Cây sơn tra giúp bà con cải thiện sinh kế

Đề án phát triển sơn tra tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu đến năm 2020 trồng mới và phát triển 2.400 héc-ta sơn tra, đưa diện tích sơn tra toàn huyệnđạt trên 4.578 héc-ta. Sau 3 năm triển khai thực hiện, Đề án đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ và phát triển rừng, cảithiện sinh kế cho người dân.

Huyện Trạm Tấu hiện có 3.436 héc-ta sơn tra, trong đó có 800 héc-ta đã cho thu hoạch. Trung bình mỗi năm người dân thu về 3,15 tỷ đồng từ bán quả sơn tra. Nhờ trồng sơn tra, nhiều hộ gia đình không những đủ ăn mà còn mua được xe máy, ti vi.

Cần nâng cao chuỗi giá trị trong trồng và chế biến sơn tra

Thực hiện Đề án phát triển sơn tra, huyện Trạm Tấu đã đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân. Qua đó đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế từ cây sơn tra cho bà con. Thông qua Đề án, việc sử dụng quy hoạch cho lâm nghiệp hiệu quả hơn, góp phần giải quyết việc làm cho 2.047 hộ dân. Ngoài tiền khoán bảo vệ rừng từ Chương trình 30a, tiền dịch vụ môi trường rừng, người dân đã tăng thu từ công trồng chăm sóc rừng và đến nay bình quân mỗi hộ thu nhập đạt 4,7 triệu đồng/năm. Không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, Đề án đã góp phần nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ và phát triển rừng trồng, giảm bớt khai thác rừng bừa bãi, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng khả năng phòng hộ của rừng đầu nguồn.

Theo Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, từ năm 2016 đến nay, huyện đã trồng mới 1.478 héc-ta sơn tra, đưa diện tích sơn tra lên 3.436 héc-ta, đạt 61,5% kế hoạch của Đề án. Phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích sơn tra đạt 4.578 héc-ta. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án còn gặp nhiều khó khăn. Các hộ dân chủ yếu là hộ nghèo chưa chủ động trồng rừng để phát triển sơn tra ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước. Đặc biệt, trong các hạng mục của Đề án, có hạng mục đầu tư trồng rừng phòng hộ, sản xuất và đây là diện tích chủ yếu nhưng đến nay không được trung ương bố trí nguồn vốn nên thiếu vốn cho chăm sóc. Diện tích đất trống mà cây sơn tra có thể sinh trưởng và phát triển tốt hiện đang bị người dân bao chiếm, xâm lấn làm nương rẫy, bãi chăn thả, xen kẽ. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân chưa thực sự quan tâm đến lợi ích của gia đình trong phát triển chung của cộng đồng để phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo định hướng quy hoạch. Việc thu hái quả sơn tra non làm ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng, sản lượng gây thiệt hại đáng kể về kinh tế. Thị trường tiêu thụ còn nhỏ lẻ, chưa có quy mô để kiểm tra, kiểm soát tạo thành sản phẩm trong chuỗi hàng hóa của vùng…

Để thực hiện hiệu quả Đề án, trong thời gian tới, huyện Trạm Tấu tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, hiệu quả kinh tế của cây sơn tra. Từ đó, giúp người dân có ý thức phát triển sơn tra và chuyển đổi nhận thức. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích các nguồn lực đầu tư cho cây sơn tra từ các hộ dân và liên doanh, liên kết, tổ hợp tác, nhóm sở thích; tăng cường quản lý giống, lựa chọn giống tốt và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong gieo tạo, sản xuất cây giống; lựa chọn đất trồng phù hợp và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và nông lâm kết hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây sơn tra. Huyện Trạm Tấu cũng đề nghị tỉnh bổ sung vốn từ ngân sách để thực hiện trồng 522 héc-ta sơn tra trên đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển rừng phòng hộ; 200 héc-ta trồng sơn tra trên đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển rừng sản xuất; 196 héc-ta trồng thuần loài sơn tra trên đất nương rẫy kém hiệu quả; bố trí nguồn vốn chăm sóc 475 héc-ta rừng trồng phòng hộ đã trồng theo Đề án phát triển sơn tra.

Giáng My

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/cay-son-tra-giup-ba-con-cai-thien-sinh-ke-108026.html