Cha bỏ việc tập đoàn lương cao, khởi nghiệp vì con trai tự kỷ

Để có thêm thời gian hiểu con và dạy con những kỹ năng tối thiểu, ông bố Malaysia đã mở doanh nghiệp đào tạo người tự kỷ.

Trên Asia One, ông Mohd Adli Yahya, người cha có một đứa con trai tự kỷ nay đã 19 tuổi chia sẻ: "Chúng tôi luôn lo lắng về những gì có thể xảy ra với Luqman khi chúng tôi không còn nhiều thời gian sống cùng con nữa. Chúng tôi lo lắng không biết nó sẽ sống ra sao, ai sẽ chăm sóc nó".

Luqman là một chàng trai tự kỷ và không thể nói. Adli biết rằng cơ hội để con mình kiếm được một công việc là vô cùng ít ỏi.

Ông Adli đã từ bỏ công việc lương cao để mở doanh nghiệp hỗ trợ con trai tự kỷ.

Vì thế năm 2016, với sự hỗ trợ của vợ, Adli đã từ bỏ công việc có vị trí và thu nhập cao tại một tập đoàn để thành lập Dự án Cà phê tự kỷ (Autism Cafe Project), nhằm giúp các bậc phụ huynh cũng như cộng đồng hiểu hơn về tự kỷ.

Là một doanh nghiệp xã hội, Dự án Cà phê tự kỷ giúp đào tạo những thanh niên tự kỷ cách thức hoạt động trong ngành dịch vụ ăn uống. Dự án đã cung cấp cho con trai ông một không gian an toàn để học các kỹ năng và giúp cậu có cơ hội đạt được khả năng tự lập cơ bản.

Khi Luqman còn là một đứa trẻ chập chững biết đi, chứng tự kỷ của cậu đã trở thành bức tường ngăn cách giữa hai cha con. Adli thường xuyên trách phạt con rất nặng, và đến bây giờ ông vẫn còn bị ám ảnh về những hình phạt mà mình đã đưa ra. Thiếu kiến thức về tự kỷ, ông thường xuyên cảm thấy bất lực và thất vọng với con.

Dù qua thời gian, mối quan hệ giữa hai cha con đã tốt đẹp hơn rất nhiều, Adli vẫn muốn bù đắp những sai lầm mình đã mắc trong quá trình nuôi dạy con trước đây. Quan trọng hơn, dự án cho phép Adli dành thời gian quý báu bên con trai để hiểu và giúp con phát triển.

Ngoài Dự án trên, Adli cũng mở một quán cà phê và đang triển khai những ki ốt bán cơm đặc sản để Luqman có thêm cơ hội tương tác với cộng đồng.

Khi Luqman tự đóng gói được món cơm giao cho khách, đó là cột mốc cho chính chàng trai 19 tuổi, cũng như mang lại niềm hy vọng cho vợ chồng Adli.

Thông qua những tương tác này, Adli hy vọng cộng đồng người tự kỷ sẽ được thấu hiểu và chấp nhận hơn. "Tôi muốn công chúng hiểu chúng tôi, những cha mẹ cũng như những thanh niên tự kỷ... Đừng coi họ là những người không thể làm việc vì sẽ khiến họ không có hy vọng. Nếu bạn thấy họ là những cá nhân có tiềm năng, điều đó có thể mở ra một thế giới hoàn toàn mới cho họ".

Theo Hoàng Anh -Vnexpress

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/cha-bo-viec-tap-doan-luong-cao-khoi-nghiep-vi-con-trai-tu-ky-3945557-l.html