CEO thương hiệu SHAT : Từ sinh viên bỏ học đến ông chủ trăm tỉ

Bắt nguồn từ việc không tìm ra được một đôi giày ưng ý để đi chơi, chàng trai sinh năm 1994 bắt đầu tìm hiểu và tự làm ra đôi giày đúng chất riêng. Đó là con đường để Trần Phạm Thông Hiệp bắt đầu đi và trở thành ông chủ trăm tỉ của thương hiệu SHAT.

Các sản phẩm trong hệ thống giày SHONDO của chàng trai trẻ

Các sản phẩm trong hệ thống giày SHONDO của chàng trai trẻ

Sản phẩm đầu tay… tự làm cho mình

Những ngày cuối hè năm 2014, khi bạn bè tranh thủ những ngày cuối cùng để tận hưởng biển xanh nắng vàng, cậu thanh niên Trần Phạm Thông Hiệp lại ngồi nhà mày mò quai đế, máy móc, keo giày.

Một lần không tìm được đôi sandals phù hợp với trang phục đang mặc, gặp dịp hay mưa lại càng không muốn mang sneakers ẩm ướt, Hiệp bắt đầu tìm kiếm những thương hiệu sandals đang có trên thị trường nhưng không tìm được sản phẩm ưng ý, anh chàng quyết định…tự làm cho mình một đôi.

Đôi sandals đầu tiên ra đời có quai xanh dạ, phối với hồng và đế trắng và chính đây lại là đôi sandals “sáng nhất phố”, đi đến đâu bạn bè hỏi thăm đến đó. Hiệp ưng ý với “tác phẩm đầu tay” của mình.

Vốn là một sinh viên “tự do”, châm ngôn “chơi là chính”, lại học chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Đại học Nguyễn Tất Thành, cộng thêm một chút liều lĩnh của tuổi trẻ, gom hết số tiền tích lũy có được là 10 triệu đồng, Hiệp bắt đầu tìm tòi làm 60 đôi sandals quai dù “handmade” đầu tiên.

Với những sắc màu nổi bật chưa từng xuất hiện trên thị trường lúc bấy giờ, 60 đôi sandals đó đã được bán hết sạch trong 2 tuần.

Hiệp quyết định bảo lưu việc học khi đang dang dở năm thứ 3 để quyết tâm theo đuổi niềm đam mê thiết kế những đôi sandals đặc biệt.

Con đường khởi nghiệp không bằng phẳng

Khởi nghiệp, Hiệp bắt đầu vấp phải sự phản đối dữ dội từ chính người thân trong gia đình.

Thị trường giày dép thời điểm đó đã rất đa dạng, chiếm lĩnh thị trường chủ yếu là hàng Trung Quốc với nhiều mẫu mã bắt mắt, giá lại rẻ. Để tìm chỗ đứng cho sản phẩm của mình tại thị trường thật khó khăn.

Hiệp buồn bã tìm đến bạn bè để tìm sự động viên, nhưng không nhận được gì ngoài những ánh mắt hoài nghi về một chàng trai trẻ “đua đòi làm ăn”. Chưa dừng lại ở đó, những khó khăn bắt đầu xuất hiện liên tiếp. Toàn bộ sản phẩm mới vừa sản xuất bị lỗi keo, lệch quai, kém chất lượng, không thể bán được. Khách đặt liên tiếp nhưng không có giày, đơn hàng bị hủy và Hiệp phải đền hợp đồng. Thế là mất khách hàng, nhân viên nghỉ việc hàng loạt. Hiệp đã từng nghĩ quyết định lúc bấy giờ của mình là sai lầm và những chuỗi ngày tuyệt vọng, đơn độc kéo dài không dứt. Với Hiệp, đúng là con đường khởi nghiệp chưa bao giờ bằng phẳng.

Đánh liều và thành công

Không nản lòng, vì với Hiệp, bỏ cuộc là chắc chắn chấp nhận thất bại, nếu đứng lên tiếp tục cố gắng thì cơ hội vẫn còn đó. Hiệp dồn hết sức lực để liên tục tìm nhà gia công có kinh nghiệm và “đánh liều” cam kết số lượng sản xuất lớn trong năm với họ. Anh chấp nhận điều đó để cứu lấy công ty.

Rồi những đơn hàng đó thành công, Hiệp đã lấy lại được niềm tin từ gia đình và bạn bè. Họ bắt đầu đồng cảm được niềm đam mê từ những đôi sandals cùng ước mơ xây dựng một nhãn hàng Việt Nam cho người Việt từ chàng trai giàu nghị lực.

Khi lượng khách hàng ngày một đông, Hiệp quyết định gom hết số vốn đang có, mở phân xưởng, đầu tư xây dựng logo, fanpage, website bài bản hơn. Thương hiệu SHAT ra đời.

SHAT mở cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Đồng Đen, TPHCM từ 60 đôi giày đầu tiên. Sau 1 năm hoạt động, tổng số sandals được chuyển đến tay khách hàng đã lên đến 10.000 đôi, rồi 300.000 đôi/ năm và con số này chưa dừng ở đó.

Niềm đam mê của Hiệp mang những đôi giày thương hiệu Việt chất lượng cao đến khách hàng, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên không chỉ còn là giấc mơ mà đã và đang được thực hiện hằng ngày, hằng giờ.

CEO Trần Phạm Thông Hiệp - ông chủ trăm tỉ của thương hiệu SHAT

Tuy nhiên, những khó khăn vẫn chưa buông tha Hiệp. Mọi thứ bắt đầu tồi tệ khi chàng CEO trẻ vướng phải hàng loạt sai lầm trong việc quản trị, vì sự phát triển quá nhanh nhưng Hiệp lại thiếu người hỗ trợ. Nhân sự ra, vào liên tục gây tốn kém thời gian và tiền bạc. Hiệp chỉ có 4 tiếng để ngủ, già đi trông thấy so với lứa tuổi.

Tiếp tục đứng dậy và vượt qua tất cả, Hiệp chỉnh đốn lại bộ máy sản xuất, xây dựng quy trình rõ ràng hơn và bằng sự chân thành của mình, Hiệp mời các chuyên gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực cộng tác với mình.

Năm 2016, với chiến dịch đẩy mạnh về thiết kế, phát triển sản phẩm. SHAT cho ra đời dòng sản phẩm chủ lực là sandals siêu nhẹ - F5 với nhiều phiên bản quai dù duy nhất trên thị trường, tạo ra trào lưu sử dụng sản phẩm này cực mạnh trong giới trẻ. Các sản phẩm đều bán sạch trong những ngày đầu ra mắt.

Cùng với sự phát triển của thị trường, cuối năm 2017, SHAT được chuyển đổi thành SHONDO (cách chơi chữ độc đáo từ SANDALS). SHONDO được định vị là một thương hiệu giày, dép và phụ kiện Việt chất lượng, an toàn, thời trang cho giới trẻ.

Không dừng lại ở đó, giữa năm 2018, anh cho ra mắt tiếp dòng sản phẩm F6, ứng dụng từ các chất liệu cao cấp mới nhất từ các nhãn hàng hàng đầu thế giới, vừa bền lại siêu nhẹ, kết hợp với thiết kế thời trang trẻ trung. Giới trẻ tiếp tục cuồng nhiệt đón nhận F6, như đón nhận một luồng gió thời trang mới cho đôi chân của mình.

Mẫu giày F6 mà Hiệp dành nhiều tâm huyết thiết kế

Chàng CEO trẻ tuổi lên kế hoạch nâng số cửa hàng lên thành 27 cửa hàng trong năm 2018. Bên cạnh sản phẩm chủ lực là sandals sẽ có thêm sneakers, nón, phụ kiện… Trong đó, sandals sẽ thật nhẹ, thật êm, như chính slogan của SHONDO – “light step, high spirit”.

SHONDO – vẫn là SHAT nhưng chất hơn

Cố rồi mà chưa đạt thì thực ra bạn vẫn chưa cố gắng hết sức

4 năm không phải quãng thời gian quá dài nhưng cũng đủ để khẳng định niềm đam mê, quyết tâm vượt khó, vươn lên và thành công của Trần Phạm Thông Hiệp.

Hiệp nói đùa: “Em sợ nhiều thứ trên đời lắm, sợ ma, sợ độ cao, sợ chết, chỉ có thất bại và nợ là em không sợ thôi”.

Nhưng ẩn sau câu nói đùa đó là một chàng trai giỏi giang và đầy nghị lực để chọn cho mình một hướng đi rất riêng trong thị trường thời trang.

“Nếu muốn khởi nghiệp, trước hết hãy tập trung vào sản phẩm. Sau khi “sống” được, doanh nghiệp sẽ gặp vấn đề về xây dựng hệ thống, hãy tìm người có kinh nghiệm làm cố vấn.

Nếu cảm thấy mình đã cố gắng hết sức rồi mà vẫn chưa đạt được kết quả, thì thực ra bạn vẫn chưa cố gắng hết sức đâu. Khả năng của con người là không giới hạn, thử thách là thứ giúp con người phát triển”, Hiệp nhắn nhủ những ai có đang khát vọng tìm cho mình con đường đi riêng.

Nhật Tân

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nhan-doanh-nghiep/ceo-thuong-hieu-shat-tu-sinh-vien-bo-hoc-den-ong-chu-tram-ti-3091.html