Cha mẹ cần làm gì để bảo vệ trẻ trước nạn bắt cóc?

Khi trẻ bị bắt cóc, phụ huynh không nên tự mình làm theo yêu cầu của đối tượng mà nên phối hợp và làm theo những chỉ dẫn của cơ quan công an.

Gia đình phải có niềm tin tuyệt đối vào cơ quan chức năng, cung cấp những thông tin đã biết để dễ cho quá trình điều tra. Phụ huynh không nên tự mình làm theo yêu cầu của đối tượng mà nên phối hợp và làm theo những chỉ dẫn của cơ quan công an.

Theo bà Nguyễn Thị An - Tổ chức Plan International Việt Nam, người lớn thường dạy trẻ cảnh giác với người lạ, nhưng báo cáo từ các vụ bắt cóc chỉ ra rằng, kẻ bắt cóc đa số là người quen với trẻ. Vì thế, phụ huynh cần dạy con cảnh giác với cả những người quen, chỉ ra cho trẻ những nguy cơ dễ bị bắt cóc, dạy con hạn chế ở những nơi chỉ có một mình, hãy đi theo nhóm

Quan trọng nhất là bố mẹ phải gần gũi con để trẻ sẵn sàng chia sẻ. Bố mẹ hãy tin vào linh cảm của trẻ, khi trẻ nói con sợ người này người kia thì phải chú tâm tìm hiểu ngay, chứ đừng coi đấy là chuyện của trẻ con mà bỏ qua.

Ảnh minh họa

Hiện nay, không ít người có thói quen khoe con trên mạng xã hội và vô tình để lộ tên con, tên trường, địa chỉ nhà, thậm chí có phụ huynh cập nhật hoạt động của con từng ngày, từng giờ. Bà An cho rằng, điều này vô tình đẩy trẻ vào sự nguy hiểm bởi kẻ xấu qua theo dõi facebook sẽ biết được quy luật hoạt động của trẻ để tìm cách tiếp cận trẻ. Với những trẻ lớn sử dụng facebook, bố mẹ cần cảnh báo con không nên kết bạn với người lạ để tránh những việc đáng tiếc xảy ra.

Bố mẹ cũng cần dạy con khi trẻ bị bắt cóc thì phải làm gì. Dạy con chỗ đông người hãy hét to hết mức để gây sự chú ý của người xung quanh. Tuy nhiên đến khi còn một mình thì con không nên chống đối mà phải nghe lời để giữ an toàn cho mình, tìm cơ hội trốn thoát.

Trong trường hợp trẻ không may bị bắt cóc, bà An cho rằng, gia đình cần báo cơ quan công an. Ngoài ra, gia đình có thể gọi điện các chuyên gia sẽ cho gia đình những lời khuyên hữu ích. Trước thực tế không ít gia đình có con bị bắt cóc đã lẳng lặng làm theo yêu cầu của kẻ bắt cóc mà không báo cơ quan công an, bà An cho rằng việc này là không nên. Bởi nếu đối tượng bắt cóc trẻ em không bị xử lý, chúng sẽ có cơ hội tiếp cận với trẻ khác.

Theo trung tá, TS. Hà Thị Hồng Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân), đối tượng bắt cóc thường nhằm 2 mục đích: tống tiền (chiếm đoạt tài sản) và trả thù cá nhân. Khi trẻ bị bắt cóc, gia đình cần bình tĩnh, bí mật báo cơ quan công an thông qua số điện thoại đường dây nóng 113.

Minh Thư

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/cha-me-can-lam-gi-de-bao-ve-tre-truoc-nan-bat-coc-53317.htm