'Cha đẻ' chương trình Công nghệ giáo dục: Từ chối cơ hội làm thứ trưởng để xin làm giáo viên lớp 1

Từng có nhiều cơ hội, nhiều lời mời làm thứ trưởng, thậm chí vị trí cao hơn trong ngành giáo dục, tuy nhiên GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ ông đã từ chối. 'Cuộc đời tôi chỉ có ao ước được dạy học sinh lớp 1' - ông nói.

Buổi nói chuyện của GS Hồ Ngọc Đại thu hút sự tham dự của nhiều người quan tâm tới giáo dục.

Sáng 8.9, giữa những ồn ào về việc đánh vần tiếng Việt, đọc thơ theo ô vuông, tam giác trong sách “tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục”, GS Hồ Ngọc Đại đã dành thời gian để thuyết trình tại buổi tọa đàm “Công nghệ giáo dục trong kỉ nguyên 4.0” diễn ra tại Hà Nội.

Tại đây, ông đã có những chia sẻ, đúng ra là tâm sự những lời gan ruột về hành trình thực hiện triết lý giáo dục mà ông theo đuổi cả cuộc đời.

“Các bạn dự có một tiết, tôi chịu trách nhiệm cả đời học sinh”

Bắt đầu bài thuyết trình của mình, GS Hồ Ngọc Đại kể lại một câu chuyện từ ngày ông còn là giáo viên dạy Toán tại Trường Trung học Ngô Quyền, Hải Phòng.

"Ngày đó, tôi đã bỏ giáo án để dạy theo cách của tôi, bởi tôi thấy có những bất cập khi dạy mà dựa quá nhiều vào giáo án. Trước việc này có 2 luồng dư luận, một là bảo tôi vô kỷ luật, luồng còn lại là lắng nghe ông Đại xem cái lý của ông ấy là gì. Tôi nói với họ rằng, các bạn dự có một tiết, nhưng tôi chịu trách nhiệm cả một đời học sinh”- GS Đại chia sẻ.

Cho rằng không dạy theo giáo án có cái lý riêng, để thỏa sức sáng tạo của cả thầy và trò, ông bắt đầu có tư tưởng đổi mới giáo dục.

“Tôi nghĩ, việc thất bại của giáo dục có hai nguyên nhân. Thứ nhất, là những người chỉ chú trọng vào phương pháp. Thứ hai, những người chỉ thay đổi nội dung hoặc phương pháp trong giảng dạy. Tôi cho rằng, chỉ có thể thay đổi cả nội dung và phương pháp mới có thể thành công và tránh những thất bại" - GS Hồ Ngọc Đại nói.

GS Hồ Ngọc Đại vui mừng khi gặp lại nhiều học trò, là khóa đầu tiên của Trường Thực nghiệm.

Làm giáo dục là tác động đến cuộc sống của người khác

Tư tưởng đổi mới giáo dục hình thành rõ nét hơn khi năm 1971, ông Hồ Ngọc Đại sang Liên Xô học bảo vệ luận án phó tiến sĩ. Dù đã có đề tài và bỏ công sức nhất định để nghiên cứu, nhưng sau khi tình cờ tham gia một hội thảo về việc dạy Toán cho học sinh lớp 1, ông đã bỏ đề tài cũ để theo đuổi vấn đề này.

“Năm 1971, tôi bỏ nhiều tháng để tìm cách dạy toán đại số cho học sinh lớp 1, nhưng bị nhiều người phản đối. Có duy nhất 4 người ủng hộ vì sự nhiệt tình của tôi. Hai thầy giáo ủng hộ tôi có nói: “Anh cứ thực hiện, nếu thành công vòng nguyệt quế trên đầu anh. Còn anh thất bại, hai vai già này gánh”.

Sau khi đề tài hoàn thành, tôi xin đưa vào giảng dạy thử và giờ dạy rất thành công. Giáo viên bên đó họ rất giỏi, họ dạy còn tốt hơn cả tôi dạy làm cho giờ học rất sinh động… Sau đó, Viện Hàn lâm Liên Xô cho tôi 8 người giúp việc, người ta tạo mọi điều kiện để tôi làm”- GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ.

Bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ, rồi tiến sĩ, được trao nhiều cơ hội, nhưng ông Hồ Ngọc Đại cho biết ông vẫn quyết tâm về nước.

“Cuộc đời tôi ý thức trách nhiệm với đất nước là trên hết... Tôi cũng nghĩ phải làm điều gì đó, không phải cho tôi, mà cho đất nước. Mà muốn đất nước phát triển, phải bắt đầu từ giáo dục.

Khi tôi làm giáo dục tức là tôi tác động đến cuộc sống của người khác và tôi xác định phải có trách nhiệm với nó”- GS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.

“Cả đời tôi gắn với giáo dục”

Trở về nước vào năm 1978, ông Hồ Ngọc Đại cho biết nếu mình ham chức quyền thì đã có nhiều cơ hội để thăng tiến.

“Khi có cơ hội được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều vị lãnh đạo khác, hỏi nguyện vọng của tôi là gì, tôi chỉ xin được đi dạy lớp 1.

Bảo tôi làm thứ trưởng giáo dục, tôi cũng không làm mà giới thiệu người khác. Tôi chỉ xin được mở trường thực nghiệm để tôi được dạy tiểu học, nhất là lớp 1...

Có người nói mỉa rằng, học tiến sĩ ở Liên Xô về mà chỉ dạy lớp 1. Tôi không quan tâm.

Tư tưởng giáo dục của tôi là người lớn phải chịu thua trẻ con, phải nghe trẻ con trước thì mới dạy được chúng. Vì trẻ con làm gì cũng có cái ý của chúng, nên không được áp đặt. Tôi muốn hướng đến một nền giáo dục không áp đặt…

Khi tập huấn cho giáo viên lớp 1, bao giờ tôi cũng nói điều đó. Tôi bảo, không gì dễ bằng dạy trẻ lớp 1 và dạy chồng, nhưng cũng không gì khó bằng dạy hai đối tượng này. Cả hai đều rất thích khen và thích lắng nghe. Nếu dạy lớp 1 giỏi, nhất định sẽ được chồng yêu”- GS Hồ Ngọc Đại hài hước nói.

Ông cho biết, cuộc đời mình giờ không có gì cả, nhưng luôn muốn đất nước có một thế hệ mới. Việc ông mở Trường Thực nghiệm là có trách nhiệm với đất nước, vì đã tạo ra những thế hệ mới, khi mỗi lứa học sinh ở đây trưởng thành từng ngày.

Đặng Chung

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/cha-de-chuong-trinh-cong-nghe-giao-duc-tu-choi-co-hoi-lam-thu-truong-de-xin-lam-giao-vien-lop-1-629847.ldo