'Cha đẻ' tàu ngầm Yết Kiêu 1: 'Dự án của tôi để thắng đối thủ rất mạnh đang hăm he nước ta'

'Tàu ngầm tôi làm không có gì là sáng chế cả mà thế giới đã làm... Rào cản lớn nhất, và cản trở chúng ta nhất chính là nỗi sợ hãi', ông Phan Bội Trân, 'cha đẻ' tàu ngầm Yết Kiêu 1 nói trước đông đảo sinh viên tại Hội thảo 'Công nghệ tàu ngầm ứng dụng trong quân sự và kinh tế biển Việt Nam' do Khu Công nghệ cao TP.HCM tổ chức ngày 23.10.

Tàu ngầm Yết Kiêu 1 được thử nghiệm năm 2010 - Ảnh: Đình Sơn

Ông Phan Bội Trân nói: “Liên quan đến tàu ngầm, tôi có nói chuyện với các anh đang là tướng lĩnh bên Hải quân. Các anh bảo ở trên biển bơ vơ lắm, không như trên đất liền chúng ta có núi non, cây cối che chở. Sự thực không phải vậy, tàu ngầm chạy trên biển, nếu ứng dụng công nghệ 3D, khi lặn xuống là mất tăm. Nước che chắn tàu ngầm rất tốt bởi nước có thể che chắn tia lửa điện đi qua".

Hiện Việt Nam có mua một số tàu ngầm Kilo của Nga với giá rất cao. Tàu ngầm Yết Kiêu có thể là giải pháp trong tình hình nước ta đang thiếu công nghệ và nhất là không mạnh về kinh tế.

Tàu Yết Kiêu dài 6 m, giá rẻ (khoảng 4.000 USD, 10 chiếc 40.000 USD)… Nếu ta có 1.000 chiếc tàu ngầm chạy trên biển sẽ có một thế trận khác. Ngày xưa cha ông có chiến thuật biển người thì nay chiến thuật của ta là biển tàu.

Còn về ứng dụng trong dân sự, Việt Nam có bờ biển dài, từ Đà Nẵng trở vào thời tiết đẹp quanh năm, có thể dùng tàu ngầm làm du lịch. Hiện một số doanh nghiệp đã dùng du thuyền, phi cơ… làm du lịch nhưng chưa khai thác hết dưới mặt nước.

Nhiều vịnh ở Nha Trang có bãi san hô rất đẹp, tôm cá nhiều, muốn lặn xuống đó phải có bình khí, kỹ thuật rất phức tạp, trong khi dùng tàu ngầm (thực chất là tàu lặn- PV) rất đơn giản lại an toàn.

Hiện nay để chế tạo ra tàu lặn như tôi xuất sang Malaysia, chỉ cần chi phí 15.000 USD là chế tạo được khuôn đúc, vỏ tàu làm bằng nhựa composite. Nếu không cần đẹp thì 3.000 USD là có thể làm được tàu.

Ông Trân với khuôn chế tạo "tàu ngầm du lịch" mà ông gọi đó thực chất là "thiết bị lặn" xuất sang Malaysia - Ảnh: Trung Hiếu

Ở Bình Dương, Tây Ninh, một số người cũng đã sáng chế tàu ngầm, máy bay giống như tôi. Thực sự đó không có gì gọi là sáng chế cả. Chỉ có điều ở nước ta ít người dám làm nên họ thành người tiên phong. Điều quan trọng là họ chịu khó mày mò khoa học công nghệ, dám nghĩ dám làm.

Như giáo sư Ngô Bảo Châu nếu ở trong nước chắc cũng là người bình thường như chúng ta thôi. Nhưng giáo sư Châu học một trong những trường nổi tiếng nhất thế giới, có điều kiện nghiên cứu khoa học nên đã làm được những điều cả thế giới tưởng chừng không thể làm được.

Cho nên tôi vẫn nói trở ngại lớn nhất của chúng ta chính là nỗi sợ hãi, sợ hãi thất bại, sợ hãi không thành công…, để rồi điều đó cản trở sự phát triển không chỉ của Việt Nam mà còn cả thế thế giới. Những người đi mở đường thường gặp khó khăn bởi đường mới mở sẽ có nhiều chông gai. Nhưng không vì thế mà chúng ta than vãn, đổ lỗi cho cơ chế, chính sách bởi nếu có người mở đường cho thì còn cần chúng ta làm gì nữa. Không nên than vãn mà cứ làm đi.

Dự án tàu ngầm của tôi không phải để triển lãm mà để thắng một đối thủ rất mạnh cứ hay hăm he nước ta. Cho nên khi bắt tay làm, khi điều kiện kinh tế Việt Nam chưa mạnh, tôi phải làm sao chế tạo những chiếc tàu ngầm với giá rẻ nhất, để tàu ngầm càng phổ biến càng tốt.

Trước đây tư duy của các nhà chiến lược hải quân là tàu ngầm thường chỉ đánh lén, đánh xong bỏ chạy. Nhưng thường tàu ngầm lại rất nặng nề, vỏ tàu rất dày. Chi phí sản xuất một tàu ngầm bằng năm tàu nổi. Do đó tàu ngầm mà tôi sản xuất không cần tốn kém như tàu ngầm cũ, không cần lặn sâu tới 70 m, mà chỉ cần lặn sâu 2 m cộng với khả năng cơ động nhanh, linh hoạt…

"Khi cần chúng ta cũng phải đương đầu. Khi mà kẻ thù đang đe dọa đất nước, quê hương thì chúng ta sẵn sàng bảo vệ bằng mọi cách", ông Trân nói.

Chế tạo tàu ngầm Yết Kiêu 1

Ông Phan Bội Trân có tên thật là Phan Bội An. Cụ của ông là anh em ruột với cụ Phan Bội Châu và làm quan trong triều Nguyễn. Cha ông Trân từng tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945 và bị thực dân Pháp bắt giam.

Lúc nhỏ, ông Trân học ở trường Lasan Taberd (giờ là trường chuyên Trần Đại Nghĩa) ở Sài Gòn. Năm 1974, khi 20 tuổi, ông Trân đã sang Pháp du học ngành hóa học của Trường đại học Marseille, sau đó theo chuyên ngành về composite và nhựa kỹ thuật.

Đến năm 1978, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Trân ở lại Pháp làm việc cho các hãng chuyên về làm tàu ngầm và vỏ trực thăng. Năm 2006 ông về Việt Nam lập công ty chuyên thiết kế máy móc, vỏ tàu, xe đạp điện, đồ chơi trẻ em...

Ông Trân khá nổi tiếng trong nước khi trước đó âm thầm chế tạo và thử nghiệm tàu ngầm Yết Kiêu 1 vào năm 2010. Hiện chiếc tàu ngầm này vẫn lặng yên trong xưởng ở Bình Tân (TP.HCM). Bản thân ông Trân cũng đang phát triển những phiên bản tàu ngầm hiện đại và có nhiều tính năng hơn Yết Kiêu 1.

Hiện các tàu lặn biển mà ông Trân sản xuất đã được các đối tác Malaysia mua về để phục vụ cho lặn biển du lịch.

Trung Hiếu (ghi)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/cha-de-tau-ngam-yet-kieu-1-du-an-cua-toi-de-thang-doi-thu-rat-manh-dang-ham-he-nuoc-ta-504722.html