CDC Thành phố Hồ Chí Minh thông báo kết quả 1.600 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ở khu Mả Lạng

Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, ngay trong chiều và đêm ngày 8/2, lực lượng y tế đã được huy động tối đa, khẩn cấp lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả người dân ở khu Mả Lạng (Q.1, TPHCM) theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, 1.600 mẫu giám sát khu Mả Lạng đã có kết quả âm tính.

Xét nghiệm COVID-19 cho trẻ mầm non ở Q.Gò Vấp, TPHCM (ảnh: HCDC)

Xét nghiệm COVID-19 cho trẻ mầm non ở Q.Gò Vấp, TPHCM (ảnh: HCDC)

Ngày 9/2, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp với ngành Y tế TPHCM về việc thành lập, hoạt động của tổ thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TPHCM

Theo đó, tổ thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế giữ vai trò Tổ trưởng, sẽ có nhiệm vụ triển khai chỉ đạo các hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong việc giám sát, đáp ứng chống dịch, điều trị bệnh nhân, công tác truyền thông trên địa bàn TP.HCM và các địa phương có liên quan; Kiểm tra, hỗ trợ địa phương trong việc tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Ban Bí Thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia và các chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế… cùng nhiều nội dung công tác liên quan nhằm hỗ trợ TP.HCM trong công tác phòng, chống dịch.

Người dân tiếp tế lương thực, thực phẩm tại khu vực bị phong tỏa ở khu Mả Lạng, Q.1, TPHCM.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC cho biết, theo kết quả xét nghiệm sáng ngày 9/2, Thành phố ghi nhận thêm 2 trường hợp nghi nhiễm COVID-19. Đó là nhân viên Công ty phục vụ mặt đất sân bay Tân Sơn Nhất (VIAGS); 1 ca của Vietnam Airlines - người này cũng tham gia vào giám sát, sắp xếp hàng hóa của máy bay, làm chung với bệnh nhân 1979.

Hai trường hợp này được phát hiện khi Thành phố tiếp tục thực hiện xét nghiệm giám sát cho 830 nhân viên sân bay mà chưa làm xét nghiệm trước đó, nâng tổng số các ca nhiễm, nghi nhiễm COVID-19 có liên quan đến ca bệnh là nhân viên bốc xếp tại Sân bay Tân Sơn Nhất lên 32 trường hợp, được chia thành 2 nhóm bao gồm nhóm nhân viên tổ bốc xếp và nhóm bệnh nhân liên quan đến nhóm bệnh nhân này.

Về công tác xét nghiệm, truy vết và tiếp nhận điều trị, HCDC cho biết, Thành phố đã kích hoạt toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Y tế đóng trên địa bàn Thành phố. Thực hiện phòng chống dịch với phương châm: thần tốc, quyết liệt, đồng bộ, chủ động. Nâng cao mức độ cảnh báo trong phòng, chống dịch.

Ngành y tế tiến hành lấy mẫu đơn tất cả các ca tiếp xúc gần F1, mẫu gộp đối với hộ gia đình ở trong khu vực lây nhiễm. Xét nghiệm toàn bộ nhân viên, cán bộ công nhân viên của Bệnh viện Quân y 175.

Lẫy mẫu xét nghiệm cho nhân viên bệnh viện Quân y 175

Sở Y tế TPHCM chuẩn bị kịch bản ứng phó với tình huống dịch bệnh ở mức độ khẩn cấp. Đối với các nhân viên đang làm việc tại Sân bay Tân Sơn Nhất, thành phố đã lấy mẫu giám sát lần 2 đối với nhân viên công ty VIAGS và triển khai làm xét nghiệm hàng ngày đối với nhân viên sân bay phục vụ hành khách trước khi vào ngày làm việc hôm sau.

GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở y tế TPHCM cho biết, Sở y tế đã phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc phụ trách để đảm bảo các công tác truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị…; Kích hoạt hệ thống các cơ sở cách ly, điều trị… sẵn sàng cho các kịch bản phòng chống dịch trong thời gian tới.

Cùng với các khu cách ly hiện có, Thành phố đã mở một số điểm cách ly khác như Cần Giờ, học viện hành chính tại Quận 9… với sức chứa có thể lên đến hơn 20.000. Về điều trị, đã kích hoạt hệ thống điều trị trên toàn thành phố với bệnh viện Cần Giờ có sức chứa 300 giường, bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố với khu điều trị riêng biệt có sức chứa 50 giường; đồng thời có phương án chuẩn bị đối với khu xây dựng mới của Bệnh viện Ung Bướu với các trang thiết bị có sẵn.

Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao hiệu quả của công tác phòng chống, ngăn chặn, truy vết xét nghiệm… của TPHCM. Trong thời gian tới Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị, ngành Y tế TPHCM cần nâng cao mức độ đáp ứng xét nghiệm, y tế để đảm bảo cuộc sống bình yên, an lành cho người dân trong dịp tết; đồng thời yêu cầu ngành Y tế TP.HCM tiến hành nhanh xét nghiệm kháng thể với các nhóm lây nhiễm để có kết quả nhanh chóng; tăng tốc công tác lấy mẫu, xét nghiệm để đảm bảo tốc độ trong công tác phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh.

Trưa ngày 9/2, HCDC thông tin, hẻm 139/24 đường số 28, P.6, Q.Gò Vấp (TPHCM) đã được gỡ phong tỏa do các trường hợp ở đây đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Đây là một trong 6 điểm được TP phong tỏa tạm thời theo báo cáo nhanh của các địa phương vì liên quan các ca mắc COVID-19.

Tính đến thời điểm hiện tại, TPHCM còn 18 điểm phong tỏa. Cụ thể, 13 địa điểm là nơi cư trú của các bệnh nhân đang được phong tỏa gồm: Khu phố 4, P.Trung Mỹ Tây, Q.12; Thạnh Lộc 48, P.Thạnh Lộc, Q.12; Thạnh Lộc 04, P.Thạnh Lộc, Q.12; Khu phố 7, P.Hiệp Thành, Q.12; Khu phố 5 đường Nguyễn Văn Cự, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân; Đường Nguyễn Thị Tú, P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân; Hẻm 480 Bình Quới, P.28, Q.Bình Thạnh; Hẻm 246 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.21, Q.Bình Thạnh; Chung cư Felix 44 Nguyễn Văn Dung, P.6, Q.Gò Vấp; Trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ, P.6, Q.Gò Vấp; Khu nhà trọ số 90 Nguyễn Phúc Chu, P.15, Q.Tân Bình; Đường Nguyễn Trãi, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1; Hẻm 441 Lê Văn Việt, P.Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức.

5 địa điểm được phong tỏa/phong tỏa tạm thời gồm: quán Nam Bắc số 12A1 Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình; quán Cây Bàng, số 68B Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình; quán gà ta Phương Nam, số A3 Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình; nhà bệnh nhân trên đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình; hẻm 251 Quang Trung, P.10, Q.Gò Vấp.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/cdc-thanh-pho-ho-chi-minh-thong-bao-ket-qua-1600-mau-xet-nghiem-sarscov2-o-khu-ma-lang-1791564.tpo