Cây 'xóa đói, giảm nghèo' ở Ch'ơm

Từ giống cây mọc tự nhiên trong rừng, đồng bào Cơ Tu xã vùng cao biên giới Ch'ơm (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đã biết tận dụng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để nhân giống, trồng xen canh cây đẳng sâm với ngô, sắn trên nương. Trở thành hàng hóa, loại cây nông sản này đã mở ra cơ hội 'xóa đói, giảm nghèo' khi nhiều gia đình thu được hàng chục triệu đồng mỗi năm từ việc bán sâm.

Thiếu tá Lê Văn Dũng, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ga Ry và chị A Lăng Thị Nhéo kiểm tra chất lượng sâm trước khi thu hoạch. Ảnh: Trúc Hà

Thiếu tá Lê Văn Dũng, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ga Ry và chị A Lăng Thị Nhéo kiểm tra chất lượng sâm trước khi thu hoạch. Ảnh: Trúc Hà

Đẳng sâm khu 7

“Đẳng sâm khu 7” là loại sâm mọc trên những dãy núi cao gần 2.000m so với mặt nước biển ở các xã vùng cao biên giới Gary, Ch’ơm. Từ giống cây bản địa được người dân trồng nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu bản thân, đến nay, đã trở thành hàng hóa khi có thương lái từ miền xuôi lên thu mua về chế biến thành phẩm. Trước cơ hội này, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân quy hoạch, mở rộng diện tích trồng đẳng sâm. Có được nguồn thu không nhỏ nên nhiều gia đình đồng bào Cơ Tu ở Ch’ơm đã chuyển đổi sang trồng đẳng sâm.

Tháng 5- 2018, Đồn Biên phòng Ga Ry, BĐBP Quảng Nam phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Nam tổ chức chương trình “Đồng hành với phụ nữ biên cương” tại xã Ga Ry và Ch’ơm. Bên cạnh việc tặng quà, đơn vị cũng hỗ trợ ngan giống, giúp 5 hộ dân mở rộng diện tích trồng đẳng sâm để tạo sinh kế bền vững. Chị A Lăng Thị Nhéo là 1 trong 2 hộ ở thôn A Choong, xã Ch’Ơm được hỗ trợ cây giống đẳng sâm để trồng. Trồng đẳng sâm trên sườn núi thoai thoải, xen canh cùng sắn, chị Nhéo có thể vừa chăm sóc sắn, vừa chăm sóc đẳng sâm.

Ngoài 3ha được hỗ trợ, gia đình chị Nhéo còn tự trồng thêm 3ha trên diện tích nương nhà mình cách đó không xa. Với 6ha đẳng sâm, gia đình chị hằng năm đều thu hoạch một phần diện tích, bán được 20 triệu đồng để lo chi phí sinh hoạt gia đình cũng như việc học hành của các con. Có tiền, chị Nhéo sửa nhà, mua xe máy tốt để đi lại và xuống trung tâm huyện thăm con đang học ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Tây Giang. Theo chị Nhéo, việc trồng mới đẳng sâm vào tháng 3 là tốt nhất. Khi ấy, thời tiết đã bớt rét và có mưa nhỏ, đất ẩm giúp rễ cây giống phát triển, bám nhanh được vào đất.

Hiện nay, đẳng sâm ở Ch’ơm được các thương lái mua với giá 100 nghìn đồng/kg đối với củ nhỏ. Với những củ to, có hình thức đẹp, thương lái mua với giá 300-400 nghìn đồng/ kg. Đặc biệt, thời gian trồng đẳng sâm cũng không dài, thậm chí ngắn hơn với các loại cây ăn quả nên những gia đình khó khăn đã có thể thu hoạch sau 2 năm. Nếu trồng trong thời gian từ 3-4 năm, cây sẽ cho củ to, bán được giá thành cao hơn. Đất đủ tốt, thời gian dài, có những gia đình thu hoạch được những củ 8-9 lạng, bán giá cao gấp 5-6 lần so với loại củ thường, bởi vậy, một số gia đình đã chuyển sang đầu tư trồng đẳng sâm “chất lượng” thay vì “số lượng”.

Nhiều người có diện tích đất canh tác ít đã tìm cách ươm để bán cây giống cho những người có nhu cầu. Tuy số tiền thu được không nhiều, nhưng cũng tạo được nguồn thu nhập đáng kể giúp trang trải chi phí trong cuộc sống. Rõ ràng, từ một loại cây mọc tự nhiên trong rừng, đồng bào dân tộc Cơ Tu ở xã vùng cao biên giới Ch’ơm đã biến thành hàng hóa, cho nguồn thu nhập đáng kể, giúp ổn định cuộc sống.

Liên kết chuỗi cho đẳng sâm

Trưởng thôn A Choong, anh A Lăng Lơ, cũng là Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ch’Ơm. Đây là Hợp tác xã nông nghiệp nằm trong liên kết chuỗi hợp tác xã ở huyện Tây Giang. Tuy mới được thành lập nhưng có những tín hiệu vui cho lối làm ăn liên kết, bởi đẳng sâm được đảm bảo ổn định giá cả cũng như việc bao tiêu sâm đối với các hội viên, tránh các trường hợp được mùa thì rớt giá.

Năm 2018, Hợp tác xã nông nghiệp Ch’ơm triển khai cho các hội viên của mình trồng được 10ha đẳng sâm, năm 2019, trồng mở thêm được 3ha. Tất cả đẳng sâm do các hội viên của Hợp tác xã nông nghiệp Ch’ơm trồng, thu hoạch sẽ được Hợp tác xã Đức Huy thu mua để chế biến thành phẩm là cao, mứt và rượu sâm, tạo nên thương hiệu “Đẳng sâm khu 7” đưa ra thị trường.

Gia đình anh A Lăng Nha và chị Pơ Loong Nhới (thôn A Choong, xã Ch’ơm) là hội viên của Hợp tác xã nông nghiệp Ch’ơm. Năm 2018, gia đình anh Nha, chị Nhới được hỗ trợ cây giống đẳng sâm trồng trên diện tích 1ha. Năm vừa rồi, anh chị thu hoạch một phần diện tích, bán được 20 triệu đồng. Vợ chồng anh cùng các con cũng tham gia việc ươm giống đẳng sâm cho hợp tác xã như 1 cách “học kĩ thuật” để sau này có thể có vườn cho riêng mình.

Anh Nhới bảo: “Ai cũng muốn con cái đi học về làm cán bộ, nhưng chúng tôi cũng muốn tạo cho con một cái nghề. Nếu cây đẳng sâm vẫn phát triển theo đà như hiện nay thì chúng tôi có thể làm giàu từ loại cây này mà không phải đi đâu xa. Mỗi năm tích góp một chút sẽ có tiền cho con cái học hành mà không phải lo con phải bỏ học giữa chừng”.

Trung tá Hoàng Thanh Hà, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ga Ry cho biết: “Là giống cây bản địa nên đẳng sâm phát triển rất tốt. Từ khi triển khai đến nay, cả xã Ch’ơm có 162ha, tuy chưa giúp đồng bào Cơ Tu làm giàu, nhưng đã góp phần giúp cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể. Nếu như trước đây, người dân sống phụ thuộc vào rừng bằng việc phát cây làm rẫy hoặc khai thác rừng trái phép thì nay, người dân ý thức hơn việc giữ tán rừng cho cây đẳng sâm phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Cây đẳng sâm vừa giúp người dân xóa đói, giảm nghèo vừa giải quyết bài toán bảo vệ rừng, vậy nên chúng tôi cũng như người dân rất mong trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để cây đẳng sâm có thể phát triển bền vững trên mảnh đất biên cương này”.

Nguyễn Hòa Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cay-xoa-doi-giam-ngheo-o-chom-post436814.html