đỏ: 1 miếng cỡ vừa

- Nước sạch

- Dầu ăn cho trẻ hoặc dầu ô liu

Thực hiện:

Cha mẹ nên bổ sung cháo gạo lứt bí đỏ vào thực đơn ăn dặm hàng ngày của con - Ảnh minh họa: Internet

Bước 1: Gạo lứt đem vo sạch và ngâm nước trong khoảng 30 phút. Bí đỏ rửa sạch, gọt vỏ, hấp chín trong khoảng 20 – 30 phút.

Bước 2: Lần lượt cho gạo lứt, bí đỏ đã hấp chín, nước sạch vào máy xay sinh tố xay nhuyễn.

Bước 3: Cho hỗn hợp đã xay lên bếp đun sôi khoảng 7 – 10 phút rồi tắt bếp. Sau cùng, thêm dầu ăn cho trẻ hoặc dầu ô liu và cho bé thưởng thức.

Cháo gạo lứt thịt bòNguyên liệu:

- Gạo lứt: 1 muỗng canh

- Thịt bò bằm nhỏ: 1 muỗng canh

- Đậu Hà Lan: 1 muỗng canh

Thực hiện:

Cơ thể trẻ sẽ hấp thu lượng sắt dồi dào khi ăn món cháo gạo lứt thịt bò - Ảnh minh họa: Internet

Mẹ ngâm gạo lứt trong nước 30 phút sau đó rửa sạch, nấu cháo thật sôi. Tiếp đến, cho đậu Hà Lan đã hấp chín, nghiền nhuyễn vào nấu khoảng 3 phút rồi tiếp tục thêm thịt bò vào, khuấy đều các nguyên liệu và đợi đến khi cháo sôi thì tắt bếp. Thêm dầu ăn cho trẻ hoặc dầu ô liu vào chén cháo rồi tập cho bé ăn dặm từng ít một.

Hồng Ngân

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/cha-me-co-nen-cho-tre-an-dam-bang-gao-lut-khong-c21a298485.html