Cây thước gỗ của thầy giáo làng

Tôi vẫn còn nhớ như in câu chuyện về người thầy dạy học của mình. Thời trẻ có nhiều cơ hội, song thầy đã chọn con đường kế nghiệp cha mình-nghề 'gõ đầu trẻ'.

Trước lúc về với thế giới bên kia, ông cụ thân sinh để lại cho thầy một “di sản” của cuộc đời. Khi đem mở chiếc hộp mà cha để lại, thầy rất bất ngờ bởi đây là một cây thước gỗ đã mòn vẹt cạnh theo thời gian và lấm màu phấn trắng. Chính cây thước gỗ đó sau này đã cùng thầy lên lớp, răn dạy chúng tôi những điều thẳng ngay, những điều hay lẽ phải đời.

Nhớ cây thước gỗ của thầy, tôi nhớ về hình ảnh cây thước trên bàn tay run run đặt những nét phấn thẳng hàng trên bảng và tiếng thước gõ "cạch, cạch, cạch"... theo mỗi câu, mỗi nhịp mà chúng tôi tập đọc. Cây thước ấy, cũng có lần thầy "kỷ niệm" chúng tôi những cái vụt vào bàn tay hay vào mông khá đau. Mỗi lần như vậy, chúng tôi lại khoanh tay nhận lỗi với thầy. Giờ ra chơi, thầy hỏi thăm, bị thầy đánh có đau không rồi khuyên bảo lần sau không được phạm lỗi nữa. Hình ảnh người thầy nghiêm nghị nhưng đầy tình thương yêu học trò trên chiếc xe đạp cà tàng, đằng sau buộc chiếc cặp cũ và cây thước gỗ theo chúng tôi khôn lớn từng ngày.

Chính cây thước gỗ và những bài học về đạo lý làm người đã giúp chúng tôi trưởng thành. Càng nghĩ về thầy, tôi càng nhớ hình ảnh cây thước gỗ của một thời đến lớp. Giờ đây, hẳn trên bục giảng cũng ít dần đi những cây thước gỗ. Và những cô cậu học trò tinh nghịch cũng không phải tìm cách giấu đi cây thước của thầy như chúng tôi hồi ấy. Khi phải nghe những hình phạt, thậm chí sự "tra tấn" cả về thể xác lẫn tinh thần của một số thầy giáo, cô giáo trẻ bây giờ không khiến mọi người khỏi... bàng hoàng. Một cô giáo trẻ tưởng chừng sẽ nhiệt huyết với nghề, sẽ dành tình yêu thương cho trò thì lại phạt học sinh bằng cách cho em uống nước từ giẻ lau bảng. Lại một cô giáo khác “tra tấn” tinh thần học sinh của mình bằng cách im lặng khi lên lớp suốt 3 tháng trời...

Hình phạt trước hết đó là sự răn đe dạy dỗ. Hình phạt trong nhà trường lại càng cần phải có tính giáo dục hơn. Khi thầy cô giáo phạt trẻ xuất phát từ tình yêu thương, từ sự lo lắng cho trò thì hẳn sẽ không vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận như vậy.

Song, nói đi cũng phải nói lại. Dường như, nhiều cậu ấm, cô chiêu bây giờ được cha mẹ quá nuông chiều. Nhiều cha mẹ đã làm hư trẻ. Dĩ nhiên, với mỗi ông bố, bà mẹ thì con trẻ chính là tương lai, là “tài sản” quý giá nhất của cuộc đời mình. Song, đừng xem con là những "cục vàng" vô hồn để phải ôm ấp, bao bọc đến mức phản ứng tiêu cực khi thầy cô giáo có những hình thức răn dạy con mình. Đã có phụ huynh sử dụng bạo lực với thầy cô của con. Có người lại xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của giáo viên đang dạy dỗ con mình.

Môi trường giáo dục vẫn cần những cây thước gỗ ngay thẳng nhưng đầy tình thương yêu của người thầy. Chắc hẳn điều đó cũng nhận được sự đồng thuận của các gia đình và cả xã hội khi có con em ở độ tuổi đến trường.

TUẤN VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/cay-thuoc-go-cua-thay-giao-lang-536416