'Cha con em 'trúc' chị sức 'phẻ' nha chị...'

'Cha con em 'trúc' chị sức 'phẻ' nha chị…' (Cha con em chúc chị sức khỏe nha chị - PV) - Thỉnh thoảng tôi nhận được những tin nhắn sai đầy lỗi chính tả hay nếu đọc lên là biết ngay người gửi ở vùng miền nào. Những tin nhắn đến từ những anh chị em công nhân, vốn là nhân vật trong một bài viết nào đó mà đôi khi tôi đã quên nhưng với họ thì Báo Lao Động, Nhà báo Lao Động sẽ vẫn còn lưu lại rất lâu, sau nhiều năm nữa, thậm chí là theo cả cuộc đời.

Bé Kiều Dáng và cha tại bệnh viện.

Trái tim cho Kiều Dáng

Người nhắn tin sai đầy lỗi và đậm chất miền Tây này là anh Khanh - cha của bé Kiều Dáng và chồng của nữ công nhân không may bị cây gãy đè dẫn đến tử vong. Tôi biết câu chuyện của vợ anh qua chủ tịch công đoàn cơ sở. Ban đầu tôi cũng như tất cả những phóng viên khác tiếp cận thông tin này, chỉ là những người đưa tin thuần túy, có đau xót thật nhưng lúc đó cũng chưa biết sẽ làm gì tiếp theo. Ngay sau đó thì cơ quan gọi điện thông báo, Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng hỗ trợ một khoản tiền cho gia đình anh Khanh.

Ngày xuống trao tiền, tôi mời thêm một luật sư để tư vấn và sẽ hỗ trợ pháp lý miễn phí cho gia đình anh. Nói chuyện một lúc, anh bảo “Trước đây, vợ em ở nhà chăm hai đứa con không à, hỏng có đi mần vì bé út bị bệnh tim bẩm sinh. Nhưng rồi vợ em quyết định đi làm công nhân, em đi làm rác cho người ta chi tiêu hằng ngày, còn vợ em đi làm công nhân để dành tiền mổ tim cho con. Bé út sẽ do bé chị lớn chăm, bé lớn nghỉ học rồi, lên đây chăm em. Vậy mà đi làm chưa được năm thì vợ em gặp nạn…”.

Nghe anh nói, tôi và chị đi cùng không dám hứa trước nhưng trên đường về bàn nhau, sẽ tìm các nguồn hỗ trợ để Kiều Dáng, con gái út của anh được mổ tim. Sau những cuộc điện thoại, những lần đi khám và làm đủ các loại giấy tờ, gần một năm sau, Kiều Dáng được mổ tim thông qua sự kết nối của Báo Lao Động với Quỹ từ thiện Trái tim Hằng Hữu.

Ngày chúng tôi lên thăm bé ở Bệnh viện Nhi đồng I, dù vết mổ vẫn còn đau nhưng thấy chúng tôi, bé nhoẻn miệng cười, rồi lại nhõng nhẽo quay sang kêu ba cho uống sữa, đòi ăn cơm.

“Bác sĩ nói Kiều Dáng là trẻ hồi phục nhanh nhất trong tất cả các cháu được mổ đợt này. Em mừng quá trời luôn. Cháu khỏe mạnh được, coi như tâm nguyện của vợ em đã thành” - Anh Khanh nói khi khoe bộ đồ mới anh vừa mua cho con gái. Anh bảo: “Lâu giờ đâu dám mua áo quần gì đâu chị. Tiền toàn để dành mua thuốc, nay được anh chị hỗ trợ nên em mới dám mua cho cháu, coi như quà mừng cháu mổ thành công”.

Sau ca mổ, anh lại về Bình Dương làm thuê, một mình “gà trống nuôi con”. Thỉnh thoảng, anh lại nhắn cho chúng tôi tình hình sức khỏe của hai con, đặc biệt là Kiều Dáng. Và vẫn như cũ, những tin nhắn đầy lỗi chính tả và đậm chất miền Tây. “Cha con em không có lời nào cảm ơn chị với báo. Cháo (cháu) nó có được ngày hôm nay là điều dợ (vợ) em mong mỏi. Em cảm ơn chị, cha con em trúc (chúc) chị sức phẻ (khỏe) nha chị…”.

Cha con anh bắt đầu một cuộc sống mới mà không có vợ, có mẹ bên cạnh. Cuộc sống sẽ vất vả hơn nhưng tôi luôn tin, những người hiền lành, chân chất như cha con anh, sẽ luôn gặp được những người tốt, để sẵn sàng hỗ trợ gia đình anh khi cấp bách. Còn chúng tôi, những người làm báo, lại quay về với những nhân vật mới, những câu chuyện mới, tuy nhiên những nhân vật đã đi qua từng bài viết, họ sẽ trở thành một phần trong cuộc sống của chúng tôi. Và trong hành trình đi tìm lại trái tim khỏe mạnh lại cho Kiều Dáng, tôi tự hào rằng, tôi và tờ báo của mình đã nỗ lực hết sức mình.

Phóng viên Lê Tuyết (thứ hai trái qua) trong một đợt công tác tại Trường Sa.

Túi kẹo cu đơ của người cha quê Hà Tĩnh

Dương hơn tôi một tuổi, nhưng lúc nào gọi tôi là “Chị” xưng “Em”. Tôi từng đính chính một lần nhưng sau Dương vẫn không đổi cách xưng hô, tôi đành phải đóng vai già hơn. Dương quê ở Hà Tĩnh, cậu vào Bình Dương làm công nhân khi mới 15 tuổi. Cậu bảo cũng không mơ giàu sang với đồng lương công nhân nhưng nghĩ mình sẽ sống được nếu biết chi tiêu, để dành, nào ngờ tai họa ập đến.

“Sáng hôm đó, giám đốc kêu em lên quét lại mái nhà xưởng, không ngờ mái tôn lâu ngày bị mục, em té từ trên mái xuống. Đau tưởng chết đi được” - Dương kể lại khi tôi gặp Dương lần đầu cách đây đã hơn 4 năm. Công ty đưa Dương đến bệnh viện cấp cứu, không biết vì lý do gì, đại diện phía công ty lại khai báo cậu bị tai nạn sinh hoạt. Dương bị gãy cột sống, liệt vĩnh viễn. Về phía công ty, chi phí điều trị của Dương họ vẫn chi trả nhưng không chịu làm hồ sơ tai nạn lao động để Dương được nhận trợ cấp tai nạn lao động của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Mẹ của Dương từ Hà Tĩnh vào chăm con, bà khóc cạn cả nước mắt khi cậu con trai vốn khỏe mạnh của bà ngày nào, giờ phải ngồi xe lăn, đến chuyện vệ sinh hằng ngày cũng không tự lo được. Bà còn đau lòng hơn khi công ty muốn phủi trách nhiệm.

“Bạn em đó chị, bị tai nạn lao động mà công ty định bỏ luôn. Chị xuống phòng trọ bạn em được không? Bạn em bị liệt rồi, không đi được” – Một giọng Hà Tĩnh bên đầu dây. Người báo tin vốn là một công nhân, cũng từng bị công ty chèn ép, gửi đơn lên Báo Lao Động và được tôi hỗ trợ, sau sự việc được giải quyết, cậu bảo “Em giữ số điện thoại của chị kỹ lắm”. Nghe qua hoàn cảnh của Dương, tôi và luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn Luật sư TPHCM) tức tốc làm một chuyến đi Bình Dương.

Luật sư xem hồ sơ, nhận hỗ trợ pháp lý miễn phí, sẽ đưa vụ việc khởi kiện ra tòa án. Phần mình, tôi liên hệ làm việc với công ty. Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng đại diện công ty cũng đồng ý gặp. Sau khi nghe giải thích “Tai nạn lao động là điều ngoài ý muốn, công ty đã đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động thì các chế độ sau này đã có cơ quan này lo, trách nhiệm của công ty là bồi thường một phần nào đó, tùy theo sự thỏa thuận của hai bên. Nếu công ty tiếp tục chần chừ không chịu làm hồ sơ tai nạn lao động cho người lao động, quá thời hạn, mọi chi phí sau này sẽ do công ty chi trả”, phía công ty chấp nhận giải quyết vụ việc mà không né tránh. Vụ việc hòa giải thành ở tòa, công ty trả thêm 100 triệu đồng cho Dương, cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp hằng tháng cho Dương theo quy định của pháp luật.

Một buổi chiều, tôi đang ngồi viết bài, có điện thoại của một số điện thoại lạ, ông xưng là ba của Dương, muốn gặp cảm ơn để ngày mai hai cha con về quê. Tôi từ chối vì trời đang mưa tầm tã. Ông kiên nhẫn: “Tôi lên xe máy đi rồi, mang áo mưa rồi, không sao cả, cô không gặp, cha con tôi không về”. Ông nhỏ xíu, mưa thấm qua cái áo mưa “mì ăn liền” làm người ông run lên. Trên vai ông vác một cái ba lô bự, chứa đầy mật ong và kẹo cu đơ. Ông đưa tôi túi kẹo, giấu dưới đây một chiếc phong bì, mưa làm cho góc phong bì rã ra, lòi ra một xấp tiền. Ông toan bỏ về. Tôi nắm kịp bàn tay sần sùi vết chai của ông: “Coi như con đã nhận, bác mang số tiền này về, hai cha con đi tàu xe”. Tôi dúi vào tay ông rồi vội vàng quay bước, nghe nước mưa rơi trên mặt mình mặn chát.

Đến giờ, thỉnh thoảng Dương vẫn nhắn tin cho tôi qua Zalo, Dương hỏi thăm tôi công việc, tôi hỏi thăm Dương chuyện gia đình, chuyện ăn ở, sinh hoạt, đi lại… Dương bảo, cả nhà vẫn nhắc đến tôi, nhắc đến Báo Lao Động. Ở nhà Dương không ai đọc báo nhưng Báo Lao Động thì ai cũng biết! Người làm báo, đôi khi như vậy cũng là quá đủ.

LÊ TUYẾT

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/cha-con-em-truc-chi-suc-phe-nha-chi-624581.ldo