Cây trồng biến đổi gen và những hệ lụy khôn lường

Những câu hỏi xoay quanh việc thực phẩm biến đổi gen có thực an toàn đối với sức khỏe con người hiện vẫn còn nhiều tranh cãi, song hệ quả kinh hoàng của nó đối với môi trường, hệ sinh thái đã có thể thấy ngay trước mắt.

Sinh vật biến đổi gen được tạo ra bởi việc con người can thiệp trực tiếp thay đổi gen từ cơ thể sinh vật này sang cơ thể sinh vật khác

Hậu quả nhãn tiền

Sinh vật biến đổi gen (GMO) nói chung và cây trồng biến đổi gen nói riêng đã và đang được nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh trên phạm vi toàn cầu nhờ những lợi ích chủ yếu về kinh tế do GMO mang lại. Tuy nhiên, cũng không ít sự nghi ngờ về nguy cơ gây hại do loại cây trồng này gây ra đối với sức khỏe con người và đa dạng sinh học.

Những câu hỏi xoay quanh việc thực phẩm biến đổi gen có thực sự tốt và an toàn đối với sức khỏe con người cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi trong giới chuyên gia nghiên cứu và dư luận. Song, những hệ quả kinh hoàng của nó đối với hệ sinh thái, môi trường và người nông dân thì thực sự đang rất đáng báo động tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Dư luận chắc chắn còn nhớ những thông tin gây chấn động của Trung tâm Nhân quyền và công lý toàn cầu (Center for human rights and global justice - CHRGJ) về việc “cứ 30 phút lại có một nông dân Ấn Độ tự tử vì giống cây biến đổi gen” cách đây chỉ một vài năm trước.

Theo những thông tin của tổ chức này, trong gần hai thập kỷ qua, khoảng 300.000 nông dân Ấn Độ đã tự tử vì cùng quẫn sau những mùa vụ thất bát. Kinh khủng hơn khi số ca nông dân tự tử thậm chí còn chưa tính tới các trường hợp tự tử của những người thân, như một hệ lụy kéo dài của bi kịch.

Điều đáng nói, nguyên nhân mất mùa được nhiều chuyên gia nông nghiệp của quốc gia này khẳng định là do các giống cây trồng biến đổi gen, đặc biệt là giống bông Bt không phát huy hiệu quả như hứa hẹn. Người nông dân ngày càng lệ thuộc vào giống cây trồng và phân bón với giá cả đắt đỏ gây nợ nần, kiệt quệ về kinh tế.

Câu chuyện của người nông dân Ấn Độ với cây trồng biến đổi gen cũng giống như người dân Philippines với "gạo vàng", hay ngay tại Việt Nam, người dân Sơn La nhiều năm gần đâu cũng cũng đang “khổ sở” vì trồng ngô biến đổi gen.

Cây trồng biến đổi gen không chấm dứt được nạn đói trên thế giới

Nếu như giai đoạn 2012 - 2013, người dân Sơn La những tưởng rằng mình đã thực sự "đổi đời" nhờ trồng giống ngô này. Giá ngô đã có lúc tăng đến 65nghìn/kg, trong khi đó nhờ trồng cây biến đổi gen, sản lượng cũng tăng mạnh khiến người dân vừa được mùa vừa được giá thì hiện nay, theo ông Lò Văn Sinh, huyện Yên Châu, Sơn La, người dân nơi đây đang phải trả giá hết sức năng nề.

Theo ông Sinh, có một thực tế mà người nông dân Sơn La không thể ngờ tới là cây ngô biến đổi gen chỉ cho năng suất cao trong hai năm đầu. Đến năm thứ 3, sản lượng ngô giảm 20%, năm thứ 4 chỉ còn một nửa và tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

"Kỳ lạ hơn, khi trồng giống cây này, chỉ sang đến năm thứ ba, đất đai bắt đầu khô cằn, “đất chết” có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường”, ông Sinh cho hay. Điều này buộc người dân phải đổ tiền mua phân bón, mà mua càng nhiều giá phân càng tăng vọt. Người dân bị phụ thuộc cả về giống và phân bón của nhà sản xuất, đội giá thành lên cao trong khi năng suất ngày càng giảm dẫn đến thua lỗ nặng nề.

Nguy hiểm hơn, phân lớn diện tích đất trồng ngô biến đổi gen tại Sơn La đều là đất đồi, sau khi trồng giống cây này khiến đất đai kiệt quệ thì lại rất khó khắc phục để cải tạo đất trở lại như ban đầu. Người dân dùng mọi cách như bón phân, dùng phân hữu cơ cơ, bùn ao đều không mấy tác dụng.

Diện tích đất vốn trước đây trồng ngô nay không những không thể trồng ngô mà e rằng khó có loại cây trồng nào có thể sinh trưởng được, ông Sinh lo lắng chia sẻ.

Nguy cơ phá hủy môi trường sinh thái

Lý giải những tác động của cây trồng biến đổi gen đối với môi trường tự nhiên và hệ sinh thái, tại Tọa đàm “Các bên liên quan về biến đổi gen” do Viện Phát triển doanh nhân cộng đồng (CENDI) tổ chức, TS. Phan Đình Nhã, Viện Tư vấn và phát triển (Viện CODE) cho rằng, sinh vật biến đổi gen được tạo ra bởi việc con người can thiệp trực tiếp thay đổi gen, chuyển một vài gen từ cơ thể sinh vật này sang cơ thể sinh vật khác khiến cơ thể sinh vật nhận gen sẽ mang một số đặc tính sinh học mới do gen đã chuyển vào tạo ra.

Với việc làm này, con người kỳ vọng sẽ làm tăng năng suất, giảm thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thự vật, cải thiện chất lượng sản phẩm, loại bỏ các chất độc hại.

Tuy nhiên, theo ông Nhã, phương pháp này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro do công nghệ gen không an toàn, thủ tiêu quá trình sinh sản tự nhiên, công nghệ gen có tính đột biến cao và thường xuyên vượt khỏi giới hạn.

Doanh nhân Phạm Anh Tuấn và khát vọng xây dựng bản đồ nông nghiệp Việt

Vị chuyên gia này cho rằng, nguy cơ rủi ro đối với sức khỏe con người khi sử dụng sản phẩm biến đổi gen hiện chưa có bằng chứng chính thức, song những hệ quả khôn lường của nó đối với môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học là rất nguy hiểm và đáng báo động.

Việc trồng cây biến đổi gen sẽ làm tăng guy cơ phát tán sinh vật GMO ra môi trường thông qua xâm lấn hoặc tăng khả năng cạnh tranh do không kiểm soát được. Nguy cơ chuyển các vật liệu di truyền tái tổ hợp và các đặc tính liên quan vào các cơ thể sinh vật khác không có chủ đích thông qua thụ phấn chéo và guy cơ diệt các loại sinh vật không cần diệt.

Nghiêm trọng hơn, đối với môi trường tự nhiên, việc trồng cây trồng biến đổi gen gây suy thoái đất, gây ô nhiễm nguồn nước ngấm vào lòng đất, gây bệnh tật cho gia súc, gia cầm và môi trường.

Theo ông Nhã, đã có nhiều cuộc biểu tình phản đối GMO đã diễn ra tại nhiều quốc gia nhất là khối EU và cũng có những thông tin chứng minh cho sự không hiệu quả và không an toàn của GMO. GMO không có sự khác biệt đáng kể về năng suất; không giúp tiết kiệm chi phí; không giúp giảm nghèo, thậm chí ngược lại; làm cho sâu bệnh trở nên kháng thuốc. Cây trồng biến đổi gen có thể ảnh hưởng bất lợi tới môi trường; tiềm ẩn ảnh hưởng bất lợi tới sức khỏe con người và vật nuôi.

Về những tác động của GMO đối với người nông dân, bà Kartini Samon, đại diện Tổ chức Grain (Indonesia) cũng cho rằng, thực tế tại Châu Mỹ - La Tinh, nơi đậu nành biến đổi gen được trồng trên diện rộng, việc sử dụng thuốc diệt cỏ đã tăng vọt, đạt mức trên 550 lít/năm, gây ra hậu quả đáng lo ngại cho sức khỏe của những người dân nơi đây.

Nguy hiểm hơn, theo bà Kartini, cây trồng biến đổi gen còn làm cạn kiệt chất dinh dưỡng trong đất, dẫn đến phải dùng nhiều phân bón hơn. Người dân do đó ngày càng bị lệ thuộc vào phân bón và giống cây trồng từ các công ty GMO dẫn đến ngày càng nợ nần. Tiếp sau đó là những tác hại khôn lường đến môi trường sinh thái, đất nước và đa dạng sinh học.

Nếu lựa chọn phát triển cây trồng biến đổi gen, con người sẽ phải đánh đổi rất lớn với môi trường sinh thái. Do đó, chỉ khi có kết quả đánh giá rõ ràng về nguy cơ rủi ro, đặc biệt đối với sức khỏe con người mới nên áp dụng trồng giống cây này. Và chỉ phát triển ở vùng có khả năng kiểm soát, quản lý an toàn sinh học, vị chuyên gia này khuyến cáo.

Thu Phương

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cay-trong-bien-doi-gen-va-nhung-he-luy-khon-luong-20180522100130055.htm