'Cha đẻ thiết kế' iPhone ra đi, Apple bắt đầu kỷ nguyên mới

Thông báo nghỉ việc ở Apple của huyền thoại thiết kế Jony Ive, người đã cùng Steve Jobs (nhà đồng sáng lập kiêm cựu CEO của Apple) vực dậy và đưa hãng 'quả táo cắn dở' lên đỉnh vinh quanh, đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên 'phần cứng' của Apple, báo hiệu sự chuyển dịch trọng tâm sang mảng kinh doanh dịch vụ.

Năm 1997, khi lần đầu tiên gặp Steve Jobs, người đồng sáng lập Apple, Jony Ive nghĩ rằng ông sắp bị sa thải. Lúc đó, Jobs vừa quay trở lại Apple để nắm giữ ghế giám đốc điều hành sau khi ông buộc phải rời bỏ Apple năm 1984 sau cuộc tranh giành quyền lực thất bại với ban giám đốc của công ty này. Apple đang trong quá trình cắt giảm các dòng sản phẩm quá đa dạng của Apple, khiến hàng ngàn nhân viên bị sa thải vào năm 1997.

Trong bối cảnh đó, Jobs có chuyến ghé thăm phòng thiết kế của Apple, nơi Ive vừa mới được bố trí vào làm trong thời gian chưa lâu.

“Ông ấy đến phòng thiết kế và tôi nghĩ rằng, ông ấy chắc chắn sa thải tôi”, Ive hồi tưởng trong cuốn tự truyện có nhan đề “Trở thành Steve Jobs”. Lúc đó, Ive thậm chí đã thủ sẵn lá đơn từ chức trong túi áo.

Thay vì thế, Jobs ngay lập tức nhận ra tiềm năng và vai trò quan trọng của công việc mà Ive đang làm đối với sự phát triển của Apple. Cả hai nhanh chóng xây dựng mối bằng hữu thân thiết và mối quan hệ hợp tác thiết kế này đã cứu Apple thoát khỏi bờ vực phá sản vào thập niên 1990, đưa hãng công nghệ trở thành công ty đại chúng có giá trị vốn hóa hàng ngàn tỉ đô la Mỹ đầu tiên trong lịch sử.

Sự kết hợp ăn ý giữa Steve Jobs và Jony Ive đã lần lượt cho ra đời hàng loạt sản phẩm phần cứng gây sốt bắt đầu với những chiếc máy tính iMac với các sắc màu lấy ý tưởng từ kẹo trái cây và sau đó đó máy nghe nhạc iPod, máy tính bảng iPad và điện thoại iPhone, “con bò sữa” của Apple.

Giờ đây, kỷ nguyên phần cứng huy hoàng này của Apple đang tiến đến hồi kết. Hôm 27-6, Apple thông báo Giám đốc thiết kế Jony Ive sẽ nghỉ việc sau gần 30 gắn bó với hãng. Cả hai phía dường như cố “làm mềm” sự kiện này bằng cách nhấn mạnh rằng Ive sẽ thành lập công ty thiết kế riêng và Apple sẽ là một trong những khách hàng chủ chốt của công ty này.

 Kỷ nguyên phần cứng mà Steve Jobs (trái) và Jony Ive tạo ra ở Apple đã chấm dứt. Ảnh: The Apple Post

Kỷ nguyên phần cứng mà Steve Jobs (trái) và Jony Ive tạo ra ở Apple đã chấm dứt. Ảnh: The Apple Post

“Bạn hoặc là ở lại Apple hoặc là không. Ive đã thực sự rời Apple”, John Gruber, một blogger nổi tiếng chuyên bình luận về Apple, nhấn mạnh.

Dù ý định rời bỏ Apple của Ive đã được đồn đại râm ran từ lâu nhưng thông báo của Apple hôm 27-6 là vẫn gây sốc đối với giới quan sát.

Dan Ives, nhà phân tích ở công ty chứng khoán Wedbush, gọi thông báo trên là một sự kiện gây bất ngờ cho Phố Wall. Bằng chứng là cổ phiếu Apple giảm giá khá mạnh khi đón nhận thông tin này, khiến vốn hóa thị trường của Apple bốc hơi 9 tỉ đô la Mỹ.

“Ive ra đi, để lại một vết khuyết ở Apple và rõ ràng không thể thay thể”, Dan Ives viết trong một báo cáo nhanh gửi cho các nhà đầu tư hôm 27-6.

Thật khó để hình dung một Apple thiếu vắng Steve Jobs sau khi nhà sáng lập có tầm nhìn xa trông rộng này qua đời vào năm 2011 nhưng sự hiện diện tiếp tục của huyền thoại thiết kế Ive mà Jobs xem như là một đối tác lãnh đạo tinh thần của Apple đã giúp giải tỏa phần nào các lo lắng về tương lai của công ty. Giờ đây, tương lai đó một lần nữa bị hoài nghi.

Apple không chỉ bán phần cứng mà còn là công ty bán phong cách. Apple không nhất thiết phải là công ty đầu tiên ra mắt một hạng mục sản phẩn mới và nó chắc chắn không cần phải đưa ra giá bán rẻ nhất. Công ty này chỉ cần thuyết phục khách hàng rằng họ đang mua thứ tốt nhất và các sản phẩm phần cứng có phong cách thời thượng nhất trên thị trường. Với việc dứt áo ra đi của Ive và trước đó là cái chết của Jobs, Apple mất đi hai bậc thầy kiến tạo phong cách.

Huyền thoại thiết kế Jony Ive (trái) được xem là “cha đẻ thiết kế” iPhone. Ảnh: Getty

Kiểu dáng thiết kế của sản phẩm từ lâu là linh hồn của Apple.

“Ông ấy chính là linh hồn của kiểu dáng thiết kế công nghiệp ở Apple”, nhà phân tích Tim Bajarin nhận định.
Tuy nhiên, sự ra đi của Ive diễn ra đúng lúc Apple đang mở một chiến dịch thuyết phục người tiêu dùng tập trung vào các dịch vụ có tiềm năng trở thành cỗ máy kiếm tiền mới cho Apple trong tương lai như dịch vụ phát nhạc trực tuyến Apple Music, dịch vụ truyền hình và phim tài liệu trực tuyến Apple TV Plus, dịch vụ tin tức Apple News Plus hay ví điện tử Apple Pay trong bối cảnh mảng kinh doanh chủ lực iPhone đang suy yếu.

Do vậy, trong những năm tới, thành công và thất bại của Apple sẽ được định nghĩa bằng mảng dịch vụ nhiều hơn là những thiết bị phần cứng mà Ive góp phần tạo ra.

Sản phẩm phần cứng quan trọng gần đây nhất mà Ive và đội ngũ của ông cho ra đời là đồng hồ thông minh Apple Watch, có mặt trên thị trường đã gần năm năm. Nhiều thông tin cho thấy kể từ sau đó, Ive đã không còn tham gia nhiều hoạt động ở Apple và ít xuất hiện ở văn phòng làm việc hơn.

Năm 2015, Ive được đề bạt vào ghế giám đốc thiết kế Apple và rút dần khỏi hoạt động quản lý hàng ngày để tập trung vào việc thiết kế xây dựng trụ sở mới có hình dáng phi thuyền của Apple. Ông trở lại đảm trách một số hoạt động quản lý thường ngày vào năm 2017 nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Sau đó, Ive bắt đầu tham gia các dự án thiết kế bên ngoài công việc của ông tại Apple chẳng hạn như dự án cây thông Noel cho khách sạn ở London cho đến một chiếc nhẫn toàn kim cương được bán đấu giá với mức 256.000 đô la để làm từ thiện.

Kỷ nguyên Steve Jobs, Jony Ive rõ ràng đã trôi qua từ nhiều năm trước. Thông báo của Apple hôm 27-6 chỉ là động thái chính thức hóa sự kết thúc của kỷ nguyên này đồng thời cũng báo hiệu một kỷ nguyên mới đang mở ra ở Apple

Theo CNN

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290797/cha-de-thiet-ke-iphone-ra-di-apple-bat-dau-ky-nguyen-moi-.html