CEO Mỹ bị chỉ trích khi sống xa hoa mặc 14.000 nhân viên mất việc

Khi công ty Neiman Marcus tuyên bố phá sản, 14.000 nhân viên mất việc, Geoffroy van Raemdonck nhận mức thưởng 10 triệu USD và khoe khoang dinh thự nguy nga của mình ở Dallas.

Ngành dầu mỏ bùng nổ tại Texas đã giúp trung tâm thương mại Neiman Marcus ở thành phố Dallas trở thành hãng bán lẻ đồ xa xỉ hàng đầu của Mỹ. Thế nhưng, sau một thế kỷ, Covid-19 lại khiến Neiman Marcus chìm trong nợ nần và phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào đầu tháng 5 vừa qua.

Trong khi hàng loạt cửa hàng bị đóng cửa, hơn 14.000 nhân viên buộc phải thôi việc, Neiman Marcus lại gây tranh cãi vì những ưu đãi đặc biệt dành cho nhóm giám đốc điều hành cấp cao của công ty.

 CEO Neiman Marcus Geoffroy van Raemdonck.

CEO Neiman Marcus Geoffroy van Raemdonck.

CEO Geoffroy van Raemdonck, người được ca ngợi đã đưa nhà bán lẻ thoát khỏi nguy cơ phá sản bằng cách giúp công ty cắt giảm hàng trăm triệu chi phí, có khả năng nhận được khoản thưởng lên tới 6 triệu USD, cao hơn 4 triệu USD mà ông kiếm được hồi đầu năm, theo NY Post.

Những khoản thưởng lớn khiến các nhân viên bị sa thải và cả những người đang làm việc nhưng bị giảm lương, phải thắt lưng buộc bụng bức xúc.

Các nhân viên chỉ ra lâu này ban giám đốc điều hành của Neiman Marcus còn nhận nhiều đặc quyền khác như được chi trả toàn bộ chi phí chăm sóc sức khỏe không được bảo hiểm sức khỏe của công ty chi trả.

Riêng CEO Geoffroy van Raemdonck, Giám đốc nhân sự Eric Severson cùng khoảng 8 giám đốc điều hành hàng đầu khác và gia đình của họ còn được công ty chi trả các dịch vụ chỉnh nha đắt tiền.

Neiman Marcus nộp đơn xin phá sản vào đầu tháng 5.

"Geoffroy không trả bất kỳ khoản tiền nào cho bản thân và gia đình. Lẽ ra ông ta nên loại bỏ những đặc quyền này để tiết kiệm tiền. Ông ấy là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành và chỉ biết đặt bản thân lên hàng đầu", một nhân viên giấu tên phàn nàn.

Tháng 9, Geoffroy cũng trở thành tâm điểm chỉ trích khi khoe dinh thự ở Dallas cùng những tủ đồ chứa đầy đồ cổ quý hiếm và các tác phẩm nghệ thuật của Andy Warhol khi công ty đang gặp khủng hoảng và hàng nghìn nhân viên bị buộc thôi việc.

Geoffroy từ chối bình luận về những lùm xùm xung quanh vấn đề lương thưởng và việc công khai dinh thự nguy nga của mình trong thời điểm nhạy cảm.

Còn về phía Neiman Marcus, dù từ chối trả lời khiếu nại của nhân viên vào cuối tháng 10 và phủ nhận mọi xung đột lợi ích, công ty cho biết họ có thể cắt bỏ chương trình bảo hiểm y tế gây tranh cãi cho giám đốc điều hành và các quan chức cấp cao trong thời gian tới.

Lê Vy

Ảnh: Getty

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ceo-my-bi-chi-trich-khi-song-xa-hoa-mac-14000-nhan-vien-mat-viec-post1164023.html