Cây tre thần lấp lánh vẻ đẹp văn hóa Việt

Sau thành công từ nhiều vở diễn mang âm hưởng dân gian như Tấm Cám, Thị Nở - Chí Phèo, Huyền thoại Gò Rồng Ấp..., sân khấu kịch xã hội hóa Lệ Ngọc mới đây lại vừa cho ra mắt vở diễn Cây tre thần theo phong cách này. Với nhiều sáng tạo độc đáo trong dàn dựng, vở diễn chuyển tải thông điệp ý nghĩa về đạo đức, tình yêu, sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác và câu chuyện về bảo vệ môi trường.

Một cảnh trong vở Cây tre thần.

Một cảnh trong vở Cây tre thần.

Sau thành công từ nhiều vở diễn mang âm hưởng dân gian như Tấm Cám, Thị Nở - Chí Phèo, Huyền thoại Gò Rồng Ấp..., sân khấu kịch xã hội hóa Lệ Ngọc mới đây lại vừa cho ra mắt vở diễn Cây tre thần theo phong cách này. Với nhiều sáng tạo độc đáo trong dàn dựng, vở diễn chuyển tải thông điệp ý nghĩa về đạo đức, tình yêu, sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác và câu chuyện về bảo vệ môi trường.

Cây tre thần được tác giả Lê Thế Song phóng tác dựa trên truyện cổ tích “Cây tre trăm đốt”, một tích truyện đã rất quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt Nam. Tuy nhiên, thưởng thức vở diễn, người xem vẫn vô cùng hào hứng, tò mò với những gì diễn ra trên sân khấu, bởi qua cách làm mới khá thông minh của ê-kíp sáng tạo, tích truyện xưa đã được khoác một tấm áo mới, quen mà vẫn lạ, giàu tính chiến đấu nhưng cũng đầy lãng mạn và giàu chất thơ. Vẫn là câu chuyện xoay quanh anh nông dân nghèo muốn lấy được con gái của địa chủ phải đi tìm bằng được cây tre trăm đốt, vẫn là câu chuyện về câu thần chú “khắc nhập, khắc xuất” để trừng trị cái ác, song mạch truyện của Cây tre thần đã được kết cấu lại đầy mạch lạc với nhiều chi tiết, tình huống góp phần nêu bật tính cách của từng tuyến nhân vật và đẩy mâu thuẫn, xung đột lên mức cao trào. Những chi tiết được đưa vào như việc ông bà Chánh bắt Chum, Vại về làm người hầu để trừ nợ dần; bà Chánh đã chồng con đề huề vẫn ve vãn quan lớn để moi thêm của cải và giúp chồng thoát tội; những chi tiết đặc tả diễn biến tình yêu của chàng nông dân tên Đức và cô gái tên Hạnh con phú ông, hay việc Hạnh cố tình giả điên để không phải làm dâu nhà quan lớn, quyết chờ đợi người thương... là những chi tiết khá “đắt” giúp câu chuyện trở nên chặt chẽ, hợp lý và thuyết phục hơn. NSƯT Bùi Như Lai chia sẻ, đảm nhận vai trò đạo diễn, anh cảm thấy khá áp lực bởi làm hấp dẫn một cốt truyện đã quá quen thuộc là thách thức không nhỏ. Hơn nữa, trước anh, hàng loạt các đạo diễn tài ba như NSND Lê Hùng, NSND Anh Tú cũng đã từng thử sức với tích truyện này. Song khi theo dõi Cây tre thần, người xem mới cảm thấy áp lực này đã hoàn toàn được giải tỏa khi đạo diễn và ê-kíp sáng tạo chinh phục khán giả mọi lứa tuổi bằng cách sử dụng ngôn ngữ đối thoại kết hợp ngôn ngữ hình thể và mở rộng không gian sân khấu, cùng với đó là những yếu tố hài hước, giàu tính giải trí. Cũng nhờ đó mà tính thơ, tính lãng mạn của vở diễn trở nên đậm đặc.

Đề cập tới một biểu tượng văn hóa Việt Nam, đó là hình ảnh cây tre, ê-kíp sáng tạo tỏ ra khá khéo léo trong dàn dựng khi đã phủ xanh cả sân khấu bằng hình ảnh quen thuộc của những lũy tre làng. Trong không gian xanh rất đặc trưng ấy, vang lên tiếng sáo tre hòa cùng những bài hát dân ca, những điệu múa truyền thống, những trò chơi dân gian và cả những điệu võ sáo... Tất cả đã làm nên một không gian đậm chất văn hóa Việt Nam. Cùng với đó, vở diễn còn khai thác câu chuyện về sự nổi giận của tiên tre trước hành động chặt cây, đốn rừng. Qua đó, chở đi tiếng gọi trở về bản ngã dân tộc và tôn vinh biểu tượng trường tồn cùng lịch sử Việt Nam. Thông qua việc lý giải ý nghĩa, sức mạnh của cây tre, lũy tre trong đời sống và văn hóa Việt Nam, vở diễn còn mang đến một thông điệp mạnh mẽ về việc phải phủ xanh làng xã, đất nước, bảo vệ môi trường và gìn giữ văn hóa Việt. Làm nên sức hấp dẫn của Cây tre thần, bên cạnh những độc đáo trong dàn dựng, thiết kế sân khấu, còn phải kể tới diễn xuất khá “ngọt” của các diễn viên. Các vai diễn bà Chánh (NSND Lệ Ngọc), ông Chánh (nghệ sĩ Thanh Bình), Đức (nghệ sĩ Lâm Cương) để lại ấn tượng đậm nét trong lòng khán giả. Bên cạnh đó, tuyến nhân vật phụ như Bạch Hổ (nghệ sĩ Sỹ Hoàng), hay Chum, Vại cũng là những điểm nhấn khá thú vị làm nên thành công của vở diễn.

Dự kiến, sau những suất diễn ở Hà Nội, Cây tre thần sẽ được sân khấu Lệ Ngọc mang đi biểu diễn ở TP Hồ Chí Minh. Vở diễn cũng được lên kế hoạch sẽ lưu diễn quốc tế để phục vụ các kiều bào Việt Nam. Với vở diễn này, thêm một lần nữa, sân khấu Lệ Ngọc-sân khấu kịch xã hội hóa hiếm hoi của khu vực phía bắc lại khẳng định sự kiên trì trong xu hướng tìm về khai thác những giá trị văn hóa truyền thống. NSND Lệ Ngọc, Giám đốc sân khấu Lệ Ngọc chia sẻ: Sự thành công từ những vở diễn được dàn dựng theo hướng này chính là động lực để sân khấu Lệ Ngọc tiếp tục cố gắng với con đường mình đã chọn, để thông qua sân khấu khẳng định, tôn vinh và quảng bá những giá trị văn hóa Việt.

TRANG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/43419302-cay-tre-than-lap-lanh-ve-dep-van-hoa-viet.html