Cây xanh Hà Nội được chăm sóc như thế nào?

Hiện nay, trên địa bàn các tuyến phố chính của 12 quận ở Hà Nội có khoảng 100 nghìn cây xanh với đường kính lớn. Số lượng cây cổ thụ có đường kính hơn 50cm chiếm khoảng 40% số lượng cây, với những cây này muốn chặt hạ hay dịch chuyển phải xin cấp phép hoặc báo cáo UBND thành phố.

Hiện nay, trên địa bàn các tuyến phố chính của 12 quận ở Hà Nội có khoảng 100 nghìn cây xanh với đường kính lớn. Số lượng cây cổ thụ có đường kính hơn 50cm chiếm khoảng 40% số lượng cây, với những cây này muốn chặt hạ hay dịch chuyển phải xin cấp phép hoặc báo cáo UBND thành phố.

Theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị, “cây xanh đô thị” là cây xanh sử dụng công cộng, cây xanh sử dụng hạn chế và cây xanh chuyên dụng trong đô thị.

Trong đó, cây xanh sử dụng công cộng đô thị là các loại cây xanh được trồng trên đường phố (gồm cây bóng mát, cây trang trí, dây leo, cây mọc tự nhiên, thảm cỏ trồng trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông); cây xanh trong công viên, vườn hoa; cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thị.

Cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị là cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng.

Đối với cây xanh sử dụng công cộng đô thị Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, phát triển nhằm mục đích phục vụ lợi ích cộng đồng. Đối với cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị, các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý.

Tại Hà Nội, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội được giao nhiệm vụ thực hiện công tác chăm sóc cây xanh sử dụng công cộng trên các tuyến phố chính trên địa bàn 12 quận và một số trục giao thông quan trọng của thành phố.

Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, cho biết, theo quy định của UBND thành phố và Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay có khoảng 30 loại cây đã được kiểm chứng phù hợp với đô thị của Hà Nội.

Trong đó có rất nhiều loại cây đẹp như: cây bằng lăng, cây sấu; một số chủng loại cây mới như cây sang, cây ban, cây nhội, cây sao đen, cây bàng lá nhỏ, cây chiêu liêu,…; một số loại cây có hoa đẹp như cây muồng hoàng yến, cây ban,…

Hà Nội cũng có nhiều cây di sản, những cây có tuổi đời hơn 100 năm tập trung chủ yếu ở các tuyến phố như: Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương; một số tuyến phố cũ như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền rồi chung quanh khu vực Bờ Hồ như Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ.

 Cây đa đền Bà Kiệu. (Ảnh: HÀ NAM)

Cây đa đền Bà Kiệu. (Ảnh: HÀ NAM)

Theo ông Nguyễn Đức Mạnh, công tác cắt sửa cây xanh được thực hiện theo đúng quy trình của Sở Xây dựng Hà Nội ban hành.

Đối với những cây bóng mát, tùy thuộc vào chủng loại cây có thể thực hiện hai năm cắt sửa một lần, nhiều chủng loại cây thì 5 năm cắt sửa hai lần, kể cả những cây đô thị và cây cổ thụ.

Đối với những trường hợp trong vòng hai năm, chưa đến kỳ hạn cắt sửa mà cây bị mục ruỗng,… thì công ty phải xử lý ngay, có quy trình xử lý ngay đối với những trường hợp khẩn cấp cần phải xử lý.

Việc thực hiện rà soát các cây bóng mát trên địa bàn được tiến hành thường xuyên theo công tác tuần đường chứ không phải trước hay sau mùa mưa bão. Hằng ngày, các đơn vị quản lý địa bàn của công ty đều thực hiện tiến hành rà soát các cây bóng mát trên địa bàn thành phố.

Riêng với những cây cổ thụ, việc thực hiện công tác cắt sửa khó khăn hơn vì thông thường những cây cổ thụ có đường kính lớn và chiều cao lớn, do đó việc cắt sửa chặt hạ phải cần sử dụng các xe có độ cao lớn để thực hiện. Thêm nữa, với những cây cổ thụ có đường kính lớn bị chết hay sâu mục thì Sở Xây dựng phải xin phép UBND thành phố hoặc báo cáo UBND thành phố để thực hiện công tác cấp phép xử lý.

“Thông thường mỗi năm có khoảng từ 300-500 cây được chặt hạ, nguyên nhân là do cây chết hay cây nguy hiểm hoặc các cây gãy đổ. Tất cả những cây bị chặt hạ đều thực hiện trồng cây mới thay thế”, ông Nguyễn Đức Mạnh cho biết.

Với những cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, theo ông Nguyễn Đức Mạnh, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cũng thường xuyên phối hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, thực hiện công tác cắt sửa, chặt hạ cây.

Thông thường, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hai yêu cầu phối hợp đối với công ty trong việc chăm sóc cây trong khuôn viên: thứ nhất là công tác rà soát, đánh giá tình trạng và chất lượng cây; thứ hai là thực hiện công tác cắt sửa cây.

“Tất cả các yêu cầu phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, thực hiện công tác cắt sửa, chặt hạ cây xanh trên địa bàn thành phố công ty luôn sẵn sàng phối hợp. Từ trước tới nay, số lượt đề nghị công ty cắt sửa, chặt hạ cây từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân là rất nhiều”, ông Nguyễn Đức Mạnh cho biết thêm.

Đề cập đến những thuận lợi và khó khăn trong công tác chăm sóc và bảo tồn cây xanh đô thị hiện nay, ông Nguyễn Đức Mạnh cho biết, hiện nay nhận thức của các tầng lớp nhân dân đối với hệ thống cây xanh và vai trò của cây xanh đã được nâng lên nhờ công tác tuyên truyền của các cơ quan truyền thông; công tác trồng cây, cắt sửa cây, đặc biệt là trước mùa mưa bão nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhân dân. Đó là một thuận lợi trong công tác chăm sóc và bảo tồn cây xanh đô thị.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền của Thủ đô trong thời gian gần đây có sự chỉ đạo rất sát sao về công tác quản lý và phát triển hệ thống cây xanh đô thị.

Một thuận lợi nữa là về khoa học công nghệ chăm sóc cây xanh trong những năm gần đây đã phát triển rất mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chăm sóc và phát triển hệ thống cây xanh đô thị.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác chăm sóc và bảo tồn cây xanh đô thị gặp không ít khó khăn. Thứ nhất là đặc thù hệ thống cây xanh tại Hà Nội được rải rác trên các tuyến phố trong khi mật độ phương tiện giao thông ngày càng gia tăng. Vấn đề thứ hai là trật tự đô thị, việc xâm hại đối với hệ thống cây xanh cũng là một thách thức trong công tác phát triển và quản lý cây xanh đô thị.

Ngoài ra, việc thực hiện công tác cắt sửa trong điều kiện đường phố với mật độ phương tiện ngày càng gia tăng cũng là một khó khăn. Trong những năm trở lại đây, công tác trồng cây trên các tuyến phố thường xuyên phải thực hiện vào ban đêm.

Một vấn đề khác là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhiều tuyến phố vỉa hè chưa đồng bộ vẫn phải thực hiện công tác cải tạo ngoài vỉa hè; hệ thống cáp thông tin, hệ thống viễn thông rồi các công trình hạ tầng khác như hệ thống ngầm, nổi là những yếu tố ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của hệ thống cây xanh.

Giải pháp giảm thiểu cây gãy đổ

Theo ông Nguyễn Đức Mạnh, để giảm thiểu việc cây xanh bị gãy đổ, cần thực hiện một số giải pháp:

Thứ nhất là công tác kiểm tra đánh giá tình trạng chất lượng cây được tiến hành thường xuyên theo định kỳ.

Thứ hai là cây phải được cắt sửa thường xuyên, nhờ đó toàn bộ các cành sâu mục, các cành yếu, có nguy cơ gãy đổ, gây nặng tán, nghiêng tán và các cành ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây sẽ được loại bỏ. Đây là một phương án phòng ngừa rất hiệu quả.

Thứ ba đối với những cây có nguy cơ cao như cây nghiêng, cây sâu mục thì phải được xử lý thay thế ngay.

Khi người dân phát hiện những cây có dấu hiệu nguy hiểm như: cây sâu mục, cây nghiêng, cây nặng tán, cây có nguy cơ gãy đổ nên gọi điện và thông báo ngay cho Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, theo đường dây nóng: 02438228133

BÔNG MAI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/cay-xanh-ha-noi-duoc-cham-soc-nhu-the-nao--619597/