Cây xanh cần thì cứ đốn nhưng…

Để phục vụ cho tuyến đường sắt đô thị, nhiều mảng xanh hàng chục năm tuổi đã phải hy sinh. Người trẻ còn xót xa, huống hồ như tôi, gần như cả đời gắn bó với từng con đường, nhánh cây của thành phố này.

Tháng 5 này, gần 30 cây xanh trên đường Lê Lợi sẽ tiếp tục bị đốn hạ, di dời. Đây là lần thứ tư trong vòng ba năm thành phố thực hiện việc này, 150 cây xanh đã “lên đường”. Tôi biết nhiều người bức xúc muốn bảo vệ cây xanh và phê phán nặng nề chuyện chặt cây đang liên tục diễn ra.

Nhìn những gốc cây to lớn ai mà không tiếc nhưng sự thật là dù không xây đường sắt, những cây xanh lâu năm cũng đến lúc phải chặt bỏ thôi.

Không phải như nhiều người nghĩ là cây sống càng lâu càng quý giá. Cũng như đời người, cây có lúc già và bắt buộc phải chia tay cuộc sống. Trong đô thị, vấn đề tuổi thọ của cây càng cần được quan tâm vì nó liên quan trực tiếp đến an toàn của người dân, nhà cửa, tài sản.

Cây càng lâu năm thì tiềm ẩn mối nguy hiểm càng lớn như trốc gốc, mục cành, sâu bọ. Thậm chí khi quá date cây không còn khả năng sản sinh ôxy nữa mà ngược lại, nó phát sinh độc tố. Đó là lý do ở những nước phát triển họ phải lên sẵn kịch bản phát triển cho cây xanh trong khoảng thời gian rất dài, có khi đến cả chục năm. Họ biết rõ mảng cây nào đến ngày tháng năm nào phải thay thế và luôn chuẩn bị sẵn lực lượng kế thừa. Không bao giờ có chuyện hạ cây này xong mới trồng cây non khác vào để mảng xanh đó… trống mất vài năm chờ đợi cây lớn.

Cây xanh khi cần cứ đốn nhưng quy hoạch cây xanh không thể tách rời khỏi quy hoạch đô thị. Nhà quản lý nói trong vòng năm năm mảng xanh ở trung tâm thành phố sẽ phục hồi. Đó mới là điều đáng buồn trong chiến dịch hy sinh cây, phát triển đường này. Tôi tự hỏi nếu chuẩn bị chu đáo hơn thì có cần thời gian lâu như vậy để hồi phục hay không? Nếu người ta nghĩ tới việc chuẩn bị số cây xanh trẻ, khỏe, đủ lớn để thay thế ngay khi lớp cổ thụ rời đi thì mảng xanh thành phố đâu có đứt khúc lâu đến thế. Nhất là khi thời tiết những ngày này ai cũng thấy có thể nghẹt thở vì nóng, tắc thở vì bụi, một bóng cây quý như thể giọt nước mát lành trong sa mạc vậy.

Tôi nhớ lâu lắm rồi đưa gia đình đi chơi ở một khu du lịch ngoại ô. Nói về các công trình đồ sộ mô phỏng vua Hùng, tứ linh… thì chẳng nơi nào bằng nhưng từ đó tới nay tôi không ghé lại lần nào nữa. Lý do là kiếm mỏi chân không ra được cái gốc cây để ngồi, toàn là nấm bằng xi măng và lá bằng khung sắt. Vậy đó, đôi khi người ta chú trọng bê tông cốt thép quá mà quên mất những cái mềm, mát hơn cũng tối cần thiết cho cuộc sống.

Nguồn PLO: http://plo.vn/ban-doc/ban-doc-viet/cay-xanh-can-thi-cu-don-nhung-699956.html