CEO và Chủ tịch HĐQT ngân hàng nói gì về tài chính tiêu dùng?

Tài chính tiêu dùng hiện được coi là 'con gà đẻ trứng vàng' đối với nhiều ngân hàng, đóng góp cả nghìn tỉ đồng lợi nhuận, một số 'ông lớn' cũng bắt đầu sốt ruột nhảy vào lĩnh vực này như MB, SHB, SeABank... Tuy nhiên, một vài ngân hàng lại đứng ngoài 'làn sóng' này và kiên trì với mục tiêu tăng trưởng cân bằng chất lượng và quy mô.

Từ trên xuống và trái sang: Ông Nguyễn Đức Vinh - TGĐ VPBank, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank, ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT VIB, ông Lê Hữu Đức - Chủ tịch HĐQT MB.

“Còn nhiều lựa chọn tốt hơn là lập Cty TCTD”

Ông Đặng Khắc Vỹ - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) - nói tại ĐHĐCĐ rằng: “Việc cho vay tài chính tiêu dùng với lãi suất lên tới 30-40-60% mang tính rủi ro cao và chỉ có tính ngắn hạn và trung hạn. Chúng tôi kiên trì đi theo chiến lược của VIB đề ra ngay từ đầu là ngân hàng cân bằng giữa chất lượng và quy mô. Hiện tiềm năng về lợi nhuận từ mảng ngân hàng bán lẻ rất lớn nên VIB chưa cần tới một công ty tài chính tiêu dùng”. Ông Vỹ cho biết, ngân hàng đang có nhiều dư địa, lựa chọn tốt hơn là lập công ty tài chính. Ví dụ, mảng cho vay mua nhà, cho vay mua ôtô, bán chéo bảo hiểm của VIB đều đang đem lại doanh thu tốt. Năm 2017, mảng ngân hàng bán lẻ của VIB tăng trưởng 83%. Quý I/2018, mặc dù là thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, mảng bán lẻ của NH vẫn tăng trưởng 13% và có thể tăng 100% vào năm 2018.

“Không lựa chọn mô hình high risk - high return”

Lý giải về nguyên nhân vì sao bán Techcom Finance cho Công ty Lotte Card Co.,Ltd (Hàn Quốc), tại ĐHĐCĐ 2018, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank - cho biết: “Năm 2017 Techcombank có nhiều mô hình, nhiều cách phát triển trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Techcombank không lựa chọn theo mô hình “high risk - high return” (rủi ro cao - lợi nhuận cao). Năm 2014, chúng ta mua Cty tài chính nhưng sau khi xây dựng xong mô hình thì chúng tôi lại không lựa chọn theo giải pháp này mà chọn theo hướng khác mang lại lợi ích tốt nhất nhưng rủi ro thấp hơn so với mô hình kinh doanh này. Đây là lựa chọn của Techcombank”.

“VPBank có mục đích tạo ra FE Credit ngày càng độc lập”

Tại ĐHĐCĐ 2018, ông Nguyễn Đức Vinh - TGĐ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - cho rằng “Tài chính tiêu dùng không phải là điều gì mới lạ trên thế giới. Đây là mô hình phổ biến, phát triển ở Mỹ, Châu Âu và Châu Á, nó cũng có giai đoạn khủng hoảng, khó khăn khi thị trường quá nhiều công ty cho vay tiêu dùng và điều kiện cho vay không được kiểm soát”. Theo ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank - việc cho vay tín dụng tiêu dùng thì dễ nhưng hệ thống chấm điểm, cho vay, nhắc nợ, quản trị rủi ro mới là điều quan trọng”. Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết “Tôi đánh giá Việt Nam là thị trường mới nổi, tỉ trọng người dân tham gia tài chính tiêu dùng chưa nhiều, cơ hội vẫn còn. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam nói chung sẽ vẫn còn tích cực trong 3-5 năm tới. Ngay cả lúc khó khăn nhất xảy ra, VPBank đã có lượng dự phòng để đảm bảo vốn ngân hàng được bảo vệ ở mức tốt nhất có thể. Trong tương lai VPBank có mục đích tạo ra FE Credit ngày càng độc lập”.

Tổng số cho vay FE Credit (Công ty cho vay tiêu dùng của VPBank) hiện nay là 45.000 tỉ trên tổng số dư nợ cho vay khoảng gần 160.000 tỉ đồng. Như vậy tỉ trọng cho vay của FE Credit trên tổng dư nợ cho vay cả ngân hàng chiếm không lớn (khoảng 20%).

MB kỳ vọng vào MCredit

Tại ĐHĐCĐ NHTMCP Quân đội (MB), Chủ tịch Hội đồng quản trị MB Lê Hữu Đức kỳ vọng MCredit sẽ là “startup” trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng cao nhất thị trường. Nhà băng này đặt mục tiêu cho MCredit trong năm 2018 đạt 300 tỉ đồng lợi nhuận. Kỳ vọng vào sự tăng trưởng cao hơn của các công ty thành viên cũng là lý do kế hoạch 2018 của MBBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất 47%, trong khi lợi nhuận ngân hàng mẹ tăng 21%.

HDBank tham vọng trở thành NH bán lẻ hàng đầu

Với lợi thế sở hữu hệ sinh thái khách hàng (ECO System) lớn gồm Vietjet Air, HD Saison, HDBank, Saigon Coop. HDBank tiếp cận 20 triệu khách hàng tiềm năng hiện thực hóa mục tiêu phát triển đầy tham vọng giai đoạn 2017-2021. HD Saison có tốc độ tăng trưởng kép về dư nợ và thu nhập hoạt động hơn 60% trong gia đoạn 2014-2017. Cty tiếp tục là “gà đẻ trứng vàng” khi Cty đẩy mạnh bán chéo sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tài trợ cho người mua vé máy bay Vietjet Air” - lãnh đạo HDBank cho biết.

lan hương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/tien-te-dau-tu/ceo-va-chu-tich-hdqt-ngan-hang-noi-gi-ve-tai-chinh-tieu-dung-599330.ldo