CEO Sokfarm: Thần Dừa đã độ trên con đường khởi nghiệp mang mật hoa dừa vượt biên giới

CEO của Sokfarm Phạm Đình Ngãi, người vừa được xướng tên giành giải nhất trong cuộc thi 'Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2020' đã có buổi trò chuyện với Doanh nghiệp Việt Nam. Những trăn trở về khai thác mật hoa dừa và chặng đường khởi nghiệp mang mật hoa dừa Sokfarm ra khỏi biên giới Việt Nam.

Hai vợ chồng Phạm Đình Ngãi và Chal Thi khởi nghiệp với nghề khai thác mật hoa dừa, nghề truyền thống đã bị mai một của người Khmer.

Hai vợ chồng Phạm Đình Ngãi và Chal Thi khởi nghiệp với nghề khai thác mật hoa dừa, nghề truyền thống đã bị mai một của người Khmer.

Chào Phạm Đình Ngãi, lời đầu tiên chúc mừng anh đã giành chiến thắng trong cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2020”, anh có thể chia sẻ thêm về sự ra đời của Sokfarm cho độc giả của Doanh nghiệp Việt Nam được tường tận được không?

Anh Phạm Đình Ngãi: Chào chị, cảm ơn sự động viên của chị. Nghe giọng thì chị cũng biết rồi, quê gốc mình ở Quảng Ngãi, nhưng cha mẹ di dân xuống xứ nước nổi Đồng Tháp để sống, và cơ duyên đưa đẩy, mình quen vợ mình, người con gái Khmer chân chất sống tại Tiểu Cần, Trà Vinh. Kết quả của những lần “xê dịch” đó, hiện nay mình sống và lập nghiệp tại Trà Vinh.

Trước khi khởi nghiệp với Sokfarm, Ngãi có thời gian làm cho một doanh nghiệp nước ngoài, rồi đi học thạc sĩ, sau đó làm giảng viên ở trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng. Làm được hơn 3 năm rồi nghỉ việc về làm cho 1 công ty khởi nghiệp ở Tiền Giang.

Năm 2018 bắt đầu về lại Trà Vinh đồng hành với Chal Thi, bà xã mình, và bắt đầu dự án Sokfarm. May mắn hơn các bạn khác, chắc có lẽ là mình đã chọn được “cộng sự” quá ăn ý trong quá trình khởi nghiệp, vì bà xã vốn là Thạc sĩ ngành Công nghệ Thực phẩm tại Đại học Bách Khoa và đi làm bán hàng nguyên liệu thực phẩm cho 1 công ty chuyên nhập hàng từ nước ngoài về và phân phối trong Việt Nam. Chính vì vậy, nên Thi biết rất nhiều về mảng nguyên liệu và các mối quan hệ trong ngành.

Vốn xuất thân là một người con của gia đình nông dân, đầu năm 2018 chứng kiến cảnh giá bán trái dừa khô bấp bênh quá, thôi thúc bà xã mình phải tìm một hướng đi mới, một sản phẩm gì đó giúp tăng giá trị kinh tế cho cây dừa.

Chưa kể, những trăn trở về nền nông nghiệp được mùa mất giá được giá mất mùa, lại là động lực để những người trẻ như chúng tôi, phải áp dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống. Phải tìm một hướng đi mới để nâng cao giá trị cho cây dừa quê mình, nơi được mệnh danh có sản lượng dừa đứng thứ 2 của Việt Nam với hơn 25.000 hecta trồng dừa.

Sau mấy tháng tìm hiểu thì bà xã Ngãi phát hiện ra ở những đất nước như Phillipines, Thái Lan họ có ngành nghề thu mật hoa dừa, quay về Việt Nam thì thấy chưa ai làm nên hai vợ chồng quyết định bỏ việc để nghiên cứu và thực hiện dự án chế biến sản xuất các sản phẩm từ mật hoa dừa mang thương hiệu Sokfarm.

CEO của Sokfarm Phạm Đình Ngãi.

Tại sao lấy tên công ty là Sokfarm, và thông điệp Ngãi muốn gửi đến người tiêu dùng là gì?

Sok trong tiếng Khmer có nghĩa là hạnh phúc, và Sokfarm mang ý nghĩa là nông nghiệp hạnh phúc. Team mong muốn tạo ra một chuỗi giá trị nông nghiệp hạnh phúc từ những người nông hộ trồng dừa, đến nhà máy sản xuất, thương lái và người tiêu dùng đầu cuối. Ai cũng sẽ hạnh phúc trên hành trình giới thiệu những sản phẩm đặc sản vùng miền, thực phẩm sạch, tốt cho người tiêu dùng mà nông dân lại có thêm giá trị kinh tế bền vững.

Sologan mà Sokfarm chọn đó là món quà từ thiên nhiên, với ý nghĩa chúng tôi xem sản phẩm là một món quà tuyệt vời của mẹ thiên nhiên và nhiệm vụ của chúng tôi phải san sẻ món quà này đến với nhiều người tiêu dùng hơn nữa. Và thông qua sản phẩm chúng tôi muốn truyền tải một thông điệp về yêu thiên nhiên, bảo vệ mẹ trái đất và lan tỏa những giá trị tốt đẹp.

Quyết tâm khởi nghiệp với một ngành mật hoa dừa mới lạ như vậy tại Việt Nam, chắc chắn hai bạn đã gặp không ít khó khăn? Và Ngãi đã thuyết phục gia đình cũng như mọi người như thế nào trong những ngày đầu khởi nghiệp để tạo ra một Sokfarm như hiện nay?

Như chị nói, thời gian đầu, Sokfarm gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn nhất vẫn là kỹ thuật thu mật từ hoa dừa, vì đây là một ngành mới ở Việt Nam nên chúng tôi mất 6 tháng với nhiều lần thử sai, đi học hỏi kinh nghiệm ở Thái Lan, Campuchia, An Giang chúng tôi mới kiểm soát được tốt kỹ thuật thu mật từ hoa dừa. Cộng vào đó, tính chất của sản phẩm này lên men liên tục, nên Thi phải làm nghiên cứu rất nhiều để vẽ được một đồ thị về bản chất của sản phẩm.

Sau khi thấy được tiềm năng của sản phẩm, chúng tôi bắt tay vào thực tế thu mật hoa dừa. Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất, vì lúc đầu nông hộ khu vực xung quanh vẫn không tin vào mô hình và còn nói vào nói ra, nhưng may mắn của team là gia đình luôn ủng hộ sự sáng tạo này và hỗ trợ rất nhiều trong việc cho phép thử nghiệm trên chính mảnh vườn của gia đình.

Khó khăn tiếp theo là sản phẩm còn quá mới với người tiêu dùng, và team phải dành rất nhiều thời gian để tư vấn cho khách hàng hiểu về sản phẩm cũng như những công dụng của sản phẩm. Nhưng cũng chính vì sản phẩm rất mới mẻ, rất lạ nên đã đánh vào đúng tâm lý tò mò của khách hàng, nên trong cái khó khăn luôn có cái thuận lợi.

Tuy nhiên, để có thể hái được những quả ngọt từ “mật hoa dừa” ngoài những khó khăn trên, hai vợ chồng mình còn gặp rất nhiều “áp lực vô hình”. Trong 2 tháng đầu tiên của năm 2018, chúng tôi làm công đoạn tìm hiểu thị trường, tìm hiểu sản phẩm và nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới. Và khi đi sâu vào thực tế và tìm hiểu thì chúng tôi lại vỡ òa khi biết được đây còn là một ngành nghề truyền thống của người Khmer xưa, đã bị thất lạc rất lâu. Điều này càng cho chúng tôi quyết tâm phải nghiên cứu và dấn thân vào để một phần như khôi phục lại ngành nghề truyền thống địa phương.

Sau khi đã có nguyên liệu rồi thì chúng tôi mất thêm 6 tháng nữa để nghiên cứu bản chất của sản phẩm, và làm sản phẩm mẫu thử test thị trường. Sau khi mọi thứ đã ổn thì cái tên Sokfarm ra đời, chúng tôi bắt tay vào xây dựng nhà máy và thương hiệu, đến tháng 09/2019 những sản phẩm mật hoa dừa đầu tiên mang thương hiệu Sokfarm được giới thiệu đến tay người tiêu dùng trong nước. Và không thể không nhắc đến sự tin tưởng và hậu thuẫn vững chắc đến từ hai gia đình của chúng tôi.

Khai thác mật hoa dừa đã cho những giá trị kinh tế cao.

Quy trình lấy mật và cách thức đóng gói hoàn chỉnh cho đến thành phẩm của Sokfarm hiện nay như thế nào? Tôi có nghe Ngãi chia sẻ về câu chuyện cảm ơn hoa trong quá trình lấy mật?

Kỹ thuật quan trọng nhất của ngành này đó là kỹ thuật mat-xa hoa, người thợ phải chọn đúng độ tuổi của hoa để thu mật, vì nếu hoa non quá hoặc già quá sẽ không cho lượng mật như mong muốn và hằng ngày 2 lần, người thợ sẽ leo lên cây dừa để tiến hành mat-xa và cắt mặt mới để thu mật hoa dừa.

Ông bà xưa có câu nói “quen hơi tay”, khoa học thì chứng minh bằng sự giao tiếp của con người và cây cối bằng sóng âm. Ở Sokfarm mỗi hoa dừa, cây dừa đều được những người thợ chăm sóc và yêu thương rất đặc biệt. Mỗi ngày khi hoa dừa cho mật nhiều thì người thợ đều cám ơn hoa dừa và thủ thỉ với hoa, và những hôm cho mật ít cũng giận hờn trách móc.

Mật sau khi thu được từ hoa, sẽ được vận chuyển về nhà máy cô đặc lại bằng công nghệ cô đặc chân không trong quy trình 1 chiều từ đầu vào đến đầu ra đạt tiêu chuẩn ISO22000:2018 và HACCP. Từ 8 lít mật nguyên liệu, sau quá trình cô đặc chúng ta sẽ thu được 1 lít mật thành phẩm.

Sokfarm còn có chương trình tour tham quan dành cho khách trải nghiệm? Việc này được hai bạn thực hiện như thế nào?

Thi và Ngãi cùng khởi nghiệp trên cây của ông bà trồng trên đất ông bà nên team cũng mong muốn mang những nét đặc sắc văn hóa bản địa vào trong thương hiệu và sản phẩm. Và từ đó, khu vườn 2 hectar được team xây dựng lại để phục vụ cho đối tác và khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm mô hình thu mật thực tế tại farm.

Khi đến với farm, khách hàng sẽ được tìm hiểu thêm về một ngành nghề mới ở Việt Nam, tận tay thực hành mat-xa hoa dừa để thu mật, trải nghiệm những sản phẩm của Sokfarm. Và đặc biệt nhất đó là được hòa mình vào một không gian thiên nhiên, nơi đậm nét văn hóa Khmer và trải nghiệm sâu sắc hơn về mô hình nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tái sinh tại farm. Giá vé team dự kiến áp dụng cho khách tham quan theo đoàn là 25.000 VNĐ/du khách.

Thành công từ cuộc thi sẽ mở ra con đường phía trước sáng lạn hơn, Ngãi và team Sokfarm sẽ tiếp tục hành trình phía trước như thế nào? Và cái được lớn nhất từ sau cuộc thi là gì? Ngãi có lời nhắn nhủ nào đến với những bạn trẻ cũng trên con đường muốn “khởi nghiệp” hay không?

Thật sự mà nói, đến giờ cảm giác của Ngãi vẫn lâng lâng, và thật sự biết ơn rất rất nhiều anh chị em, bạn bè, đối tác đã đồng hành cùng Sokfarm trong suốt thời gian qua.

Cám ơn nhà máy vẫn sáng đèn hằng đêm, nơi các anh chị em công nhân và các anh thu mật yêu mật hoa dừa và luôn mong muốn cho sản vật quê nhà mình được đi thật xa và nhiều khách hàng biết đến sản phẩm, đặt tình yêu và sự hạnh phúc vào trong từng khoảnh khắc đồng hành cùng Sokfarm. Và cám ơn rất nhiều đội sale thiện chiến đang chiến bên hội chợ ở Cần Thơ, lan tỏa sản phẩm và tìm doanh thu về để vận hành nhà máy.

Và cuối cùng là cám ơn thần dừa, đã độ cho team Sokfarm trên con đường làm cầu nối vượt thời gian cho ngành nghề truyền thống của người Khmer, một ngành nghề bền vững từ kế sinh nhai cho người dân địa phương mình, tính bên vững về môi trường thiên nhiên, phù hợp biến đổi khí hậu ngập mặn Miền Tây và tính bền vũng cho xu thế người tiêu dùng trong những năm sắp tới.

Cái được lớn nhất từ cuộc thi đó là sự kết nối, sự trưởng thành về tư duy và sự tự tin vào con đường thực phẩm sạch mà mình đang đi trên đó. Các dự án đều là người chiến thắng trong cuộc thi này, vì khi các bạn đứng trên sân khấu để nói với Ban giám khảo và thế giới về dự án của mình thì mình đã là người chiến thắng, chiến thắng bản thân và chiến thắng ước mơ của đời mình.

Cuộc chiến lớn nhất mà team Sokfarm nghĩ vẫn là thị trường, đó mới là cuộc chiến mà mỗi dự án phải chiến thắng để tồn tại và phát triển. Và khi chúng ta kết nối lại, chia sẻ và đồng lòng lại thì cuộc chiến đó của chúng ta sẽ được dễ dàng hơn và bền vững hơn. Đây là điều mà team Sokfarm mong chờ nhất sau khi cuộc thi kết thúc. Team Sokfarm sẽ là người xung phong và nhiệt thành trong khả năng nhỏ bé của mình để hỗ trợ anh chị em nhà mình trong hệ sinh thái này.

Và nếu có một lời nhắn nhủ, thì team Sokfarm mong muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ, hãy ước mơ lớn và bắt đầu từ những việc nhỏ. Hãy lên kế hoạch lâu dài nhưng bắt đầu từ hôm nay. Hãy mang lòng trắc ẩn những bắt đầu bằng những hành động cụ thể. Vì mọi thứ luôn bắt đầu từ nhỏ cho một kế hoạch lớn, bắt tay vào làm rồi chúng ta sẽ lớn trên từng hành trình bước đi.

Cảm ơn Ngãi vì cuộc trò chuyện này!

Hồ Ngọc (thực hiện)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doanh-nhan/chan-dung/ceo-sokfarm-than-dua-da-do-tren-con-duong-khoi-nghiep-mang-mat-hoa-dua-vuot-bien-gioi/20201128033557507