Cây sâm dây ở Kon Tum

Huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây dược liệu gồm sơn tra, sâm đương quy, ngũ vị tử… trong đó có cây sâm dây. Để giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, chính quyền địa phương đã xác định cây dược liệu là cây trồng chủ lực.

Nhân giống cây sâm dây.

Nhân giống cây sâm dây.

Cũng như ở Tu Mơ Rông, những năm qua, bà con huyện Đăk Glei (Kon Tum) rất phấn khởi phát triển diện tích trồng cây sâm dây. Đặc biệt, đối với mô hình trồng sâm dây, vai trò của Hội Phụ nữ rất nổi bật.

Có thể nói, từ khi Tổ hợp tác phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây tại 2 xã Ngọc Linh và Mường Hoong do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp cùng Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đăk Glei thành lập đi vào hoạt động, đến nay diện tích cây sâm dây tại huyện tăng lên đáng kể. Cũng từ sự giúp đỡ của Hội phụ nữ mà nhiều chị em hội viên đã vay được vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để trồng và mở rộng diện tích vườn sâm dây của gia đình.

Được biết, tại làng Tân Rát (xã Ngọc Linh), từ năm 2017, mô hình Tổ liên kết “Phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây” tại 2 xã Ngọc Linh và Mường Hoong đã có sự tham gia của 59 chị (29 chị làng Tân Rát, 10 chị làng Kon Tua thuộc xã Ngọc Linh; 10 chị làng Mới, 10 chị làng Mô Po thuộc xã Mường Hoong). Từ số tiền 30 triệu đồng do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh hỗ trợ, Tổ liên kết hỗ trợ cây giống cho 6 chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của 2 xã, mỗi chị được hỗ trợ 50kg giống (tương đương số tiền 5 triệu đồng); 53 chị còn lại dùng tiền tiết kiệm, chủ động vay, mượn từ người thân để có kinh phí mua giống.

Sau hơn 1 năm, đến tháng 12/2018, các thành viên Tổ liên kết bắt đầu thu hoạch, xuất bán được gần 1 tấn củ sâm dây tươi, hơn 100kg củ sâm dây khô và hơn 200kg lá sâm dây. Mỗi thành viên Tổ liên kết được vài trệu đồng. Từ đó Tổ liên kết có thêm thành viên, lên tới hơn 100 chị. Diện tích trồng sâm dây cũng lớn hơn, đạt 12,3ha.

Tới nay “Tổ liên kết phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây” đã trở thành “Tổ hợp tác phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây”. Từ đó, nguồn vốn vay được từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng tăng lên.

Đáng chú ý, để cây sâm dây phát triển tốt, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đăk Glei đã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dạy nghề và Trạm Bảo vệ thực vật huyện theo dõi, kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện sâu bệnh, hướng dẫn các chị xử lý đất, trồng lại mới để đảm bảo kịp mùa vụ. Đến nay, hầu hết diện tích vườn sâm dây của các thành viên trong Tổ hợp tác sinh trưởng ổn định, một số gia đình đã thoát nghèo.

Tuy nhiên, việc trồng sâm dây đang bị “vướng” ở chỗ không ít đối tượng kinh doanh sâm dây giả. Vậy, phân biệt sâm dây thật - giả thế nào? Quan trọng nhất là cần phân biệt sâm dây Kon Tum (đảng Sâm) với sâm núi, sâm cao cẳng (Bách Bộ), trong khi bề ngoài các loại sâm này khá giống nhau. Thực tế thì sâm dây là một vị thuốc quý khi ngâm sẽ có vị ngọt và thanh mát. Củ sâm được trồng 2 năm có tác dụng bồi bổ cơ thể, còn sâm bách bộ thu hoạch sớm hơn và có công dụng dùng trị ho, giun đũa, giun kim. Bề ngoài 2 củ này về tươi rất giống nhau và khi phơi khô nhìn rất khó phân biệt. Vì thế, cần có sự vào cuộc của chính quyền, ngăn chặn nạn sâm giả đồng thời cũng tuyên truyền, giải thích cho người trồng sâm dây biết, yên tâm với những vườn sâm của mình.

Nguyễn Văn Dân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/cay-sam-day-o-kon-tum-tintuc460396