CEO Thế giới số (DGW) Đoàn Hồng Việt tiết lộ về 2 mục tiêu M&A

Bên lề Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 vừa diễn ra, ông Đoàn Hồng Việt, Tổng giám đốc (CEO) Công ty cổ phần Thế giới số (DGW) cho biết, DGW đã đặt hàng các công ty tư vấn tìm kiếm và đang xem xét 2 mục tiêu M&A.

Có thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) nào DGW có thể công bố với cổ đông trong năm nay không thưa ông?

Chúng tôi đặt hàng các nhà tư vấn và đang xem xét 2 thương vụ nhưng chưa hoàn thành nên chưa thể nói được. DGW luôn mở rộng nhìn các cơ hội đầu tư kinh doanh nhất là với các công ty kinh doanh các mặt hàng chúng tôi chưa làm hay có kênh phân phối DGW chưa có. Và mục tiêu của chúng tôi là mua thâu tóm.

Tăng trưởng 25% hàng năm có phải là thách thức với DGW?

DGW có kế hoạch tăng trưởng 25% mỗi năm trong vòng 10 năm. Năm nay thì tôi không thấy áp lực lắm vì quý I đặt kế hoạch là 4.500 tỷ đồng, thực hiện được 5.000 tỷ đồng, mà thông thường quý I chiếm 22 - 23% doanh thu năm.

Nếu năm nay đạt 20.000 tỷ đồng doanh thu thì sang năm phải tăng lên 25.000 tỷ đồng. Vậy 5.000 tỷ đồng đó ở đâu ra, là một áp lực.

Ông có đặt mục tiêu để DGW sẽ trở thành công ty có vốn hóa tỷ USD?

Theo lý thuyết của ông Warren Buffett, nếu tăng trưởng 25% mỗi năm thì sau 3 năm sẽ tăng gấp đôi. Như vậy, nếu nhập số liệu vào bảng exel, thì với vốn hóa hiện nay sau 6 năm Công ty đạt vốn hóa một tỷ USD. Kế hoạch tăng trưởng dài hạn là như thế, còn từng năm sẽ có những điều chỉnh phù hợp.

Nếu tăng trưởng 35% như mấy năm qua thì chưa cần đến 3 năm đã tăng gấp đôi. Nếu năm nay đạt 20.000 tỷ đồng doanh thu thì so với mức 12.500 tỷ đồng năm ngoái, tăng trưởng là bao nhiêu!

Trong tầm nhìn mà DGW đặt ra từ trước khi niêm yết có ghi rõ là trở thành công ty tỷ USD, không có số 1, không ghi là doanh thu hay vốn hóa thị trường mà nó chỉ nói lên tầm vóc của công ty.

Ông bình luận gì khi nhiều người nói giá cổ phiếu DGW cao quá?

Trong 5 năm trước, DGW đã tăng trưởng 35% mỗi năm nhưng không được nhận ra nên nó đã ở mức rẻ. Vì thế khi giá tăng mạnh, cổ phiếu càng gây chú ý. Với P/E trung bình của thị trường chứng khoán Việt Nam là 18 - 19 lần với tốc độ tăng trưởng của các công ty chỉ 5 - 7% mỗi năm trong khi DGW tăng trưởng 35 - 50% một năm.

Nhà đầu tư không để ý chỉ số PEG (so sánh giữa chỉ số P/E với tỷ số tăng trưởng EPS kỳ vọng). DGW trong 5 năm vừa qua tăng trưởng 35% mỗi năm. P/E là 20 chia cho 35 là 0,6 - 0,7 lần vẫn còn thấp.

(Theo lý thuyết khi chỉ số PEG nhỏ hơn 1 là có khả năng một công ty bị định giá thấp hoặc thị trường không kỳ vọng công ty đạt được tăng trưởng về thu nhập như dự báo –PV).

Về giá cổ phiếu tôi cho rằng, lợi nhuận tăng trưởng theo trục hướng lên thì giá cổ phiếu sẽ diễn biễn theo trục hình sin xung quanh trục đó, lúc nào giá nằm dưới trục đó hay vượt lên trên thì không thể biết được.

Ngành hàng Consumer Good (tiêu dùng nhanh) hiện chỉ chiếm 2% doanh thu của DGW, có chậm so với mục tiêu ban đầu?

Ngành hàng Consumer Good thực sự đi chậm hơn mục tiêu của Công ty đặt ra, dù nó tăng trưởng hơn năm mươi phần trăm. Nhưng vạn sự khởi đầu nan. Với ngành hàng mới mình còn phải chứng minh năng lực, đi tìm khách hàng, tìm kiếm sản phẩm mới. Khác với ngành hàng ICT thì người ta tìm mình.

Trong ngành Consumer Good, các nhà phân phối ở Việt Nam rất manh mún. Nên nhìn tỷ trọng 2% là nhỏ vì doanh thu ngành hàng ICT của DGW tăng mạnh, nhưng quy mô 300 tỷ đồng doanh thu thì cũng không hẳn bé lắm. Mảng này là lĩnh vực tiềm năng nhất để tăng trưởng.

Trong năm nay, DGW có ký kết phân phối thêm với nhãn hàng nào không thưa ông?

Trong lĩnh vực ICT có hai, ba nhãn hàng mới được ký trong năm nay.

Việc hợp tác với Huawei, một hãng đang bị Mỹ cấm vận có rủi ro gì cho DGW ?

Về xung đột của Huawei với Mỹ thì chúng tôi không thấy có rủi ro gì vì mảng DGW đang làm với Huwei là mảng consumer, thiết bị cuối chứ không phải thiết bị di động và nhà mạng. DGW là nhà cung cấp dịch vụ có việc làm, có doanh thu mới có chi phí, nếu Huawei được bán điện thoại thì tốt, nếu không thì DGW cũng không tốn chi phí khác.

DGW có kế hoạch bước sang thị trường các nước trong khu vực hay không?

Ngắn hạn thì chưa bởi thị trường Việt Nam còn rất tiềm năng, ngành hàng ICT quy mô 10 tỷ USD mà DGW đang làm có hơn 500 triệu USD thôi.

Một số nhà đầu tư rất không thích kiểu quản trị, công ty gia đình. Ở DGW thì cả anh và chị đều tham gia điều hành, có đáng ngại?

Có thuận lợi là mọi người hiểu nhau hơn. Còn vướng mắc thì giải quyết bằng cách phải phân chia trách nhiệm rõ ràng.

Trong Công ty, tôi phụ trách phát triển kinh doanh như đầu tư, kinh doanh mặt hàng nào, làm với ai.. Chị Trang (bà Tô Hồng Trang, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc DGW là vợ ông Việt –PV) lo phát triển tổ chức, văn hóa doanh nghiệp cộng đồng. Còn chị Phương (bà Đặng Kiện Phương, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc DGW là một thành viên sáng lập ) lo về quản trị, tài chính. Phân chia công việc rõ ràng và mọi người phối hợp với nhau tốt.

Về nguy cơ cạnh tranh, nghe nói bên Thế giới di động có dự định phân phối luôn cho các cửa hàng nhỏ lẻ. Ông có coi đây là một nguy cơ cạnh tranh?

Tôi nghĩ mỗi người có một chuyên môn của mình. Nếu họ làm như thế thì đâu đó lại ngược lại với mảng bản lẻ của họ. Thế giới di động là một công ty rất open mind (thuật ngữ chỉ sự cởi mở, sẵn sàng tiếp thu cái mới - PV). Họ đặt lên bàn tất cả các cơ hội, kể cả là khác thường nhất, để xem xét và họ chỉ làm khi được thử nghiệm tốt. Nếu họ vào ngành, mang đến giá trị tốt hơn thì cũng là bình thường.

Thế đối thủ cạnh tranh của DGW trong ngành hàng tiêu dùng là ai?

Có DKSH là công ty của Thụy Sỹ ở Việt Nam doanh số của họ gần 1 tỷ USD, trong khi mình mới 300 tỷ đồng.

Vì sao ông lại chọn vị trí CEO thay vì ngồi chức Chủ tịch HĐQT trong công ty?

Tôi thấy mô hình quản trị của các công ty trên thế giới thì CEO mới là người quan trọng nhất, là người dẫn dắt định hướng phát triển công ty. Đối với tôi CEO là người quan trọng.

Thu Hương

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ceo-the-gioi-so-dgw-doan-hong-viet-tiet-lo-ve-2-muc-tieu-m-a-post266289.html