Cây sáng kiến ở Trường Sĩ quan Lục quân 2

Trong cuốn kỷ yếu truyền thống Trường sĩ quan Lục quân 2 có một tấm gương được nhiều cán bộ, nhân viên, học viên, chiến sĩ nhà trường biết đến và không khỏi cảm phục bởi sự tận tụy, yêu nghề, hết lòng với nhiệm vụ chuyên môn.

Anh là Thiếu tá QNCN Đặng Duy Đoàn, Trung đội trưởng Kho quân khí, Phòng Kỹ thuật, Trường Sĩ quan Lục quân 2.

Hình ảnh ấy cùng với đoạn video clip do Trường Sĩ quan Lục quân 2 thực hiện nhằm tôn vinh các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có Thiếu tá QNCN Đặng Duy Toàn giúp chúng tôi phần nào hiểu thêm về anh, một tấm gương lao động sáng tạo, không biết mệt mỏi, đã cống hiến, góp phần dựng xây nhà trường trên rất nhiều lĩnh vực. Vừa thành công trong phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, anh vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là một chiến sĩ trên mặt trận dân vận; thông tin viên của nhà trường, đồng thời còn là cộng tác viên tích cực của Báo Quân đội nhân dân.

 Thiếu tá QNCN Đặng Duy Toàn hướng dẫn nhân viên thực hiện quy trình bảo quản vũ khí trang bị.

Thiếu tá QNCN Đặng Duy Toàn hướng dẫn nhân viên thực hiện quy trình bảo quản vũ khí trang bị.

Đến thăm kho quân khí do Thiếu tá QNCN Đặng Duy Toàn phụ trách, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi là tít chữ: “Súng đạn là tài sản mồ hôi nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội, vì vậy phải biết quý trọng nó, phải biết tiết kiệm, ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý”. Lời căn dặn ấy của Bác Hồ từ lâu đã ngấm vào tim, óc và trở thành mệnh lệnh không lời của người lính kho - công việc thầm lặng, đặt ra yêu cầu, đòi hỏi phải có niềm say mê, tâm huyết và sự sáng tạo trong mọi điều kiện hoàn cảnh. Phải chăng từ lý do đó mà mỗi chiến sĩ ngành quân khí luôn khắc dạ ghi tâm: “Quản lý khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”.

Bước vào căn phòng làm việc của Trung đội trưởng Đặng Duy Đoàn, căn phòng vừa để làm việc vừa sử dụng làm phòng chuyên dùng của cán bộ trung đội trưởng quân khí, xung quanh đều là vũ khí, trang thiết bị được trưng bày gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, bảo đảm an toàn. Trao đổi với anh, chúng tôi nhận thấy: Cuộc đời quân ngũ của anh gắn bó với ngành quân khí như là duyên nợ. Ước mơ cháy bỏng được khoác lên mình bộ quân phục màu xanh áo lính đã thôi thúc chàng trai vừa tròn 20 tuổi lên đường nhập ngũ (năm 1990), mang trong mình bao tâm nguyện của gia đình; ước mơ, hoài bão và khát vọng tuổi trẻ được cống hiến vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau 3 tháng huấn luyện ở Sơn Tây, Hà Tây (nay là Hà Nội), Đặng Duy Toàn được cử đi đào tạo tại Trường Trung cấp vũ khí đạn tại TP Huế. Năm 1992, tốt nghiệp ra trường, anh về nhận công tác tại Phòng Kỹ thuật, Trường Sĩ quan Lục quân 2. Với sự sáng tạo và khả năng tư duy tốt cùng tình yêu nghề hết mực nghiệp, anh cùng tập thể đơn vị từng bước dựng xây trung đội kho ngày càng vững mạnh.

Từ một thủ kho vũ khí đến cương vị trung đội trưởng trung đội kho năng động, sáng tạo, người “đứng mũi chịu sào” của một đơn vị trực tiếp quản lý vũ khí, đạn dược của nhà trường với số lượng và chủng loại vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) đa dạng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Đội ngũ nhân viên, chiến sĩ trong trung đội có tuổi đời, tuổi quân không đồng đều, nhiều đồng chí gia đình khó khăn… đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ huy hết sức sáng tạo, linh hoạt. Từ yêu cầu đó, Thiếu tá QNCN Đặng Duy Toàn cùng tập thể trung đội khắc phục mọi khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong thực hiện nhiệm vụ, với lòng nhiệt huyết say mê, công tác và tác phong sâu sát tỉ mỉ, anh luôn quán triệt, nhắc nhở nhân viên, chiến sĩ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy trình vận chuyển, bảo dưỡng, bảo quản; đồng thời tổ chức tuần tra canh gác, bảo đảm an toàn hệ thống kho tàng cũng như bảo đảm cấp phát vũ khí, khí tài, đạn dược phục vụ huấn luyện, SSCĐ của nhà trường.

Bên cạnh đó, anh đã tổ chức trung đội làm tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, góp phần xây dựng duy trì và nâng cao hệ số, bảo đảm trang bị, hệ số kỹ thuật để các loại vũ khí trang bị, đạn dược phục vụ tốt cho việc huấn luyện, SSCĐ, phát huy tốt tính năng, tác dụng bảo đảm an toàn. Từ ngày làm công tác quản lý, anh chưa hề để xảy ra tình trạng cấp nhầm, cấp thiếu hay thiếu tinh thần trách nhiệm buông lỏng công tác quản lý làm thất thoát vũ khí trang bị.

Thiếu tá QNCN Đặng Duy Toàn kiểm tra công tác cất giữ vũ khí, trang bị kỹ thuật.

Từ tính chất đặc thù của trung đội, anh luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu nhằm cải tiến kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện của nhà trường. Qua nhiều năm miệt mài, nung nấu, trăn trở nghiên cứu, chế tạo, năm 1996, anh đã có sáng kiến đầu tay của mình: Sáng kiến thiết kế, chế tạo làm dụng cụ chuyên dùng để tháo ốp lót tay trên của súng tiểu liên AK và súng trung liên RPK đã được Hội đồng khoa học nhà trường thẩm định, đánh giá đạt loại xuất sắc và nhanh chóng đi vào thực tiễn. Sáng kiến này đến nay vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục được áp dụng vào khai thác, sử dụng tốt vũ khí trang bị, phục vụ yêu cầu huấn luyện, SSCĐ.

Từ thành công đầu tay đã tiếp thêm sức mạnh, lòng nhiệt huyết, giúp anh tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu. Một thời gian sau, những “đứa con tinh thần” của anh lần lượt được Hội đồng khoa học của Nhà trường thẩm định và đưa vào ứng dụng rộng rãi, như: Sáng kiến ứng dụng tăng tiết diện của kính hiệu chỉnh trực tiếp súng máy phòng không 14,5mm cho pháo cao xạ 23mm (năm 1997); sáng kiến thiết kế, chế tạo bộ dụng cụ chuyên dùng tháo nòng súng máy phòng không 12,7mm khi nòng bị kẹt (năm 1998); sáng kiến thiết kế chế tạo Bộ dụng cụ chuyên dùng tháo đuôi nòng cối 82 và cối 100 (năm 2009). Rồi sáng kiến thiết kế, chế tạo bộ dụng cụ chuyên dùng hiệu chỉnh súng ngắn K.54 và K.59 (năm 2010). Các sáng kiến trên đều được Hội đồng khoa học Trường Sĩ quan Lục quân 2 đánh giá là đề tài đạt xuất sắc, góp phần vào việc khai thác tính năng sử dụng VKTBKT, bền, an toàn tại đơn vị nói riêng và nhà trường nói chung, hạn chế được hỏng hóc, tiết kiệm đến mức tối đa thời gian và chi phí, phục vụ kịp thời cho việc học tập, huấn luyện, SSCĐ.

Không thỏa mãn với những thành công đã đạt được, mới đây, anh tiếp tục đăng ký đề tài cấp trường: Chế tạo thêm bộ phận lắp bánh xe phụ lắp cho pháo 105mm. Anh tâm sự với chúng tôi: Nếu đề tài này thành công sẽ góp phần rất đáng kể vào tiết kiệm công sức và chi phí: Cụ thể, sẽ giảm được nhân công cũng như sức lực của đội ngũ thợ khi phải kéo đẩy pháo để bảo quản, hoặc sửa chữa. Ngoài ra, khi huấn luyện sĩ quan pháo binh dự bị, bánh xe phụ sẽ giúp khẩu đội pháo dễ dàng thực hiện thao tác đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa cơ động nhanh hơn, không phải tốn quá nhiều sức của bộ đội khi tập trung nâng 2 càng pháo để đẩy và bảo đảm được an toàn.

Quả thật, tiếp xúc với anh và những người lính ngành quân khí, chúng tôi mới thấy được hết công việc của họ thật nặng nhọc, vất vả. Môi trường làm việc vừa nguy hiểm, vừa độc hại vì phải thường xuyên tiếp xúc với vũ khí đạn dược, dầu mỡ, hóa chất nên yếu tố cẩn trọng, tỉ mỉ, độ chính xác cao luôn đặt lên hàng đầu. Thiếu tá QNCN Đặng Duy Đoàn, cho biết: “Nhiều năm qua đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng súng pháo, khí tài đạn dược; cấp phát, tiếp nhận vũ khí trang bị cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, hội thao, hội thi và xử lý đạn dược”.

Thiếu tá QNCN Đặng Duy Toàn không chỉ được biết đến là “cây sáng kiến” của Phòng Kỹ thuật, Trường Sĩ quan Lục quân 2 mà còn là tấm gương sáng trong công tác dân vận. Nhiều năm liền anh tự bỏ tiền lương của mình để mua sách bút, vở tặng các cháu học sinh nghèo vượt khó tại Long Đức 2 – Phường Tam Phước, Biên Hòa, Đồng Nai. Việc làm giàu ý nghĩa của anh được các cấp chính quyền địa phương và nhà trường ghi nhận, đánh giá cao. Sơ kết Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, anh vinh dự được Trường Sĩ quan Lục quân 2 tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương về công tác dân vận.

Đặc biệt, anh còn là một cây viết không chuyên xuất sắc với hàng trăm bài báo được đăng tải trên các báo từ Trung ương đến địa phương. Thiếu tá QNCN Đặng Duy Toàn luôn đặt ra chỉ tiêu, hằng tháng phải có hai tin, bài được đăng trên Báo Quân đội nhân dân và một bài trên Tạp chí Kỹ thuật trang bị của Tổng cục Kỹ thuật. Với những kết quả đạt được trên lĩnh vực tuyên truyền, anh được nhận Bằng khen “Vì có nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền” của nhà trường trao tặng. Với những cống hiến không mệt mỏi của Trung đội trưởng trung đội kho 50 năm tuổi đời, 30 năm tuổi quân, 27 năm tuổi Đảng, Thiếu tá QNCN Đặng Duy Đoàn nhận được nhiều phần thưởng cao quý: 5 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 16 năm đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đặc biệt, anh là người duy nhất của Trường Sĩ quan Lục quân 2 từng hai lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp toàn quân; 1 lần được tôn vinh lao động sáng tạo 5 năm (2006-2011) cấp toàn quân do Ban Công đoàn Quốc phòng tổ chức. Tham gia hội thi sáng kiến cấp toàn quân năm 2017–2018, anh đoạt giải 3.

Anh xứng đáng với danh hiệu "cây sáng kiến" mà đồng chí, đồng đội thường nhắc đến, người có duyên với các giải cấp toàn quân, là tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo.

Bài và ảnh: NGUYỄN HIỀN- LƯƠNG LĨNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/cay-sang-kien-o-truong-si-quan-luc-quan-2-626754