CEO Grab Việt Nam lý giải về khoản lỗ 1.726 tỷ đồng

CEO Grab Việt Nam thừa nhận Grab lỗ 1.726 tỷ đồng trong giai đoạn 2014 – 2017. Tuy nhiên, việc thua lỗ này không phải hoàn toàn do tiếp thị hay quảng cáo mà còn chi phí trong bán hàng.

Ngày 19/10, tòa Kinh tế (TAND TP.HCM) tiếp tục phiên xử vụ án Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (công ty Ánh Dương - đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) và bị đơn là công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (GrabTaxi).

Đại diện Grab tại tòa.

Đại diện Grab tại tòa.

Tham gia phiên tòa với tư cách đại diện Grab, ông Jerry Lim (quốc tịch Singapore) là CEO Grab tại Việt Nam cho biết, ngành nghề kinh doanh Grab đăng ký là ứng dụng máy tính và phát triển phần mềm, chứ chưa bao giờ kinh doanh vận tải.

Theo ông Jerry Lim, khi đăng ký kinh doanh, các công ty đăng ký nhiều ngành nghề khác nhau, bởi không biết sẽ phát triển ngành nghề nào.

Grab cũng đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, nhưng có những lĩnh vực không kinh doanh. Do chưa bao giờ kinh doanh vận tải nên bộ Công Thương yêu cầu Grab rút ngành nghề kinh doanh này và Grab đã thực hiện theo yêu cầu của bộ Công Thương.

Về khoản lỗ 1.726 tỷ đồng trong giai đoạn 2014 – 2017, đại diện VKS công bố báo cáo của bộ Tài chính thể hiện khoản lỗ này chủ yếu là do tiếp thị và quảng cáo. Cụ thể, vào năm 2017, doanh thu chỉ 758 tỷ đồng còn lỗ 788 tỷ đồng, các năm trước cũng vậy.

Về thông tin này, ông Jerry Lim thừa nhận số liệu trên là đúng. Tuy nhiên, ông này lý giải việc lỗ này không phải hoàn toàn do tiếp thị hay quảng cáo, mà còn chi phí trong bán hàng. Ngoài ra, Grab còn thưởng cho tài xế, chi phí nghiên cứu và phát triển để hỗ trợ cho công nghệ của Grab.

Người đại diện Grab tại tòa cũng viện dẫn quyết định từ cục Thuế TP.HCM rằng, trong năm 2017, trong số khoản lỗ 788 tỷ đồng, có khoảng 41 tỷ đồng không tính vào tiền lỗ. Như vậy, thực chất Grab chỉ lỗ 747 tỷ đồng, trong khi doanh thu là 758 tỷ đồng, vậy là lãi chứ không lỗ.

Đại diện VKS hỏi người đại diện Grab sao phải thưởng cho tài xế, trong khi báo lỗ, ông Jerry Lim nói rằng vì tài xế rất chăm chỉ. “Việc thưởng là để tài xế hăng hái làm việc, từ đó giúp phát triển xã hội”, ông Jerry Lim trình bày.

Đại diện Grab cũng được chất vấn về mục đích kinh doanh, trong khi cả giai đoạn trước đều lỗ, ông Jerry Lim cho biết, mục tiêu của Grab là sẵn sàng đầu tư để thị trường hiểu công nghệ, chấp nhận và khuyến khích người dân sử dụng công nghệ của Grab, từ đó hỗ trợ xã hội, hỗ trợ người dân kết nối công nghệ giúp cuộc sống của mọi người dễ dàng hơn.

Ông Jerry Lim trình bày: “Chúng tôi dùng công nghệ để tạo ra cuộc sống tốt hơn, bởi bên cạnh dịch vụ gọi xe, Grab còn triển khai các dịch vụ khác như giao hàng, giao đồ ăn, thanh toán thông qua kỹ thuật số…”.

Cũng theo ông Jerry Lim, khoản lỗ được giảm dần hằng năm. Đến năm 2018, Grab dự kiến sẽ nộp thuế cho Nhà nước cao hơn gấp 3 lần năm 2017.

Trước đó, trong phiên xét xử chiều hôm qua (18/10), Vinasun và Grab cũng tranh cãi quyết liệt về con số thiệt hại 41,2 tỷ đồng mà Vinasun đưa ra.

Phía Vinasun khẳng định, các kết quả giám định của công ty Cửu Long (đơn vị giám định thiệt hại trong vụ tranh chấp, và được Vinasun chi trả 3 tỷ đồng) là có cơ sở.

Trong khi đó, phía Grab lại cho rằng các chứng thư của công ty Cửu Long có nhiều bất cập, như phương pháp tính thiệt hại không đúng khi dựa vào sự thay đổi sụt giảm trong vốn hóa thị trường của công ty, chênh lệch số liệu xe nằm bãi của bên giám định và Vinasun, xe VCar không có hình thức hợp đồng đã vi phạm nghiêm trọng Đề án 24….

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.

Công Thư

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ceo-grab-viet-nam-ly-giai-ve-khoan-lo-1-726-ty-dong-a407862.html