Cha, con và niềm đam mê âm nhạc truyền thống

Thường xuyên xuất hiện ở các sân khấu âm nhạc lớn trong và ngoài tỉnh, cha con nhạc sĩ Điểu Được (xã Phú Túc, H.Định Quán) đang ngày càng chiếm được tình cảm của công chúng mến mộ.

Nhạc sĩ Điểu Được cùng con gái biểu diễn tại Liên hoan Tiếng hát miền Đông tại TP.HCM năm 2020. Ảnh: L.Na

Nhạc sĩ Điểu Được cùng con gái biểu diễn tại Liên hoan Tiếng hát miền Đông tại TP.HCM năm 2020. Ảnh: L.Na

Bằng tình yêu và đam mê âm nhạc truyền thống, họ dần khẳng định mình trên con đường đến với nghệ thuật, chinh phục giấc mơ đem âm nhạc của đồng bào Chơro đến gần với khán giả.

* Âm nhạc là duyên nợ của “gia đình”

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất không chỉ giàu truyền thống đấu tranh cách mạng mà còn là “cái nôi văn hóa” của đồng bào Chơro, từ nhỏ Điểu Được đã bộc lộ niềm say mê ca hát. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện đi học, Điểu Được đến với âm nhạc bằng hình thức tham gia vào các hội diễn do xã, huyện tổ chức. Hằng ngày, ngoài giờ lên rẫy phụ giúp gia đình, anh thường xuyên đi biểu diễn cùng các đoàn văn công, hát các ca khúc cách mạng về Đảng và Bác Hồ. Do mê ca hát nên ở đâu có chương trình là anh lại xách đàn xin đi theo.

May mắn đến với Điểu Được khi anh được lựa chọn tham gia liên hoan sơn ca tổ chức tại Đà Lạt (năm 1991). Tại đây, anh vừa hát vừa dùng đàn Chinh K’la - một loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chơro biểu diễn. Liên hoan đã mang về cho anh chiếc huy chương bạc đầu tiên. Cảm giác lâng lâng hạnh phúc sau khi được nhận huy chương thôi thúc anh và anh bắt đầu “bập bẹ” sáng tác. Với ca khúc đầu tay mang tên Tình yêu trên nương anh đã xuất sắc đoạt huy chương vàng tại Liên hoan Tiếng hát miền Đông năm 2008. Từ đó anh sáng tác ngày một nhiều hơn, chủ yếu viết về mảng ca khúc dân tộc.

Trên con đường âm nhạc, cha con nhạc sĩ Điểu Được đã ghi dấu cho mình những thành quả lao động nghệ thuật bằng những giải thưởng, bằng khen, giấy khen tại các kỳ liên hoan, hội diễn. Tiêu biểu như: Người Chơro nhớ ơn Bác Hồ (giải B - Giải Trịnh Hoài Đức lần 3, giai đoạn 2006-2010); Đàn Chinh K’la ở tuổi thơ tôi (giải A Liên hoan âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2012); Điện sáng về làng Chơro (giải nhất cuộc thi Sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi năm 2018)… Mới đây nhất, trong Liên hoan Tiếng hát miền Đông năm 2020 diễn ta tại TP.HCM, anh đoạt huy chương bạc với tiết mục Đêm chiêng Sayangva.

Hầu hết những ca khúc của nhạc sĩ Điểu Được đều có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc hiện đại với dân ca dân tộc, đặc biệt là dân ca dân tộc Chơro. Để nâng cao trình độ chuyên môn, năm 1999 anh đăng ký theo học lớp sáng tác tại Nhạc viện TP.HCM. Ra trường, có thời gian anh về công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Đồng Nai, sau đó anh về lại H.Định Quán làm việc tự do, tiếp tục sáng tác để theo đuổi đam mê với hy vọng sẽ sáng tác được nhiều ca khúc gần gũi hơn với cuộc sống.

Ở tuổi 54, thấm thoắt, nhạc sĩ Điểu Được đã có hơn 30 năm sáng tác, biểu diễn ảo thuật, tham gia nhiều liên hoan, hội diễn trong và ngoài tỉnh, được bạn bè, công chúng đánh giá cao. Nhiều năm trở lại đây, trên các sân khấu, đặc biệt là sân khấu âm nhạc không chuyên, người xem luôn thấy hình ảnh nhạc sĩ Điểu Được cùng với con gái Điểu Thủy thể hiện tình yêu âm nhạc bằng những bài hát về dân tộc Chơro do chính anh sáng tác.

Nhạc sĩ Điểu Được cho biết, gia đình anh có 7 người con. Các con của anh đều yêu âm nhạc và biết biểu diễn. Tuy nhiên, chỉ có con gái Điểu Thủy và con trai Sỹ Thanh theo học chuyên ngành thanh nhạc, thường xuyên đi biểu diễn cùng anh.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ, Điểu Thủy kể: “Trong lần tham gia Liên hoan Tiếng hát miền Đông tại Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2018, tôi với cha được chọn dự thi tiết mục Người Chơro nhớ ơn Bác Hồ. Đúng ngày biểu diễn, tôi lại có kết quả vào vòng chung khảo và phải ghi hình một cuộc thi âm nhạc tại TP.HCM. Do bài hát được thể hiện bằng 2 ngôn ngữ khác nhau nên tôi đã bàn với cha, nhờ mẹ tôi lên sân khấu thay. Đợt biểu diễn “bất đắc dĩ” của mẹ cùng với cha đã mang về chiếc huy chương bạc quý giá”.

* Lan tỏa văn hóa đồng bào Chơro

Bên cạnh học tập và làm việc, cha con nhạc sĩ Điểu Được luôn cố gắng sắp xếp thời gian xuất hiện trong các chương trình mang tính chất cộng đồng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. “Chúng tôi cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc khi âm nhạc do mình sáng tác, biểu diễn được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Các tác phẩm của tôi có lời ca mộc mạc, dung dị phản ánh chân thực cuộc sống, tâm tư tình cảm của người Chơro. Đứng trên sân khấu, giao lưu với nhiều đối tượng khán giả còn là cơ hội để gia đình tôi mang văn hóa của đồng bào dân tộc giới thiệu với cộng đồng” - nhạc sĩ Điểu Được chia sẻ.

Không chỉ đồng bào Chơro yêu mến âm nhạc của Điểu Được, thích xem cha, con anh biểu diễn mà rất nhiều khán giả ở Biên Hòa - Đồng Nai cũng rất mến mộ. Người Chơro xem cha, con anh là những người tiêu biểu khơi mạch nguồn cảm xúc văn hóa dân tộc, để nó long lanh và hội tụ cùng với dòng chảy văn hóa của các dân tộc anh em. Bản thân nhạc sĩ Điểu Được rất có ý thức trong việc bảo tồn và biết cách phát huy kho tàng dân ca vô giá của dân tộc mình. Những kiến thức anh sưu tầm, học hỏi và đúc kết từ cuộc sống đã tạo đà cho anh thăng hoa trong sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật. Qua lời ca, tiếng hát và những nốt nhạc của cha, con anh, dường như cả đại ngàn được đánh thức…

Nói về nhạc sĩ Điểu Được, nhạc sĩ Trần Viết Bính cho hay: “Điểu Được là nhạc sĩ có tài năng của Đồng Nai, anh vừa sáng tác vừa biểu diễn cùng lúc 2 ngôn ngữ. Sự mộc mạc, chân tình mang âm hưởng dân ca Chơro in đậm trong mỗi ca khúc của anh. Mỗi khi cha con anh cất tiếng hát bằng chính con tim, khiến cả người hát và người nghe cùng lay động. Âm nhạc của Điểu Được vừa gần gũi như hơi thở cuộc sống vừa mang “chất riêng” không thể hòa lẫn vào đâu được”.

Trăn trở lớn nhất của nhạc sĩ Điểu Được là hiện nay âm nhạc của người Chơro đang dần bị lãng quên. Một bộ phận giới trẻ trong vùng đồng bào dân tộc dường như không còn mặn mà với âm nhạc truyền thống. Điều đó khiến anh rất buồn, song không thể vì thế mà anh buông xuôi. Việc sáng tác, bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc là cách anh góp phần lưu giữ giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202007/cha-con-va-niem-dam-me-am-nhac-truyen-thong-3014242/