CEO Tập đoàn Dệt may: Sản xuất những mặt hàng chưa bao giờ làm

Gửi tâm thư đến cán bộ, nhân viên tập đoàn, CEO Vinatex cho biết ưu tiên số một là đảm bảo sức khỏe người lao động, không ai mất việc làm, doanh nghiệp không phá sản.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường vừa gửi một bức tâm thư tới toàn bộ cán bộ công nhân viên để chia sẻ và động viên cùng vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo CEO Trường, Vinatex có hơn 120.000 nhân sự, quỹ chi lương khổng lồ mỗi tháng, đang đứng trước những rủi ro lớn khi nhiều khách hàng đã hủy, tạm hoãn đơn hàng từ nửa cuối tháng 3. Nếu dịch không sớm bị chặn lại, chắc chắn các doanh nghiệp với trên 90% sản lượng cho xuất khẩu của Vinatex sẽ không khỏi ảnh hưởng.

Trước mắt, hầu hết doanh nghiệp thành viên thiếu 30-50% việc trong tháng 4 và 5.

 Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường. Ảnh: Vinatex.

Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường. Ảnh: Vinatex.

Do lượng nhân sự đông đảo, chỉ cần 3 tháng không có việc làm, mà vẫn duy trì trả lương cho toàn bộ lực lượng lao động, thì các doanh nghiệp dệt may sẽ hết vốn.

“Làm thế nào để doanh nghiệp không phá sản, người lao động không mất việc? Đó là một thách thức chưa có tiền lệ đặt ra cho Vinatex do khủng hoảng của đại dịch Covid-19”, ông Trường mở đầu bức thư của mình.

Vị này mong muốn toàn bộ các doanh nghiệp thành viên, người lao động, lãnh đạo cùng “nắm tay nhau vượt qua cơn bão”. Hiện tại ưu tiên số một là đảm bảo sức khỏe người lao động, không ai mất việc làm, không ai bị sa thải, doanh nghiệp không phá sản.

Ông Trường chia sẻ, lúc này đội ngũ lãnh đạo đang ngày đêm vắt óc suy nghĩ, trăn trở tìm kiếm các hợp đồng trong cơn bão hủy hợp đồng, sáng tạo các phương án tài chính khả thi để bổ sung các nguồn trang trải lương cho người lao động.

Ngoài ra, Vinatex đang tổ chức lại sản xuất để cho dù hàng thiếu, việc không nhiều, thì máy vẫn chạy, công nhân vẫn có việc.

Một trong những cách để doanh nghiệp này bám trụ là sản xuất những mặt hàng chưa bao giờ làm như khẩu trang phòng dịch, tiến tới là khẩu trang y tế, quần áo phòng dịch, quần áo dành cho bệnh viện và y bác sĩ. Những sản phẩm mới này vừa kịp thời phục vụ xã hội nhưng cũng là một phần nhỏ bù đắp thiếu hụt đơn hàng.

Ngành dệt may đưa ra giả thiết nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5 và kinh tế phục hồi từ tháng 6, ước tính ngành thiệt hại 11.000 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Hà.

Cuối thư, vị này cho biết khủng hoảng chính là lúc doanh nghiệp nhìn lại và củng cố triết lý kinh doanh của mình. Cái tâm sẽ luôn là điều quan trọng nhất trong kinh doanh. Nếu cái tâm trong sạch, công việc kinh doanh sớm muộn cũng sẽ ổn định trở lại.

Ông nhấn mạnh người lao động nhìn thấy cái tâm và sự yêu thương chân thành của doanh nghiệp với họ thì sẽ sẵn sàng cùng chia sẻ với doanh nghiệp - doanh nhân trong thời điểm khó khăn, bởi họ tin ở tương lai và tin ở văn hóa nhân văn của doanh nghiệp.

“Họ tin “gái có công, chồng chẳng phụ” để cùng doanh nghiệp xây dựng tương lai tươi sáng hơn sau khủng hoảng”, vị này chia sẻ.

Trước đó, ngành dệt may đưa ra giả thiết nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5 và kinh tế phục hồi từ tháng 6, ước tính ngành thiệt hại 11.000 tỷ đồng, trong đó Vinatex thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.

Dự kiến 30-50% lao động thiếu việc làm trong khoảng tháng 4-5, gây thiệt hại lên đến hơn 5.000 tỷ cho toàn ngành và nếu tình hình kéo dài, ngành sẽ thiệt hại tới 3.000 tỷ đồng/tháng.

Bên cạnh đó, ngành dệt may nhập khẩu khoảng 1,5 tỷ USD nguyên liệu/tháng. Trong trường hợp khách hủy 20% đơn hàng thì toàn ngành sẽ có 300 triệu USD vật tư đã nhập về nhưng không được sử dụng, tiềm ẩn thành hàng tồn kho khó luân chuyển.

Hiếu Công

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ceo-tap-doan-det-may-san-xuat-nhung-mat-hang-chua-bao-gio-lam-post1067918.html