CCB Lê Long Triệu thực hiện lời dạy của Bác

Trải qua muôn vàn gian khổ trong chiến đấu, nhiều thương binh trở về cuộc sống đời thường với những vết thương còn đau nhức. Song với phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, CCB, thương binh hạng 1/4 Lê Long Triệu (khu 7, phường Hà Tu, TP Hạ Long) vẫn tham gia phát triển kinh tế, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

CCB, thương binh Lê Long Triệu bên phương tiện đi lại hằng ngày của mình.

CCB, thương binh Lê Long Triệu bên phương tiện đi lại hằng ngày của mình.

Sinh ra và lớn lên ở xã Bình Dương, huyện Đông Triều (nay là TX Đông Triều), tháng 12/1969 khi chưa đầy 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Lê Long Triệu nhập ngũ. Sau 1 năm huấn luyện đặc công, tháng 12/1970, Lê Long Triệu cùng Tiểu đoàn 4 (mật danh T40), Đoàn 429 đặc công, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Tây Nam Bộ.

Ông Triệu nhớ mãi trận đánh diễn ra đêm 22, rạng sáng 23/3/1972. Tiểu đoàn T40 của ông tập kích cứ điểm Công-pông-trách, nằm sát biên giới Việt Nam. Đây là nơi đóng quân của Liên đoàn biệt động số 9 ngụy Sài Gòn và 2 thiết đoàn thiết giáp 12, 16. Trận đánh có ý nghĩa mở màn tại mặt trận Tây Nam, diễn ra ác liệt, cam go. Ông Triệu cùng đồng đội đánh địch đến gần sáng thì hết đạn. Gọi hàng không được, quân địch tiến tới nơi ông và đồng đội cố thủ chiến đấu định bắt sống Tiểu đoàn trưởng Bảo. Lúc đó, ông Triệu không quản hiểm nguy, lao lên đánh nhau tay không với lính biệt động ngụy, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn trưởng rút lui an toàn. Quá trình rút lui, ông Triệu bị thương vào đầu. Sau trận đánh, ông Triệu được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba.

Không chỉ bị thương ở trận đánh ngày 23/3/1972, trong trận đánh vào tháng 12/1972 tại đồi pháo Hà Tiên, Kiên Giang, ông Triệu bị thương nặng cả 2 chân phải đi điều trị.

CCB Lê Long Triệu đã được nhiều cấp khen thưởng.

Đến năm 1974 vì lý do sức khỏe không đảm bảo, tổ chức bố trí cho ông ra Bắc công tác. Rời chiến trường máu lửa, ông lại bước vào cuộc chiến đấu mới không kém cam go khi sức khỏe ảnh hưởng rất nhiều vì thương tật. Ông đã trải qua công tác ở các đơn vị: Đoàn 159 Quảng Ninh, Đặc khu Quảng Ninh, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh, Đoàn An dưỡng 590 Hải Phòng, Trung tâm Điều dưỡng chăm sóc người có công tỉnh Hưng Yên... Năm 2003, ông thành lập doanh nghiệp tư nhân Xí nghiệp Thương binh 18/4 Triệu Long (xã Bình Dương, TX Đông Triều) do ông làm Giám đốc (năm 2017, Xí nghiệp chuyển trụ sở về phường Hồng Hải, TP Hạ Long; năm 2018 ông bàn giao chức giám đốc cho người khác). Hiện ông là Trưởng Ban Liên lạc T40, thành viên HĐQT 2 Trường dân lập THPT: Trần Nhân Tông, Nguyễn Bình (TX Đông Triều). Trên cương vị nào ông cũng luôn phát huy tinh thần, nghị lực vươn lên, vừa phát triển kinh tế vừa tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, như tham gia hỗ trợ các chương trình cấp Bộ tổ chức tri ân những chiến sĩ, đồng đội đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc: "Điện Biên Phủ thiên sử ca huyền thoại", "Linh thiêng Việt Nam"; tặng sổ tiết kiệm cho trẻ mồ côi...

Là người lính, ông luôn đau đáu nghĩ về các đồng đội đã ngã xuống tại chiến trường xưa. Những năm qua, ông cùng các đồng đội trong Ban Liên lạc T40 tổ chức 8 lần quay trở lại chiến trường năm xưa, đã quy tập, đưa được 9 hài cốt đồng đội về an táng tại quê hương. Ông bảo, trên người ông còn nhiều vết thương, những ngày trái gió trở trời vẫn còn đau nhức, nhất là với vết thương đặc biệt “do vẫn còn 1 viên đạn nằm trong đầu”, nhưng ông vẫn chưa muốn nghỉ ngơi, cố gắng thực hiện tốt lời dạy của Bác “Người thương binh tàn nhưng không phế”.

Trung Thành

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/ccb-le-long-trieu-thuc-hien-loi-day-cua-bac-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe-2930357.html