CEO JobHop: 'Nếu bạn chỉ có một ý tưởng, rất khó để gọi vốn ở Việt Nam'

Tốt nghiệp chuyên ngành Kinh Tế - Tài Chính của đại học Arizona, Hoa Kỳ và hoàn thành Chương trình Điều hành tại trường Kinh tế Stanford, đã gặt hái được một số thành công tại Hoa Kỳ nhưng Kevin Tùng Nguyễn lại quyết định trở về Việt Nam để khởi nghiệp trong lĩnh vực nhân sự, dùng công nghệ để thay đổi cách thức kết nối giữa cung và cầu trên thị trường lao động Việt Nam.

Kevin Tùng Nguyễn, CEO JobHop/Ảnh: Hoàng Hùng

Kevin Tùng Nguyễn, sinh tại Đà Nẵng, tốt nghiệp chuyên ngành Kinh Tế - Tài Chính của đại học Arizona, Hoa Kỳ và hoàn thành Chương trình Điều hành tại trường Kinh tế Stanford.

Thành công đến với Tùng từ khá sớm, từng là thành viên nhóm dẫn đầu phát triển thị trường quốc tế tại iCarebenefits với doanh thu 100 triệu USD trong năm hoạt động thứ 4 tại 5 quốc gia; đồng sáng lập công ty phát triển phần mềm Ksource tại Hoa Kỳ.

Tùng cũng là đồng sáng lập Ivylish – doanh nghiệp xã hội đã hỗ trợ hơn 60 nghệ nhân và 2 trại trẻ mồ côi tại Việt Nam với tổng doanh thu là hơn 350 nghìn USD .

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc gọi vốn đầu tư và quản lý điều hành, cuối năm năm 2016, Tùng quay trở về Việt Nam, thành lập và trở thành Giám đốc điều hành của công ty JobHop.

Với JobHop, Tùng mong muốn dùng công nghệ để thay đổi cách thức kết nối giữa cung và cầu trên thị trường lao động Việt Nam.

VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với Kevin Tùng Nguyễn về những cơ hội và thách thức khi khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam.

- Vì sao đang ở Mỹ, anh lại quyết định trở về Việt Nam và khởi nghiệp với JobHop?

Là một đứa con của đất Việt, từ trong tim mình, Tùng luôn có một niềm khát khao thôi thúc bản thân phải làm một điều gì đó cho chính quê hương, đất nước của mình.

Nhìn thấy được tiềm năng của việc giải quyết bài toán tuyển dụng nhân sự ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, nơi mà tỷ lệ chuyển việc lên đến 30% hằng năm, Tùng quyết định rời Mỹ trở về để tìm kiếm và đưa ra các giải pháp mang tính công nghệ cao mà thị trường đang thực sự rất thiếu và cần nhiều trong tương lai.

Và JobHop ra đời như một nền tảng tìm việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để phân tích dữ liệu, được ví như Google trong ngành tìm việc, giúp cho nhà tuyển dụng và ứng viên kết nối và tìm thấy nhau một cách nhanh chóng, dễ dàng, hiệu quả, thích hợp và tối ưu chi phí nhất.

- Trước JobHop, thị trường tuyển dụng tại Việt Nam đã có nhiều cái tên như Vietnamworks, Jobstreet, Careerbuilder... Vậy JobHop có gặp trở ngại khi gia nhập thị trường Việt Nam? Những trở ngại đó là gì?

JobHop là một startup còn khá trẻ nếu so với các “đàn anh” trong ngành như Vietnamworks, Jobstreet, Careerbuilder...đã gia nhập thị trường từ khá lâu và xây dựng được thương hiệu cũng như nguồn dữ liệu khổng lồ.

Thế nhưng, đối với Tùng và JobHop trở ngại lớn nhất không phải là sự cạnh tranh giữa các công ty cùng ngành mà chính là việc phải thay đổi suy nghĩ và thói quen của cả nhà tuyển dụng và ứng viên trong việc kết nối với nhau.

Đa phần các nhà tuyển dụng hay ứng viên tìm kiếm nhân viên/doanh nghiệp qua các kênh truyền thống, mất khá nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm và lựa chọn người/việc thích hợp. Thế nhưng, việc áp dụng công nghệ cao trong việc tìm kiếm là một điều khá xa lạ và mới mẻ đối với họ. Từ làm cho họ biết đến công nghệ đến thuyết phục họ sử dụng công nghệ trở thành một thách thức lớn với JobHop.

- JobHop đã vượt qua những thách thức đó bằng cách nào?

Tùng không vượt qua thách thức, Tùng đồng hành cùng nó.

Mỗi ngày mỗi giờ, các thành viên JobHop đều nỗ lực để tìm kiếm và đưa ra các giải pháp tối ưu để giúp cho đối tác của mình tìm kiếm qua mạng lưới đa kênh, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp sàng lọc thông tin một cách thông minh, đồng thời kết nối nhanh chóng các thông tin thích hợp và quản lý toàn diện quy trình.

Từ biết đến công nghệ đến nhận ra các tính năng vượt trội của công nghệ rồi áp dụng công nghệ, đó chính là lộ trình mà JobHop đang theo đuổi với sứ mệnh phát triển không chỉ ở Việt Nam mà còn toàn Đông Nam Á.

- Anh chia sẻ gì về kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ?

Khởi nghiệp công nghệ ở thị trường với hệ sinh thái còn rất mới như Việt Nam tuy vô cùng nhiều rủi ro và khó khăn nhưng niềm tin giải quyết 1 vấn đề rất lớn của xã hội mình đã tạo cho mình động lực lớn để càng cố gắng hơn.

Mình thấy, phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay khá sôi nổi, cổ động nhà nhà khởi nghiệp , người người khởi nghiệp. Theo quan điểm của mình thì chỉ nên khởi nghiệp khi đã có 3 yếu tố sau đây:

1- Ít nhiều kinh nghiệm 1 vài năm đi làm việc cho một doanh nghiệp có lãnh đạo giỏi, tâm huyết ( không cần phải là doanh nghiệp lớn);

2- Một ít tiền để dành có thể mạo hiểm đầu tư;

3- Có 1 mạng lưới quan hệ xã hội, kinh doanh đủ rộng để có khách hàng tiềm năng hay đối tác.

Nếu khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, doanh thu và tiềm năng phát triển nhanh cho sản phẩm công nghệ của bạn sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề khác. Khởi nghiệp ở giai đoạn sơ khởi phải hiểu được rằng khách hàng không trả tiền cho sản phẩm dịch vụ của công ty bạn vì những phát minh công nghệ tối tân mà là vì trải nghiệm tích cực của họ.

Ở giai đoạn sớm của startup thì kinh nghiệm, đam mê và khả năng bán hàng của founder (nhà sáng lập) là những yếu tố quan trọng nhất để được đầu tư.

- Anh vừa nhắc đến những rủi ro và khó khăn khi khởi nghiệp công nghệ ở một quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp còn mới mẻ như Việt Nam. Vậy xin anh chia sẻ cụ thể hơn những "rủi ro" đó là gì?

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam còn khá non trẻ nhưng đang phát triển mạnh mẽ. Theo Tùng thì một số hạn chế và sai lầm phổ biến khi khởi nghiệp chính là việc các dự án thường xây dựng dựa trên lý thuyết trước, sau đó thực hiện mô hình đó ra thị trường.

Cách làm truyền thống này đem đến rủi ro rất lớn, bởi tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền của.

Xu hướng khởi nghiệp trên thế giới hiện nay là sau khi có ý tưởng thực sự mới, họ bắt tay vào triển khai ngay, trong quá trình đó vừa làm vừa điều chỉnh theo phản ứng và phản hồi của thị trường

Một điều khó khăn nữa chính là tại Việt Nam, số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm không nhiều nên việc kêu gọi được vốn đầu tư là không dễ dàng. Ngoài ra, các quỹ đầu tư họ cũng thường kỳ vọng startup phát triển đến một mức nhất định rồi mới đổ tiền vào, họ sẽ chú ý đến các đội ngũ nhân sự, tình hình kinh doanh và các chỉ số tài chính của startup hơn là ý tưởng khởi nghiệp. Nếu bạn chỉ có mỗi ý tưởng, rất khó để có thể gọi vốn ở Việt Nam.

Thực tế cho thấy có rất nhiều công ty có ý tưởng, sản phẩm/ dịch vụ sáng tạo và chất lượng nhưng lại chưa biết cách quảng bá, tiếp cận khách hàng cũng như tạo điểm nổi bật của sản phẩm mình trên thị trường. Điều đó mang lại những rủi ro khá lớn cho các startup khi đi gọi vốn vì ngoài ý tưởng, sản phẩm/ dịch vụ của startup, các nhà đầu tư còn đặc biệt quan tâm đến đội ngũ nhân sự của công ty, chiến lược phát triển sản phẩm, sự minh bạch về tài chính, v.v...

Cuối cùng, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ khiến bạn gặp phải vô vàn khó khăn bởi tri thức mới được tìm ra mỗi ngày, bạn phải cập nhật thường xuyên và tìm ra những ý tưởng mới, định hướng phù hợp để phát triển doanh nghiệp của mình.

JobHop được rót vốn bởi KK Fund và Mynavi Corporation đến từ Nhật Bản

- Trong những rủi ro mà anh vừa chỉ ra, có rủi ro nào mà Jobhop đã gặp phải? Anh và cộng sự đã xử lý tình huống rủi ro đó như thế nào?

Khó khăn lớn nhất của startup nói chung và của JobHop nói riêng chính là quá trình tuyển dụng nhân tài cho tổ chức của mình. Các công ty khởi nghiệp phát triển liên tục và phát triển không ngừng, cơ cấu tổ chức vì thế buộc phải “lớn” lên rất nhanh, do đó để thu hút nhân tài, giữ chân họ là một thách thức không hề nhỏ.

Để tìm kiếm và xây dựng đội ngũ nhân sự giỏi, những người góp phần không nhỏ để đưa đến “con thuyền” JobHop đi đến ngày hôm nay, Tùng đã nỗ lực rất nhiều trong việc xây dựng quy trình tuyển dụng tiêu chuẩn, đưa ra các chiến lược tuyển dụng đổi mới sáng tạo và hấp dẫn nhằm thu hút nhân tài.

Trên hết chính là áp dụng chính công nghệ trí tuệ phân tích dữ liệu AI “cây nhà lá vườn” của JobHop vào việc tuyển dụng. Đó là cách mà JobHop vẫn đang vận hành và tư vấn cho rất nhiều đối tác, khách hàng của mình về nền tảng công nghệ JobMatch và ATS đang hoạt động thực sự hiệu quả và nhận được những phản hồi tích cực.

Hiện JobHop đã và đang phục vụ hơn 500.000 người tìm việc và hơn 2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ cho đến những tập đoàn lớn hàng đầu tại Việt Nam như Fossil Group, Zalora Group , Microsoft SEA, Kambria, Hanwha...

- Trân trọng cảm ơn anh vì cuộc trao đổi này!

Hoàng Lan

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ceo-jobhop-neu-ban-chi-co-mot-y-tuong-rat-kho-de-goi-von-o-viet-nam-20180504224219308.htm