Cây xoài có 300 giống quả ở Ấn Độ

Kalimullah Khan là người trồng cây xoài ghép từ 300 giống khác nhau. Cây xoài đặc biệt của ông ra quả với đủ loại kích thước và màu sắc như xanh, vàng, hồng, tím.

Cây xoài 300 loại quả thuộc một vườn ươm gần Lucknow, thủ phủ của bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Chủ nhân khu vườn, người tạo ra cây xoài này, là ông Kalimullah Khan, 80 tuổi, được biết đến với biệt danh "Người đàn ông xoài".

Trang trại của Khan nằm ở Malihabad, một thiên đường xoài ở miền Bắc Ấn Độ với hơn 10.000 ha. Amir Khusro, nhà thơ Ấn Độ - Ba Tư, đã gọi xoài, có nguồn gốc từ Ấn Độ và khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới, là "trái cây đẹp nhất của người Hindu". Việc trồng xoài ở Ấn Độ bắt đầu từ nhiều thế kỷ trước dưới thời Đế chế Mughal. Quốc gia này cũng là nước sản xuất xoài lớn nhất trên thế giới, với hơn 1.000 giống và chiếm hơn 40% sản lượng.

 Ông Khan và mùa xoài bội thu năm ngoái.

Ông Khan và mùa xoài bội thu năm ngoái.

Câu chuyện về "cây xoài 300 loại quả"

Với sự giúp đỡ của con trai, Khan đã trồng xoài trên 22 mẫu đất nông nghiệp, tài sản do ông nội của ông canh tác từ những năm 1900.

Khi Khan bỏ học trung học và bắt đầu cuộc sống của mình, gia đình ông chỉ trồng một vài giống địa phương, tương tự các trang trại xoài gần đó. Ước mơ về việc ghép xoài của Khan được nhen nhóm vào năm 15 tuổi, khi ông nhìn thấy cây hoa hồng lai trong vườn của một người bạn. Cây hoa có những bông với màu sắc khác nhau khiến ông tự hỏi liệu một cây cũng có thể mọc ra nhiều loại quả như vậy không. "Tự nhiên tôi muốn nhân giống cây xoài như những gì tôi đã thấy trên bụi hồng đó", ông nói.

Cây xoài 300 loại quả được lấy cảm hứng từ một bụi hoa hồng lai.

Khi 17 tuổi, ông Khan ghép thành công 7 giống xoài vào một cây. Sau đó lũ lụt đã làm cây chết, ông quyết tâm học thêm cách ghép cành ở vườn cây ăn trái của gia đình. Trong nhiều năm, Khan đã ngày càng cải tiến nghệ thuật ghép cây của mình.

Năm 1987, ông bắt đầu ghép các giống khác nhau lên cây xoài 100 năm tuổi. Các giống xoài này được ông thu thập từ khắp nơi trên đất nước, trong đó có những giống quý hiếm. Ông Khan cho biết hiện tại cây này có hơn 300 loại xoài và ông gọi nó là Al Muquaraar.

"Cây xoài thần kỳ" có tán rộng, đủ lớn để chứa 15 người ngồi dưới. Những cành cây nặng trĩu quả với lá có màu khác nhau như xanh xám hoặc xanh ô liu... Quả xoài trên mỗi cành cũng mang dáng hình riêng: tròn hoặc bầu dục, một số màu xanh lá cây, vàng, số khác có màu cam, hồng và tím.

Giống của mỗi loại được xác định bằng một nhãn nhỏ trên cuống: xoài Dasheri từ một ngôi làng gần đó, Himsagar từ Tây Bengal, Langra từ Bihar hay xoài Alphonso được đánh giá cao, có thịt ngọt, màu vàng nghệ đang có nhu cầu cao trong nước và quốc tế.

3 giống xoài nổi tiếng của ông Khan là Tommy Atkins, Suvarnarekha, Husn-e-Ara.

Khan nói: "Cây xoài thần kỳ này không chỉ là một cái cây, mà còn là một vườn cây ăn trái, một vũ trụ".

Tặng quả miễn phí, lai tạo giống mới

Khi được hỏi làm thế nào để bảo vệ cây khỏi chim và côn trùng, ông Khan nói: "Tôi không xua đuổi chúng. Phúc lợi của tự nhiên là để tất cả cùng chia sẻ". Vào mùa thu hoạch, Khan và con trai ông đóng gói nông sản để bán và xuất khẩu. Họ tặng miễn phí quả của "cây thần kỳ" cho những du khách đến vườn.

"Giống như hai đứa trẻ cùng cha mẹ nhưng khác nhau về ngoại hình và tính cách, xoài nảy mầm từ cùng một hạt cũng có thể hoàn toàn khác nhau", Khan nói về từng loại xoài, như thể đó là những đứa trẻ. Ngoài việc ghép cây, ông Khan còn lai tạo các giống xoài mới, thử nghiệm hương vị, kết cấu và đặt cho chúng những cái tên sáng tạo. Ông đã đặt tên giống xoài mới của mình theo tên của Thủ tướng Narendra Modi (Namo Aam) và diễn viên Bollywood Aishwarya Rai.

Khan nói: "Tôi đã tạo ra một loại xoài theo tên vận động viên cricket (bóng gậy) nổi tiếng Sachin Tendulkar. Anh ấy đã gọi điện để gửi lời cảm ơn và bày tỏ sự hạnh phúc". Gần đây nhất, ông đặt tên cho 2 loại xoài mới là "bác sĩ aam" và "cảnh sát aam" để cảm ơn công việc của những người tiên phong ứng cứu trong đại dịch.

Nhiều người nổi tiếng đến thăm trang trại của ông Khan.

Ông Khan giành được nhiều giải thưởng, bao gồm Padma Shri, một trong những giải thưởng dân sự cao nhất của Ấn Độ, và được ghi trong sách kỷ lục Limca. Ông đã đến thăm Dubai và Iran để dạy nghệ thuật ghép cây. Năm 1999, ông tạo ra một cây xoài với hơn 54 giống cho vườn Mughal bên trong Rastrapathi Bhavan, dinh thự chính thức của Tổng thống Ấn Độ.

DK Sharma, Phó chủ tịch Hiệp hội người trồng xoài của Ấn Độ, cho biết: "Ghép xoài chỉ là nghệ thuật và không có giá trị thương mại". Ông Khan không đồng tình, ông cho rằng việc ghép cây rất phổ biến trong sản xuất trái cây và hạt thương mại. Ông xem đó là một nghệ thuật có giá trị thiết thực.

Uyên Hoàng

Theo Atlas Obscura

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cay-xoai-co-300-giong-qua-o-an-do-post1203375.html