Những công dân đặc biệt của xóm núi Nà Thúng

Từ một xóm nhỏ chỉ có 7 hộ tái định cư thuộc diện khó khăn nhất xã, đến hôm nay, xóm Nà Thúng, xã Cô Ngân, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng đã dần trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế.

Màu xanh của những vườn cây ăn quả được điểm xuyết bằng màu ngói, màu tường của những ngôi nhà xây khang trang là minh chứng rõ ràng cho sự đổi thay của người dân xóm núi nơi biên cương tổ quốc. Để có được như ngày hôm nay, người dân Nà Thúng không quên công sức và tâm huyết của những người lính biên phòng...

Xóm tái định cư Nà Thúng (xã Cô Ngân, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng).

Xóm tái định cư Nà Thúng (xã Cô Ngân, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng).

Sau ca trực chốt, Thiếu tá Tống Văn Thành và cán bộ, chiến sỹ kíp trực không về nghỉ ngơi mà ghé vào gia đình anh Đàm Văn Lập, cùng chăm sóc vườn cam để cây kịp hồi phục sau vụ thu hoạch. Hơn 5 năm trước, kinh tế gia đình anh Lập chỉ trông vào ruộng ngô và chăn nuôi lợn, gà.... vất vả quanh năm nhưng cũng chỉ đủ ăn. Với sự động viên, hướng dẫn của cán bộ biên phòng, anh Lập đã mạnh dạn thử nghiệm trồng hơn 1 ha cam. Vừa làm vừa mày mò, học hỏi nên thời gian đầu, vườn cam phát triển không đều khiến anh nản lòng. Đó cũng là khi các chiến sỹ biên phòng thường xuyên có mặt ở vườn cam, cùng anh tìm hiểu nguyên nhân khiến cây chậm lớn, cùng tìm cách diệt trừ sâu bệnh, chăm bón, tỉa cành...

Không phụ công sức con người, vườn cam của gia đình anh Lập dần cứng cáp, cho lứa thu hoạch đầu mang lại lợi nhuận hơn 50 triệu đồng. Bộ đội biên phòng cũng hướng dẫn cách nuôi thêm trâu bò vỗ béo nên kinh tế gia đình anh dần khá giả, dựng được nhà xây kiên cố.

Người dân bây giờ không khổ như ngày xưa nữa, nhà nào cũng có xe máy, đi chợ cũng đỡ vất vả. Bộ đội Biên phòng giúp đỡ bà con, động viên tinh thần bà con cố gắng chăm chỉ làm ăn, bảo vệ cho bà con.

Xóm tái định cư Nà Thúng (xã Cô Ngân, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) nằm nép mình dưới chân dãy Xa Cốc Nhừ, nơi có Mốc biên giới 933. Hơn 20 năm trước, Nà Thúng chỉ là một xóm bỏ hoang, lác đác vài nương rẫy cùng nhưng vạt cỏ dại um tùm. Giáp biên, đi lại khó khăn, không có ruộng cấy lúa, an ninh bất ổn nên khi đó, ít người muốn trụ lại nơi này. Với quyết tâm bám đất, bám làng và lập nghiệp nơi mình sinh ra, khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân tái định cư, một số hộ dân vốn là cư dân cũ ở Nà Thúng đã mạnh dạn vận động anh em, họ hàng trở về dựng nhà, vỡ đất canh tác.

Sau những giờ tuần tra, trực chốt, các cán bộ chiến sỹ Tổ công tác đến thăm hỏi, động viên bà con trong xóm.

Đầu năm 2008, Tổ công tác Biên phòng Nà Thúng về đóng quân ngay tại xóm, tình hình an ninh trật tự đã được đảm bảo. Bộ đội giúp dân chăm sóc vườn cây, lợp lại mái nhà, hướng dẫn bà con bảo vệ sức khỏe và phát triển kinh tế... rồi khi đám hiếu, đảm hỷ trong xóm, các anh cũng là những người đầu tiên được bà con mời tới bàn bạc, lo toan.

Thiếu tá Tống Văn Thành, Tổ trưởng Tổ công tác Biên phòng Nà Thúng, Đồn Biên phòng Thị Hoa xúc động cho biết: Bộ đội biên phòng và người dân như người thân trong gia đình.

Bộ đội biên phòng phải nhờ rất nhiều vào người dân, hàng ngày bà con đi canh tác gặp những dấu hiệu bất thường đã kịp thời báo ngay cho bộ đội Biên phòng để xử lý. Đặc trưng ở Nà Thúng đây là không ít ruộng nên bộ đội đã tham mưu, vận động bà con trồng cây cam và trồng cỏ để nuôi trâu, bò phát triển kinh tế.

Nói thì đơn giản là vậy, nhưng để thay đổi được cách làm, cách tư duy của đồng bào cũng là điều không dễ. Chẳng hạn như việc trồng cỏ nuôi trâu bò vỗ béo, cũng cần sự quyết tâm của những người lính quân hàm xanh. Trước đây bà con chỉ mỗi nhà 1-2 con trâu chăn thả trên đồi, nay muốn bà con thoát nghèo buộc phải thay đổi cách làm. Thời tiết lạnh giá, nên trồng cỏ chính là biện pháp hiệu quả nhất. Các anh phải đến từng nhà để thuyết phục, lấy những hộ có uy tín, gương mẫu để làm trước. Đến nay, nuôi trâu bò cũng trở thành thế mạnh ở Nà Thúng, giúp bà con có tiền lo cho con em học hành, xây nhà, mua xe máy...

Từ 7 hộ dân ban đầu, nay Nà Thúng đã có 13 hộ và xóm người Nùng này giờ đã không còn phải lo cái đói, cái nghèo nữa. Đầu năm 2020, con đường nhỏ chừng 5 cây số dẫn vào Nà Thúng đã được đổ bê tông đến tận trung tâm xóm, như vậy, Nà Thúng đã có điện, có đường, có nước sạch, có nhà văn hóa. Xóm nhỏ đã cơ bản thoát được nghèo, một nửa số hộ có nhà xây 2-3 tầng kiên cố, nhà nào cũng có xe máy, tivi... một số hộ còn mạnh dạn đầu tư mua xe tải chạy dịch vụ cho người dân trong xã.

Ông Đàm Văn Báo, Trưởng Ban công tác mặt trận của xóm, một trong những hộ lên Nà Thúng đầu tiên phấn khởi cho biết, thời điểm hiện tại, Nà Thúng được coi là xóm tái định cư thành công nhất trên tuyến biên giới Cao Bằng, được Đảng, Nhà nước quan tâm, lại có tổ công tác biên phòng bám giữ cùng người dân phối kết hợp với nhau, động viên để bà con yên tâm phát triển kinh tế, bám giữ quê cha đất tổ.

Hình ảnh những cán bộ, chiến sỹ của tổ công tác tới từng hộ dân trong xóm hướng dẫn bà con cách che chắn chuồng trại cho trâu bò khi trời giá rét hay giúp gia đình neo đơn sửa lại mái nhà, tham gia dọn vệ sinh đường liên xóm... đã trở nên quen thuộc với người dân xóm Nà Thúng. Đồng bào coi cán bộ, chiến sỹ biên phòng như những công dân của xóm, công to, việc lớn đều phải có các anh bộ đội biên phòng. Cũng để chia sẻ với các anh, bà con trong thôn cùng tham gia giữ gìn cột mốc chủ quyền, phát dọn đường tuần tra và cung cấp nhiều thông tin có giá trị về an ninh, trật tự.

Những cánh đào mùa xuân như điểm thêm sắc xuân cho bức tranh màu xanh ở Nà Thúng. Đó là màu xanh của những vạt rừng keo, rừng mỡ và những đồi cam, vườn quýt trổ lộc non và màu màu áo những cán bộ chiến sỹ biên phòng, những người vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, vừa góp phần giúp người dân xóm núi Nà Thúng thoát khỏi đói nghèo./.

Công Luận/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhung-cong-dan-dac-biet-cua-xom-nui-na-thung-840046.vov