CEO Lazada VN: 'Lazada sẽ làm thỏa mãn được những tài năng trẻ'

'Tôi muốn khuyên các bạn trẻ rằng cứ thử khám phá những công việc khác nhau tại Lazada và đi tìm nguồn cảm hứng cho chính mình', CEO Lazada Việt Nam nói.

Trẻ trung, cởi mở, chủ động là 3 ấn tượng đầu tiên khi gặp gỡ James Dong, người vừa được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc Lazada Việt Nam. Sở hữu thân hình cao ráo, gương mặt điển trai, James thu hút người đối diện bởi phong thái lịch sự, điềm đạm, giọng nói ấm áp, nhưng cũng rất quyết liệt khi trò chuyện.

Hẹn gặp gỡ Zing.vn tại phòng làm việc riêng trong giờ nghỉ trưa, người phụ trách Lazada tại thị trường Việt Nam và Thái Lan tiết lộ mình vừa kết thúc cuộc họp và đã có bữa trưa nhanh chóng để tiết kiệm thời gian cho công việc.

“Khi bạn yêu thích những gì đang làm, mỗi ngày sẽ là một chuyến phiêu lưu thú vị, mọi khó khăn chỉ như cơn gió thoảng”, ông giải thích. Đây cũng là một trong những quy tắc kinh doanh và điều duy nhất James muốn tìm thấy ở những nhân sự đã, đang và sẽ đồng hành với mình tại Lazada Việt Nam.

- Ông có thể chia sẻ với chúng tôi những thách thức mà ông đang đón nhận tại Lazada Việt Nam?

- Tôi đã có cơ hội đến thăm và làm việc tại hơn 20 quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Trước khi đến Việt Nam, tôi đã có khoảng thời gian hơn một năm sống và làm việc tại Thái Lan trên cương vị là Tổng giám đốc của Lazada Thái Lan. Vì vậy, có thể nói là tôi hiểu khá rõ về khu vực này.

Thương mại điện tử là một lĩnh vực rất lớn trên thị trường, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều thách thức đi đôi cùng cơ hội. Nếu phải nói đến thách thức, tôi nghĩ thách thức lớn nhất không chỉ với riêng Lazada mà còn với tất cả công ty thương mại điện tử khác, chính là thị trường Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển. Nếu nhìn vào tổng quan thị trường thì tỷ lệ thâm nhập mới chỉ dừng ở mức 2-3%, tính chung cho tất cả công ty thương mại điện tử hiện nay.

Không ít người hỏi tôi về tính cạnh tranh của thị trường. Tôi vẫn sẽ trả lời là còn quá sớm để kết luận, vì thị trường vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Điều mà các công ty thương mại điện tử nên quan tâm là tiếp tục đầu tư nâng cao cơ sở hạ tầng, phát triển trải nghiệm của người dùng... để phục vụ khách hàng, nhà bán hàng, nhãn hàng tốt nhất, qua đó, dần khuyến khích mọi người thay đổi thói quen và mua sắm trực tuyến nhiều hơn, thường xuyên hơn.

- Ông nói những điều trên không phải là thách thức riêng cho ông, cho Lazada, mà là thách thức cho cả nền thương mại điện tử. Vậy, đâu là thách thức khác biệt nhất của Lazada Việt Nam?

- Tôi nghĩ tại Việt Nam, nếu nói về người tiêu dùng, điều khác biệt nhất tôi quan sát được chính là nhu cầu của họ. Ở các quốc gia Đông Nam Á khác, nhu cầu số một của người tiêu dùng luôn là lợi ích từ sản phẩm, giá cả: Sản phẩm tốt đi kèm giá cả tốt là điều họ quan tâm nhất.

Nhưng tại Việt Nam, nếu bạn hỏi người tiêu dùng họ quan tâm gì, họ sẽ nói là “niềm tin”. Đây cũng là khía cạnh chúng tôi đã cố gắng hoàn thiện từ rất lâu.

“Niềm tin” không chỉ gói gọn trong những sản phẩm chính hãng, mà còn về dịch vụ và trải nghiệm cá nhân của người tiêu dùng trong quá trình giao nhận hàng, thanh toán, chăm sóc khách hàng…

Vậy nên, có thể bạn cũng biết, chúng tôi đã triển khai LazMall vào tháng 9/2018 - hệ thống gian hàng chính hãng lớn nhất Đông Nam Á với hơn 7.000 thương hiệu. Khi đến với LazMall, khách hàng có thể mua sắm các sản phẩm chính hãng 100%, được đổi trả dễ dàng trong vòng 15 ngày, và được giao hàng ngay ngày hôm sau.

Với đa dạng mặt hàng, chính sách xử lý đổi trả nhanh chóng cùng thanh toán tiện lợi, hình thức LazMall này đã tạo được đà tăng trưởng rất lớn cho Lazada trong suốt 13 tháng qua, đáp ứng được nhu cầu về “niềm tin” tại thị trường Việt Nam.

Tôi nhận thấy “niềm tin” chính là khác biệt lớn nhất, nhưng cá nhân tôi cũng không xem đó là một thách thức lớn. Chúng tôi đã biết được chính xác người tiêu dùng Việt Nam muốn gì, và “niềm tin” cũng là một thế mạnh mà Lazada sở hữu.

- Sở hữu thế mạnh là "niềm tin", vậy Lazada đang và sẽ làm gì để chiếm ưu thế tại thị trường Việt Nam?

- Công việc chính của chúng tôi không phải mua và bán, Lazada tạo nên một sàn thương mại điện tử - địa điểm online để người bán và người mua có thể tìm thấy nhau.

Hàng ngày mọi người tập trung trao đổi ở rất nhiều các khu chợ khác nhau, nhưng trên mạng lại không có “khu chợ” nào cả. Vậy nên, chúng tôi đã xây dựng một sàn thương mại điện tử, để thúc đẩy việc buôn bán của các nhãn hàng lớn cùng lúc với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Với cương vị là người tiên phong của thương mại điện tử toàn thế giới, chúng tôi làm việc với nhau dựa trên các điều luật, chính sách, công cụ, tài nguyên… để giúp họ thành công. Đồng thời, chúng tôi cũng sử dụng những công cụ tốt nhất có thể để cung cấp cái người mua thực sự cần.

Tôi nghĩ việc dẫn đầu thị trường không phải là tất cả những gì chúng tôi quan tâm, điều mà chúng tôi quan tâm hơn chính là trải nghiệm của người tiêu dùng. Tại Lazada, giá trị đầu tiên và lớn nhất của chúng tôi chính là “Khách hàng thứ nhất. Nhân viên thứ hai. Cổ đông thứ ba”. Đây là một thứ tự rất hiếm thấy ở các công ty khác. Tất cả chúng tôi đều đã, đang và sẽ quyết định dựa trên các giá trị này, đó là cách chúng tôi thành công.

- Vì sao ông đánh giá nhân viên là yếu tố quan trọng thứ hai tại Lazada, sau khách hàng?

- Chúng tôi có gần 2.000 nhân viên tại Việt Nam. Đa phần họ là những người Việt trẻ đầy tài năng, đang làm việc tại tất cả các phòng ban: Thương mại, marketing, chăm sóc khách hàng, logistics, phát triển công nghệ, phát triển sản phẩm, coding…

Với vị thế tiên phong, nhiều người so sánh Lazada như một trường đại học. Một số nhân viên dành vài năm làm việc tại đây, sau đó họ chuyển qua làm việc cho các nhà bán lẻ, nhãn hàng… Thực sự, chúng tôi cũng không quá lo lắng, thật ra còn thấy vui nữa, vì điều đó chứng tỏ nhân viên của Lazada được trang bị tốt, phát triển tốt trong những năm tháng ở đây. Họ cũng là những người thấu hiểu các giá trị cốt lõi của Lazada, am hiểu thương mại điện tử… nên phần nào sẽ giúp thị trường trở nên tốt đẹp hơn.

- Ông đánh giá như thế nào về đội ngũ nhân sự hiện tại của Lazada?

- Tôi làm việc cả tại thị trường Việt Nam và Thái Lan, nên tôi nhìn thấy rằng người trẻ ở cả hai đất nước đều có định hướng phát triển nghề nghiệp của bản thân một cách rõ ràng.

Các bạn không phải là những nhân viên chỉ làm theo lệnh cấp trên mà thực sự có suy nghĩ riêng, đóng góp riêng cho công ty qua các buổi họp…

Các bạn cũng không ngại phải đấu tranh, bảo vệ lập trường khi thấy một vấn đề nào đó cần chỉ ra hay cần giải quyết. Đây là những tính cách rất tốt mà chúng tôi thực sự cần ở những nhân viên trẻ, để công ty có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh theo sự phát triển của thị trường, Internet… Khi bằng tuổi các bạn nhân viên trẻ này, tôi cũng như vậy. Tôi nhìn thấy tôi lúc còn trẻ trong các bạn.

- Bí quyết riêng của Lazada trong quản lý nhân sự là gì? Lazada dự định phát triển nhân sự mới như thế nào trong thời gian tới?

- Chúng tôi luôn nói rằng trong các giá trị của Lazada thì khách hàng là số một, sau đó tới nhân viên, điều đó có nghĩa là nếu chúng ta phục vụ tốt nhất cho khách hàng, việc kinh doanh buôn bán ngày một thuận lợi, thì đương nhiên nhân viên sẽ được thêm nhiều lợi ích.

Việc Lazada được trao giải là Nơi làm việc tốt nhất châu Á với điểm số vượt trội so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử, theo công bố từ HR Asia - cũng là minh chứng cho sự hài lòng của nhân viên tại đây.

Có một số điểm chúng tôi làm hơi khác những công ty khác. Ví dụ, Lazada có bộ phận HR Business Partner (HRBP). Đây là bộ phận nhân sự đặc biệt vừa có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về nhân sự, đồng thời, họ phải hiểu biết tốt về hoạt động động kinh doanh, hoạt động của các bộ phận tại công ty. Họ được tham gia vào các hoạt động kinh doanh, thảo luận của nhiều phòng ban, bộ phận, để từ đó suy nghĩ theo hướng nhân sự, đưa ra những định hướng hỗ trợ tốt nhất về phúc lợi, tuyển dụng, đào tạo… Đội ngũ HRBP mạnh mẽ này là điều tôi chưa từng gặp ở bất kỳ công ty nào tôi từng làm việc trước đây.

Còn nếu nói về bí quyết của cá nhân mình, tôi có một nguyên tắc. Tôi sẽ đối xử với người khác như cách mà tôi muốn được họ đối xử ngược lại. Tôi sẽ luôn cố nghĩ theo hướng nếu tôi đang trong hoàn cảnh của họ, tôi sẽ muốn được đối xử như thế nào.

Tôi đặt khách hàng là số 1, và số 2 là các nhân viên trẻ của mình. Chỉ đơn giản vậy thôi.

- Từng đi và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, ông có nhận xét gì về người trẻ Việt Nam?

- Dân số Việt Nam rất trẻ, những người trẻ ở đây cũng rất hứng thú và am hiểu công nghệ. Đây là thị trường đầy tiềm năng để các công ty, cá nhân hay chính bản thân tôi có thể phát triển kinh doanh, sự nghiệp.

Sau khi đến Việt Nam, tôi lại càng ấn tượng hơn với những cộng sự người Việt của mình - những người trẻ với đầy hoài bão và nung nấu thành công trong công việc. Họ rất thẳng thắn, chuyên nghiệp, mọi tố chất đều xuất sắc.

Tuy nhiên, thi thoảng khi làm việc với các bạn trẻ người Việt, mọi người thường chỉ nghĩ làm sao để phát triển tốt nhất tại thị trường trong nước, mà chưa nghĩ đến khả năng các bạn sẽ làm được trong môi trường toàn cầu hóa.

Điều này khá giống với các bạn trẻ Thái Lan. Trước đây, khi tôi đi từ Thái Lan về lại Việt Nam, tôi cử một số bạn đi cùng. Đối với các bạn ấy, đây là việc rất kỳ lạ, các bạn chưa bao giờ tưởng tượng việc người Thái có thể làm việc tại một quốc gia khác, đến một nơi xa lạ để truyền tải kiến thức hoặc xây dựng đội nhóm bản xứ ở đó.

Vậy nên, bằng sự cởi mở, hoài bão và nhạy bén của các bạn trẻ Việt, tôi mong rằng sẽ có lúc các bạn vươn xa, háo hức trước những cơ hội việc làm mang tính quốc tế, toàn cầu.

- Đâu là yếu tố ông trân trọng nhất ở người trẻ?

- Tôi sẽ rất trân trọng nếu các bạn trẻ “Yêu điều bạn làm”. Bạn có thể yêu nghề của mình vì nhiều lý do, yêu vì ngành này tăng trưởng nhanh, vì ngành này lương tốt, hay nó có thể cung cấp được điều bạn muốn… Sao cũng được, miễn bạn thực sự yêu nó.

Nếu bạn không yêu điều bạn đang làm thì thử thách sẽ thành rào cản, gây ra những lo âu trong bạn. Nhưng nếu bạn yêu điều bạn làm, thử thách sẽ biến thành cơ hội. Bạn sẽ dễ dàng vượt qua nó, và từ đó phát triển bản thân nhanh hơn. Thái độ và hành động của bạn trước công việc cũng sẽ khác.

Tôi muốn khuyên các bạn trẻ rằng cứ thử khám phá những công việc khác nhau tại Lazada, và đi tìm nguồn cảm hứng cho chính mình. Nếu có công việc nào cân bằng được giữa động lực của bản thân bạn và giá trị mang lại cho công ty, thì hoàn hảo rồi! Đó sẽ là lựa chọn nghề nghiệp lành mạnh và lâu dài cho đời sống của bạn.

- “Yêu điều bạn làm”, tại sao không phải “làm điều bạn yêu”, thưa ông?

- Theo tôi, nếu chỉ làm điều mình yêu thích thì sẽ vô tình gạt bỏ những thử thách, dẫn đến cơ hội thành công cũng không cao.

Người ta hay nói về việc cân bằng giữa công việc và đời sống. Khi tôi yêu điều tôi làm, tôi không thấy phiền khi phải ăn trưa trong phòng họp gần như mỗi ngày. Tôi cũng chẳng hề gì khi phải dành nhiều thời gian hỏi han người tiêu dùng về trải nghiệm của họ trên nền tảng thương mại điện tử của Lazada. Những thời gian đó, tôi thực sự tận hưởng, tôi thích được trò chuyện cùng mọi người để hoàn thiện hơn công việc của mình.

Không có ranh giới giữa thời gian tôi phải làm việc hay thời gian tôi không cần làm việc, vì tôi tận hưởng tất cả điều đó. Vậy nên hãy “Yêu điều bạn làm” - đó là đúc kết tôi muốn chia sẻ.

Ngân Giang - Giang Uyển Nguyên
Ảnh: Thuận Thắng Video: Trương Khởi Đồ họa: An Du

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ceo-lazada-vn-lazada-se-lam-thoa-man-duoc-nhung-tai-nang-tre-post1008418.html