CEO Mai Kiều Liên: 'Phải một năm nữa Vinamilk mới về lại biên lợi nhuận trước dịch'

Trong 3 năm qua, mặc dù doanh thu vẫn duy trì ở mức trên dưới 60.000 tỷ đồng nhưng lãi ròng của Vinamilk liên tục sụt giảm. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí tăng. Lãnh đạo công ty kỳ vọng biên lợi nhuận năm nay sẽ tốt hơn nhưng chưa thể về mức trước dịch.

Vinamilk tổ chức ĐHĐCĐ qua hình thức trực tuyến.

Vinamilk tổ chức ĐHĐCĐ qua hình thức trực tuyến.

Sáng 25/4, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2023. Năm 2023, công ty đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 63.380 tỷ đồng, tăng 5,5% so với thực hiện năm 2022; lợi nhuận đi ngang ở mức 8.514 tỷ đồng.

HĐQT đề xuất giữ nguyên mức trả cổ tức bằng tiền năm 2022 đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 lên kế hoạch là 3.850 đồng/cổ phần. Đối với năm 2023, Vinamilk đề xuất kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền năm 2023 tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất phân bổ cho chủ sở hữu của công ty.

Thông tin về kết quả kinh doanh quý 1/2023, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên cho biết, lợi nhuận quý đầu năm sụt giảm so với cùng kỳ do giá vốn ở mức cao. Trong khi đó, quý 1/2022, VNM được hưởng lợi nhờ giá nguyên vật liệu thấp từ năm 2021.

Nhìn lại năm 2022 với lợi nhuận giảm gần 20% trong khi doanh thu chỉ giảm 2% so với năm trước, nữ CEO chia sẻ, trong quá trình hoạt động 47 năm của Vinamilk, chưa bao giờ giá nguyên liệu tăng cao từ 30%, thậm chí có nguyên liệu tăng 50%. Nguyên nhân là do xung đột địa chính trị, chi phí vận chuyển tăng 5-6 lần.

“Tất cả vấn đề này đã ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành của Vinamilk nhưng công ty không thể chuyển hết chênh lệch đó vào giá bán do thế giới và Việt Nam đều khó khăn. Sữa là sản phẩm thiết yếu nên để đảm bảo quyền lợi và chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong thời kỳ lạm phát, Vinamilk chỉ tăng giá bán 3%. Việc tăng giá này không đủ bù việc giá nguyên vật liệu tăng cao nên lợi nhuận giảm”, bà Mai Kiều Liên chia sẻ và nhận định đây là hướng đi đúng đắn của Vinamilk.

Với năm 2023, lãnh đạo VNM nhận định, xu hướng giá nguyên vật liệu đã giảm nên có thể kỳ vọng biên lợi nhuận sẽ tốt hơn năm ngoái.

Theo bà Liên, giá nguyên vật liệu có xu hướng giảm nhưng tới tháng 4, trên sàn đấu giá quốc tế, giá sữa bột tăng rất mạnh trở lại. Còn giá sữa tươi nguyên liệu, năm nay Vinamilk cũng đã tăng lên 7% do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng rất cao.

“Giá nguyên vật liệu phụ thuộc tình hình của thế giới nên vấn đề là Vinamilk làm sao nắm bắt để chốt được vào thời điểm tốt nhất. Công ty sẽ cố gắng giảm chi phí, tăng doanh thu thì biên lợi nhuận sẽ tốt hơn. Để đạt được biên lợi nhuận như trước Covid-19 thì phải một năm nữa”, Tổng giám đốc VNM chia sẻ.

Để cải thiện biên lợi nhuận, VNM dự kiến tăng giá bán từ 3 - 5% tùy mặt hàng. “Hiện nay sức mua của người tiêu dùng, đặc biệt là thị trường xuất khẩu dệt may, thủy sản ảnh hưởng rất lớn đến sức mua ở khu vực miền Tây nên nếu tăng cao hơn nữa sẽ ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Vì vậy công ty chỉ tăng theo tỷ lệ lạm phát”, bà Liên khẳng định.

Về tình hình đầu tư và mở rộng sản xuất, lãnh đạo Vinamilk cho biết, trang trại ở Lào đã đi vào hoạt động, có 1.000 con bò và đã bắt đầu vắt sữa. Trong năm nay, trang trại sẽ bổ sung thêm 7.000 con bò. Đối với 8.000 bò này thì lượng sữa nếu chạy hết công suất thì tương đương một trang trại Green Farm ở Tây Ninh, khoảng 100 tấn sữa tươi/ngày trong tổng số 1,1 triệu lít sữa tươi Vinamilk tự sản xuất và thu mua của bà con nông dân.

Nhà máy sữa Vinamilk ở Campuchia đã có lợi nhuận từ lâu và hiện đang tăng trưởng rất tốt. Đây là nhà máy sữa đầu tiên của Campuchia có sản phẩm phục vụ người dân bản địa.

Tại Philippines, VNM liên doanh với đối tác Del Monte ra sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng Philippines để xuất khẩu, khi nào thị trường đủ lớn công ty sẽ xây dựng nhà máy và trang trại bò tại quốc gia này.

Đối với mảng sản xuất thịt với đối tác Nhật, Vinamilk đã thí nghiệm về chế độ ăn uống, phương thức chăn nuôi. Tổng kết đợt thí nghiệm 20 lứa đầu tiên có kết quả khả quan. Chất lượng thịt được người tiêu dùng chấp nhận, đảm bảo theo tiêu chuẩn Nhật; biên lợi nhuận tốt. Bà Mai Kiều Liên chia sẻ, đây là dự án tuy không lớn nhưng tận dụng lợi thế sẵn có của Vinamilk.

Năm 2022, lợi nhuận Vinamilk giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2016. Còn kể từ năm 2017 đến nay thì đây là lần đầu tiên chỉ tiêu này xuống dưới mốc 10.000 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp ở mức 39,8%.

Thời điểm trước dịch Covid-19, biên lợi nhuận gộp của VNM duy trì ở mức 47%. Năm 2020 giảm xuống 46% và năm 2021 xuống còn 43%.

Thanh Ba

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/ceo-mai-kieu-lien-phai-mot-nam-nua-vinamilk-moi-ve-lai-bien-loi-nhuan-truoc-dich-post20877.html