CEO lớn Hàn Quốc điều hành kinh doanh hiệu quả từ... trong tù

Chuyện vào tù của các CEO thuộc nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc những năm gần đây ngày càng trở nên phổ biến, do các scandal lạm dụng quyền lực, tranh đấu nội bộ, hối lộ. Chuyện lạ là CEO lớn Hàn Quốc ngồi tù không kể hành vi và tuổi tác, qua song sắt vẫn điều hành tập đoàn kinh doanh hiệu quả và thậm chí, không ít 'phạm nhân CEO' khiến người đứng đầu Hàn Quốc phải 'tiến thoái lưỡng nan'.

Vào tù vì túi hạt mắc ca và cả khi CEO đã đến tuổi 95

Cách đây hơn 3 năm, bạn đọc hẳn còn nhớ câu chuyện về “cơn lôi đình” của Cho Hyun Ah, con gái Chủ tịch tập đoàn Korean Air, đồng thời kiêm Phó Chủ tịch Hãng Hàng không Korean Air.

Chỉ vì nhân viên phục vụ không đổ hạt mắc ca ra đĩa cho "hành khách đặc biệt" Cho Hyun Ah, phi công đã bị vị CEO này ép buộc cho máy bay quay trở lại điểm xuất phát ở sân bay Kennedy, trong khi chuyến bay số hiệu KE086 của hãng hàng không Korean Air đang thực hiện lộ trình từ Sân bay quốc tế Kennedy, New York, Mỹ về Incheon, Hàn Quốc.

CEO Hyun Ah cúi đầu xin lỗi người dân Hàn Quốc. Nguồn: Reuters

CEO Hyun Ah cúi đầu xin lỗi người dân Hàn Quốc. Nguồn: Reuters

Hành vi ngang ngược này đã tạo làn sóng phẫn uất của dư luận Hàn Quốc - gọi Cho Hyun Ah là kẻ coi trời bằng vung, ỷ thế cậy quyền. Những lời xin lỗi muộn màng của Cho Hyun Ah không đủ xoa dịu và vị CEO nữ đã bị mất chức, chịu án phạt 1 năm tù giam vì tội vi phạm luật an toàn hàng không, cho dù đây là mức án nhẹ so với khung án phạt dành cho những tội danh Cho Hyun Ah vướng phải.

Cuối năm 2017, Chủ tịch Tập đoàn Lotte, ông Shin Dong Bin, 95 tuổi đã bị Tòa án Trung tâm Seoul kết án 4 năm tù vì tội biển thủ và lợi dụng tín nhiệm.

Việc kết án nhà điều hành tại tập đoàn lớn thứ 5 của Hàn Quốc này nằm trong số những động thái trừng phạt nghiêm khắc của Chính phủ Hàn Quốc đối với các tập đoàn kinh doanh khổng lồ hay các chaebol (công ty gia đình) trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Ông Shin Dong Bin đến hầu tòa. Nguồn: Bloomberg.

Tập đoàn được điều hành hiệu quả qua…song sắt

Tại Hàn Quốc, câu chuyện về những doanh nhân tỷ phú bị ngồi tù nhưng vẫn nắm giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng tại các tập đoàn lớn không có gì quá mới lạ. Trong hàng thập kỷ qua, những cái tên như vậy có thể kể đến như chủ tịch Samsung Group, SK Group và Huyndai Motor Group.

SK Group là tập đoàn đồng thời sở hữu SK Telecom Co., công ty viễn thông lớn nhất của Hàn Quốc và SK Hynix Inc, công ty sản xuất bộ nhớ - chip lớn thứ hai thế giới sau Samsung Electronics. Năm 2003, ông Chey Tae-won khi đó là Chủ tịch của Công ty cổ phần thuộc SK Group đã bị Hàn Quốc kết án về tội giao dịch bất hợp pháp và gian lận kế toán liên quan đến việc giải cứu một công ty liên kết gặp khó khăn. Vị thương gia là con rể của cựu Tổng thống Roh Tae-woo này chỉ phải ngồi tù 7 tháng rồi sau đó được ân xá.

3 năm sau đó, Sovereign Asset Management - một quỹ đầu tư nắm giữ 15% cổ phần SK Holdings đã tìm cách lật đổ ông Chey và cộng sự của ông nhưng vị chủ tịch này vẫn đứng vững nhờ vào một chiến dịch vận động hành lang toàn cầu và sự ủng hộ mạnh mẽ trong nước.

Tuy nhiên đầu năm 2013, ông Chey đã bị kết án 4 năm tù vì lấy của công quỹ 45 triệu USD cho tiêu dùng cá nhân. Nhưng tình cảnh phải sống sau song sắt nhà tù không làm suy yếu ảnh hưởng của ông Chey đối với SK Group, vốn có tới 80 công ty con do một Hội đồng điều hành.

Chủ tịch tập đoàn SK Chey Tae-won. Nguồn: Japanesetimes.

Các giám đốc điều hành của công ty con này gửi báo cáo hoạt động cho đội ngũ luật sư của ông Chey, những người được phép tự do tiếp xúc với thân chủ của mình trong tù. Vị chủ tịch sẽ rà soát các kế hoạch và đưa ra ý kiến chỉ đạo trong các cuộc họp kéo dài khoảng 15 phút, hai lần một tuần có sự tham dự của các giám đốc điều hành tại trại giam Uijeongbu.

Một trong những sự kiện đáng ghi nhớ trong thời gian điều hành tập đoàn qua song sắt nhà tù của ông Chey là ngày 1/8/2015, ông Chey đã làm thủ tục sáp nhập 2 công ty con trị giá 7,6 tỷ USD, giúp củng cố quyền kiểm soát của đại gia này đối với SK Group, tập đoàn kinh tế lớn thứ ba Hàn Quốc. Đại gia Chey với khối tài sản lên tới 1,9 tỷ USD không thể mở champagne ăn mừng sự kiện này khi đang trong hoàn cảnh bị cầm tù ở ngoại ô Seoul. Thêm một điều đặc biệt, mới thụ án được 17 tháng, phạm nhân Chey Tae-won đã được 1.778 khách vào thăm, trung bình 3 người mỗi ngày.

Năm 2017, danh sách CEO vào tù mà vẫn điều hành tập đoàn có thêm ông Lee Jae Yong, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung, với bản án 5 năm vì tội danh đưa hối lộ và khai man liên quan đến bê bối khiến bà Park Geun Hye bị mất ghế tổng thống và vào tù.

Ông Lee Jae Yong, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung bị bắt giam. Nguồn: Bloomberg.

Ông Lee bị cáo buộc chi 43 tỷ won (gần 38 triệu USD) cho hai tổ chức phi lợi nhuận và một công ty của bà Choi Soon Sil, bạn thân bà Park, để được chính phủ tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh. Ngoài ra ông còn bị cáo buộc biển thủ và giấu tài sản ở nước ngoài.

Tuy nhiên, việc ông Lee Jae Yong vào tù không làm doanh thu của Samsung sụt giảm. Năm 2017 được xem là năm kỷ lục lợi nhuận của Samsung. Một số nguồn tin cho rằng, ông Lee Jae-yong vẫn điều hành Samsung từ trong tù thông qua việc gặp gỡ với luật sưcũng như nhiều cuộc gặp gỡ qua điện thoại thông qua sự cho phép của các quản giáo trong trung tâm giam giữ.

Một ông trùm Hàn Quốc khác cũng gia nhập bảng xếp hạng tỷ phú đôla từng có thời gian ngồi tù và điều hành hiệu quả công ty qua song sắt, đó là ông Park Yen-cha - người xây dựng đế chế hơn 70.000 nhân viên gia công giày cho tập đoàn Nike. Công ty Taekwang Industrial của ông Park là đơn vị sản xuất giày cho thương hiệu Nike từ cuối những năm 1980. Ngoài mảng sản xuất giày, ông Park đang muốn chuyển hướng công ty thành mô hình tập đoàn – đế chế hoạt động trong nhiều mảng kinh doanh gồm cả sản xuất điện, phân bón và thậm chí quản lý cảng biển. Ông Park hiện nắm giữ khối tài sản 1,3 tỷ USD theo thống kê của Bloomberg.

Tỷ phú Park Yen-cha. Nguồn: Internet.

Trở thành tỷ phú nhờ sản xuất giày cho Nike không phải là nguyên nhân duy nhất khiến ông Park trở nên nổi tiếng. Gần 10 năm trước, ông Park là cái tên gây tranh cãi nhất trong vụ bê bối trị giá hàng triệu USD liên quan tới rất nhiều chính trị gia Hàn Quốc, bao gồm cả Cựu Tổng thống Roh Moo-hyun. Vị cựu Tổng thống này đã tự sát vào năm 2009 sau khi bị điều tra liên quan tới hàng loạt cáo buộc rằng các thành viên trong gia đình ông đã nhận hối lộ hàng triệu USD từ ông Park.

Trong năm 2011, ông Park bị tuyên án tù 30 tháng vì trốn thuế và hối lộ. Trong thời gian ngồi tù, Taekwang đã tuyển những quản lý chuyên nghiệp để điều hành công ty nhưng ông Park vẫn là người đưa ra những quyết định kinh doanh quan trọng, truyền đạt lại cho cấp dưới khi họ khi ghé thăm ông trong tù. Công ty này công bố tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 20% mỗi năm trong suốt giai đoạn ông Park ngồi tù.

Tổng thống Hàn Quốc không khỏi "tiến thoái lưỡng nan"

Chiến lược phát huy hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn của Chính phủ Hàn Quốc ngày càng "dung dưỡng" các hành động mờ ám, phi pháp của các CEO lớn.

Ân xá trước hạn tù luôn là một giải pháp được Tổng thống Hàn Quốc đưa ra nhằm giải cứu các CEO lớn. Bản thân Tổng thống Hàn Quốc trong nhiều nhiệm kỳ gần đây đều đối mặt với tình thế "tiến thoái lưỡng nan", bởi chính những tập đoàn lớn đang chi phối mạnh mẽ nền kinh tế nước này. 4 chaebol lớn nhất Hàn Quốc hiện nay chiếm khoảng 40% giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán của Hàn Quốc. Vai trò đầu tàu kinh tế của các tập đoàn lớn sẽ mất đi nếu CEO ở quá lâu trong tù.

“Phục hồi kinh tế đất nước và tạo việc làm cho xã hội” luôn là mục tiêu ưu tiên của Hàn Quốc nhằm tập hợp sức mạnh của các tập đoàn kinh tế. Đây là lý do tại sao, công chúng Hàn Quốc luôn bất bình bởi nhiều lãnh đạo chaebol dù đã bị kết án về tội biển thủ để chiếm dụng vốn nhưng chỉ phải nhận án treo hoặc được Tổng thống ân xá.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/van-hoa/ceo-lon-han-quoc-dieu-hanh-kinh-hieu-qua-tu-trong-tu-1320.html