Cha, con và mỹ thuật truyền thống Nam Bộ

Lần đầu tiên, nhà nghiên cứu (NNC) Huỳnh Ngọc Trảng và con mình, NNC Huỳnh Thanh Bình, đã có buổi giao lưu với độc giả và ra mắt những tác phẩm về di sản mỹ thuật truyền thống Nam Bộ tại Ðường sách TP Hồ Chí Minh. Những chia sẻ chân tình của hai cha con NNC văn hóa dân gian Nam Bộ làm cho buổi giao lưu trở nên ấm áp và gợi mở được nhiều vấn đề mà bạn đọc quan tâm…

Cha con nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam Bộ Huỳnh Ngọc Trảng (thứ hai từ phải qua) và Huỳnh Thanh Bình (thứ hai từ trái qua) trong buổi giao lưu.

Cha con nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nam Bộ Huỳnh Ngọc Trảng (thứ hai từ phải qua) và Huỳnh Thanh Bình (thứ hai từ trái qua) trong buổi giao lưu.

Lần đầu tiên, nhà nghiên cứu (NNC) Huỳnh Ngọc Trảng và con mình, NNC Huỳnh Thanh Bình, đã có buổi giao lưu với độc giả và ra mắt những tác phẩm về di sản mỹ thuật truyền thống Nam Bộ tại Ðường sách TP Hồ Chí Minh. Những chia sẻ chân tình của hai cha con NNC văn hóa dân gian Nam Bộ làm cho buổi giao lưu trở nên ấm áp và gợi mở được nhiều vấn đề mà bạn đọc quan tâm…

Chia sẻ về cuốn sách Tranh tường Khmer Nam Bộ của mình vừa mới được Nhà xuất bản (NXB) Văn hóa Văn nghệ TP Hồ Chí Minh phát hành, NNC Huỳnh Thanh Binh cho biết, đây là đề tài chị đã dành gần 10 năm để thực hiện. Từ một chuyến đi đến Sóc Trăng, chị đã bị mê hoặc bởi những bức tranh tường tại các chùa Khmer. Những bí ẩn từ những hình ảnh như một câu chuyện trên các bức tranh đã thôi thúc chị phải tìm hiểu được ý nghĩa và sự hình thành của nó. Thế là trong khoảng 10 năm, NNC Huỳnh Thanh Bình đã đến hàng trăm ngôi chùa Khmer Nam Bộ để sưu tầm và chắt lọc tư liệu thực hiện cuốn sách.

Một trong những khó khăn lớn nhất mà NNC Huỳnh Thanh Bình gặp phải khi thực hiện cuốn sách đó là chị không hiểu nhiều về các tích truyện trong các bức tranh. "Tôi phải đi hỏi từng nhà sư, sãi, người cao tuổi ở địa phương cũng như các nghệ nhân. Mọi người đã chỉ dẫn tôi một cách rất cặn kẽ nên mọi chuyện về sau cũng thuận lợi hơn", NNC Huỳnh Thanh Bình kể lại.

Theo NNC Huỳnh Thanh Bình, từ lâu đời, người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Ðộ thông qua đạo Bà La Môn rồi đạo Phật. Văn hóa Ấn Ðộ thâm nhập vào cộng đồng người Khmer thông qua con đường truyền đạo của các giáo sĩ và thương nhân nên sắc thái văn hóa đó dần dần được Khmer hóa, nhuần nhị như chính sự phát triển tự thân của văn hóa bản địa Khmer. Người Khmer từ lúc mới lọt lòng đến khi trưởng thành và từ giã cõi đời, đều lấy ngôi chùa làm trung tâm cuộc sống. Người Khmer Nam Bộ tiếp thu tôn giáo - văn hóa thông qua nhiều con đường, trong đó có nghệ thuật tranh tường.

Tranh tường Khmer kế thừa thành tựu nghệ thuật tạo hình truyền thống mà trực tiếp là nghệ thuật trang trí nội, ngoại thất tự viện, tranh cuộn trên vải/preah bot, tranh vẽ trên giấy bìa "kờrăng". Cuốn sách đi sâu vào tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, nội dung, nghệ thuật và đặc điểm, tính chất của tranh tường Khmer. Tác phẩm còn đề cập đến nghề vẽ tranh tường và tập thành tranh tường do các thế hệ nghệ nhân Khmer tạo tác nội, ngoại thất ở một số chùa tháp Phật giáo Nam tông Khmer tại các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang... Do đó, tranh tường Khmer độc đáo không chỉ về mặt đề tài mà cả về đặc trưng hình họa, mầu sắc và phong cách tạo hình nghệ thuật. Tranh tường Khmer cũng cho thấy thị hiếu thẩm mỹ và cái nhìn mỹ thuật không chỉ của nghệ nhân tạo tác, mà đó còn là của cả cộng đồng người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ðặc trưng của dòng tranh tường này luôn biến đổi theo thời gian.

Là người trình bày cuốn sách Tranh tường Khmer Nam Bộ, họa sĩ trẻ Nam Kha cho biết, anh bị "choáng" ngay lúc đầu khi thông tin cuốn sách quá nhiều. Anh phải nhờ tác giả hướng dẫn để có thể trình bày bắt mắt nhất, làm bật lên ý nghĩa, đặc điểm quan trọng của những bức tranh tường Khmer Nam Bộ.

Chung vui với con gái mình, NNC Huỳnh Ngọc Trảng cho biết, khi thấy Huỳnh Thanh Bình ra mắt sách, ông rất vui. Là người nghiên cứu và có thời gian sống chung với người Khmer khá lâu nhưng ông Huỳnh Ngọc Trảng chủ yếu nghiên cứu về văn học dân gian và nghệ thuật biểu diễn trong văn hóa Khmer. Riêng về mảng nghệ thuật tạo hình, mỹ thuật của người Khmer, ông vẫn chưa nghiên cứu sâu. Chính vì thế, khi con gái ông thực hiện đề tài về tranh tường Khmer Nam Bộ, ông rất mừng, vì cô đã bổ sung vào phần khuyết trong cuộc đời nghiên cứu văn hóa dân gian Nam Bộ của ông…

Trong buổi giao lưu tại Ðường sách TP Hồ Chí Minh, bạn đọc còn được NNC Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ về bộ sách gốm mà ông và các cộng sự mới ra mắt. Ðó là bộ ba Gốm Cây Mai - đề ngạn- Sài Gòn xưa; Gốm Sài Gòn và Gốm Lái Thiêu (đang thực hiện) do NXB Văn hóa Văn nghệ TP Hồ Chí Minh phát hành. Xuất bản lần này, bộ sách được làm mới thêm nhiều hơn và bồi đắp nhiều bằng chứng rõ ràng hơn trước từ nhiều nguồn tài liệu bổ sung.

NNC Huỳnh Ngọc Trảng chọn Gốm Cây Mai là tác phẩm mở đầu cho dòng sách về gốm khởi nguồn từ lý do lịch sử xuất hiện lần lượt của các dòng gốm tại vùng đất Nam Kỳ xưa. Ðiểm nổi bật của dòng gốm này là sành cứng có men mầu với xương gốm chắc, bền vững hơn. Bảng mầu tuy không phong phú (mầu xanh lam, mầu xanh ve chai; các mầu bổ trợ là mầu vàng, mầu đen, mầu nâu đỏ, nâu và trắng) nhưng tạo ra sắc thái riêng, nằm giữa sự mộc mạc và mỹ lệ. Ðổi lại, gốm Cây Mai sở hữu hầu như tất cả kỹ pháp trang trí để xuất hiện phổ biến khắp các công trình gốm gia dụng, gốm xây dựng, gốm thờ tự, tượng thờ, tượng trang trí…

Trong buổi giao lưu, độc giả và những người quan tâm văn hóa dân gian Nam Bộ đều vui mừng và tin tưởng vào sự kế thừa của một lớp nhà nghiên cứu trẻ đang hình thành, tiếp tục dấn thân khám phá những nét độc đáo của văn hóa dân gian Nam Bộ dưới góc nhìn mới.

Bài và ảnh: Bảo Linh

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/cha-con-va-my-thuat-truyen-thong-nam-bo-623384/