CEO TPBank: Nợ xấu tăng vì dư nợ khách cá nhân vay mua ôtô

Theo lãnh đạo TPBank, nợ xấu nhà băng này tăng trong quý I vừa qua chủ yếu đến từ phần dư nợ của khách hàng cá nhân vay mua ôtô bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thông tin trên được ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank chia sẻ tại Đại hội cổ đông nhà băng này diễn ra sáng nay (27/5).

Cụ thể, vị tổng giám đốc ngân hàng cho biết trong quý đầu tiên của năm 2020, TPBank ghi nhận 1.009 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 18% so với cùng kỳ.

Các chỉ số tài chính như cho vay khách hàng tăng 5%, tiền gửi khách hàng giảm 3% và tổng tài sản tăng 7% so với đầu năm.

Trong đó, khoản lãi khác ghi nhận trên báo cáo tài chính của ngân hàng tăng đột biến (1.292% trong quý I). Theo ông Hưng, đây chính là hoạt động kinh doanh giấy tờ có giá của khối nguồn vốn. Mảng này có từng đợt trong năm và quý I vừa qua đóng góp kết quả tốt vào tổng doanh thu hợp nhất cho nhà băng.

Tuy nhiên, quý I cũng ghi nhận xu hướng nợ xấu gia tăng tại nhà băng này. Trong đó, nợ nhóm 3, 4, 5 đã tăng hơn 50% so với đầu năm, đạt trên 1.880 tỷ tại thời điểm cuối tháng 3.

Theo ông Hưng, nợ xấu tăng thêm chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân vay mua ôtô dù chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, mức tăng nợ xấu nói trên vẫn trong tầm kiểm soát của ngân hàng.

Dự kiến trong thời gian tới, TPBank triển khai các biện pháp thu hồi nợ, nhưng việc này cũng gặp khó khăn do nhiều khách hàng đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

“Nếu đẩy mạnh thu hồi nợ thời điểm này sẽ dẫn đến nhiều lý do không hay, như ngân hàng không thông cảm cho doanh nghiệp, người dân. Do đó, ngân hàng sẽ sử dụng các phương pháp vừa cương quyết, khéo léo, cố gắng giảm nợ xấu càng thấp càng tốt và mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 2%”, ông Hưng chia sẻ.

Nói tới tác động của dịch Covid-19, vị tổng giám đốc cho biết thu nhập của ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng giảm khoảng 1.000 tỷ vì việc hạ lãi suất cho doanh nghiệp, người dân cũng như phải tăng trích lập dự phòng, và không được tính lãi dự thu.

Trong đó, tổng dư nợ đã giảm lãi của ngân hàng vào khoảng 5.000 tỷ, phần lớn là khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong năm nay, để đối phó với dịch bệnh, ngân hàng dự kiến tối ưu các chi phí hoạt động, và đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.

Cũng tại cuộc họp, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, TPBank từng đặt mục tiêu lợi nhuận tham vọng hơn cho năm nay, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên ban lãnh đạo đã xem xét lại theo hướng thận trọng hơn.

Cũng trong năm nay, nhà băng dự kiến đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi, trong bối cảnh thu nhập lãi thuần bị ảnh hưởng vì giảm lãi suất cho vay và các gói tín dụng ưu đãi (NIM dự kiến giảm 0,5%).

Trong đó, tập trung đẩy mạnh thu nhập từ dịch vụ, bán bảo hiểm… Nhà băng này dự kiến tỷ trọng thu phí dịch vụ tăng 25% trong năm nay.

Về kế hoạch cụ thể, TPBank dự kiến dư nợ cho vay và trái phiếu tổ chức kinh tế năm nay tăng 15%, lên hơn 117.180 tỷ, trong đó cho vay khách hàng tăng 9%, đạt trên 105.180 tỷ và đầu tư trái phiếu tăng 249%.

Chỉ tiêu huy động vốn dự kiến tăng 7%, lên 158.835 tỷ, trong đó tiền gửi của khách hàng đạt 122.681 tỷ, tăng 15%.

Ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế đạt 4.068 tỷ đồng, tăng 5% so với số thực hiện năm gần nhất (2019) và kiểm soát nợ xấu dưới 2,5%. Nếu đạt được kế hoạch này, 2020 sẽ đánh dấu là năm thứ 9 liên tiếp lợi nhuận trước thuế của TPBank tăng trưởng dương (kể từ năm 2011).

Quang Thắng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ceo-tpbank-no-xau-tang-vi-du-no-khach-ca-nhan-vay-mua-oto-post1089155.html