Cha đẻ của dòng vịt biển 15 - Đại Xuyên

Đó là cái tên trìu mến mọi người dành cho TS. Nguyễn Văn Duy (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên), người đã có nhiều đóng góp trong việc đưa gần 2 triệu vịt biển đến những vùng biển, đảo của Tổ quốc, mở ra hướng phát triển mới cho kinh tế biển đảo.

TS. Nguyễn Văn Duy, sinh năm 1982, ở một vùng quê chiêm trũng xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên. Năm 2000, anh thi đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Năm 2003, anh được trao giải thưởng cho sinh viên xuất sắc trong nghiên cứu khoa học. Năm 2004, anh tốt nghiệp và công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên, là cán bộ phụ trách kỹ thuật chăn nuôi, chọn giống.

Từ đó, anh có cơ hội được nghiên cứu về các giống vịt - loài thủy cầm gắn bó với người dân nông thôn. Anh Duy âm sự: Nước Việt Nam có hệ thống ao hồ, kênh rạch phong phú, thích hợp cho chăn nuôi thủy cầm. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của tình trạng xâm ngập mặn, nước biển dâng tôi mong muốn có giống vịt có thể sống được ở biển và các vùng nước lợ, uống được nước biển, tận dụng được lợi thế của nước Việt Nam là nước có bờ biển dài, nguồn động vật thủy sinh phong phú.

Với suy nghĩ đó, anh Duy đã đề xuất ý tưởng và cùng với đồng nghiệp tại Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên bắt tay vào thực hiện công tác nuôi khảo nghiệm, chọn lọc giống vịt biển. Với kiến thức và kinh nghiệm gần 10 năm nghiên cứu về loài thủy cầm, đến năm 2012, vịt biển dòng bố mẹ đã được tạo ra từ các tổ hợp lai.

Sau đó, những quả trứng vịt biển đầu tiên được đẻ ra từ dòng bố mẹ được đưa vào ấp nở nuôi thí điểm ở môi trường biển. Đầu tiên đưa 1.000 con vịt được ấp nở nuôi thí điểm ở xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh; 100 trứng vịt biển đưa ra đảo Trường Sa Đông ấp nở nhưng cũng chỉ nở một vài quả. Tiếp tục gửi ra đảo Trường Sa Lớn, cho ấp nở, kết quả cũng không hơn lần trước, chỉ nở được một vài quả. Và đã chuyển 200 con đem nuôi ở đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

TS. Nguyễn Văn Duy (bên trái) trao tặng 2.000 vịt biển và vật tư cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân huyện đảo Trường Sa

TS. Nguyễn Văn Duy (bên trái) trao tặng 2.000 vịt biển và vật tư cho cán bộ, chiến sỹ, nhân dân huyện đảo Trường Sa

Đến năm 2014, sau gần 2 năm chọn, tạo, nuôi thử nghiệm, anh Duy cùng đồng nghiệp còn lặn lội đến tận thực địa để theo dõi về quá trình sinh trưởng, phát triển của đàn vịt biển trong môi trường nuôi thí điểm. Từ đó, điều chỉnh đưa ra quy trình chọn tạo, chăm sóc phù hợp.

Tháng 6/2014, giống vịt biển 15 - Đại Xuyên được công nhận giống chuyển giao sản xuất. Đây là giống vịt kiêm dụng vừa để lấy thịt, vừa để lấy trứng, có khả năng thích nghi rộng trên môi trường nước mặn, nước lợ, sinh trưởng nhanh, khả năng chịu bệnh tốt, chất lượng thịt cao.

Vịt có màu lông cánh sẻ đậm, cổ khoang trắng, lông cánh màu xanh đen, vịt đực có lông đậm hơn con mái. Vịt biển 15 - Đại Xuyên nuôi 8 tuần tuổi đạt trọng lượng 2,26 - 2,35kg, bắt đầu đẻ từ 20 - 21 tuần tuổi, năng suất trứng 235 - 247 quả/mái/năm. Khối lượng trứng, 82 - 86 gr/quả, tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng là 3,1 - 3,3 kg.

Giống vịt biển 15 - Đại Xuyên ra đời đã khắc phục được nhược điểm của những dòng vịt thông thường: Nếu nuôi ở môi trường nước mặn, nước lợ, vịt hay bị rụng lông, nhiễm bệnh, hao hụt nhiều, khả năng sinh trưởng kém. Từ những đặc tính ưu việt trên, giống vịt biển 15 - Đại Xuyên được đưa vào nuôi rộng rãi tại các địa phương ven biển, mở ra hướng phát triển mới cho ngành chăn nuôi thủy cầm.

Trong thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên đã cung cấp gần 2 triệu vịt biển bố mẹ và vịt thương phẩm tới các địa phương ven biển: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Trà Vinh và quần đảo Trường Sa, đảo Phú Quốc, Bạch Long Vỹ,…

Ngày 19/12/2014, được xem là dấu mốc quan trọng đầu tiên khi 600 con vịt biển một ngày tuổi được Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vận chuyển bằng đường hàng không từ Hà Nội về sân bay Cam Ranh rồi đưa ra đảo nuôi tạm tại khu vực huyện đảo Trường Sa, vịt biển được nuôi trong một thời gian ngắn cho quen với điều kiện khí hậu sau đó, sẽ theo tàu chuyển cho các đảo.

Ngày 14/12/2016, Trung tâm Nghiên cứu Vịt Đại Xuyên đã tặng 2.000 chú vịt biển 4 ngày tuổi, 2 tấn thức ăn chăn nuôi, 12.000 liều vắcxin và thuốc kháng sinh với giá trị 118 triệu đồng được vận chuyển bằng đường hàng không gửi đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa. Đầu tháng 3/2018, thông qua hoạt động của Đoàn thanh niên Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, đã tặng 2.000 con vịt biển 15 - Đại Xuyên, trong đó có 500 con vịt giống bố mẹ gửi đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Bạch Long Vỹ.

Cùng với các hoạt động phối hợp chuyển giao quy trình nuôi phù hợp với địa phương vùng biển, hải đảo, vịt biển 15 - Đại Xuyên trở thành loài thủy cầm được lựa chọn để thực hiện những ước mơ khởi nghiệp, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho nhiều ngư dân ven biển. Đó là những người cựu chiến binh trở về từ trận hải chiến Gạc Ma năm xưa, nay khi trở về với cuộc sống đời thường, giống vịt biển 15 Đại Xuyên đã trở thành vật nuôi chính trong phát triển kinh tế trang trại với hàng nghìn con đang cho thu nhập hàng trăm triệu đồng ở những đầm, phá của vùng biển xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Đoàn Văn Vươn, ở Tiên Lãng, Hải Phòng đã được TS. Nguyễn Văn Duy cung cấp giống vịt biển 15 - Đại Xuyên và hướng dẫn kỹ thuật nuôi. Từ những con vịt đầu tiên, hiện nay ông Vươn đã mở rộng quy mô nuôi hàng nghìn con và xây dựng thương hiệu vịt biển sạch trên chính quê hương mình.

Tâm sự về định hướng phát triển giống vịt biển trong thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Duy cho biết: Nếu chỉ sử dụng 5% diện tích bờ biển, hải đảo, các vùng nước lợ, thì nuôi được số lượng giống vịt biển khoảng 25 triệu con. Bởi vậy trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương để cung cấp con giống và chuyển giao quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng vịt biển.

Hy vọng với đặc tính ưu việt của vịt biển 15 - Đại Xuyên, sẽ khai tác tối đa tiềm năng và lợi thế của các vùng biển, đảo Việt Nam.

N.Yến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cha-de-cua-dong-vit-bien-15-dai-xuyen-94765.html