Cây sa pô lấy lại vị thế

Tại các huyện phía tây tỉnh Tiền Giang, cây sa pô chịu mặn tốt, được người dân lựa chọn để chuyển đổi từ những diện tích cây ăn trái bị thiệt hại do hạn mặn.

 Cây sa pô là một trong những loại cây ăn quả chịu được mặn tốt nên người dân quan tâm chuyển đổi. Ảnh: Minh Đảm.

Cây sa pô là một trong những loại cây ăn quả chịu được mặn tốt nên người dân quan tâm chuyển đổi. Ảnh: Minh Đảm.

Mùa khô 2019 - 2020, tỉnh Tiền Giang là một trong những địa phương tại ĐBSCL có diện tích cây ăn trái bị thiệt hại tương đối lớn do ảnh hưởng của xâm nhập mặn và khô hạn kéo dài.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, diện tích bị thiệt hại gần 2.300ha, trong đó thiệt hại trên 70% là trên 100ha, còn lại mức độ thiệt hại từ 30-70%.

Sau đợt hạn mặn kéo dài, những vườn sầu riêng đã bị ảnh hưởng nhẹ, người dân đang tích cực tiến hành cải tạo, phục hồi.

Bên cạnh đó, nhiều vườn bị thiệt hại nặng không thể cải tạo, phục hồi lại được. Người dân đã tiến hành chuyển đổi cây trồng để khôi phục sản xuất.

Cây sa pô chịu hạn, mặn rất tốt

Tại những vườn sầu riêng ven sông, nước mặn hầu như đã thấm vào đất qua đường mọi. Cây sầu riêng chịu mặn kém, buộc người dân phải chuyển đổi.

Do đó, nông dân đang lựa chọn các giống cây trồng theo hướng thích nghi với hạn mặn như: nhóm cây có múi, mít… Trong đó, cây sa pô (hay sa-pô-chê, hồng xiêm, lồng mứt) là cây chịu hạn, mặn tốt nên được người dân rất quan tâm trồng lại.

Nói là trồng lại bởi trước đây, sa pô là một trong những cây trồng có mặt từ rất sớm tại các vùng chuyên canh cây ăn trái của tỉnh Tiền Giang nhưng so hiệu quả kinh tế người dân đã chuyển từ sa pô sang trồng sầu riêng.

Người dân đắp mô trồng lại sa pô. Ảnh: Minh Đảm.

Tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã đang phối hợp với Phòng NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và BVTV... tổ chức các tọa đàm nhằm đưa ra các giải pháp khuyến cáo để người dân trồng cây gì và cách khôi phục lại như thế nào.

Trước đây, nhiều người dân đã chuyển từ trồng sa pô sang trồng sầu riêng nhưng năm nay, thấy cây sa pô không bị ảnh hưởng gì nên người dân đã quan tâm trồng lại cây này. Hiện toàn xã còn trên 100ha cây sa pô.

Sa pô làm cực lắm, giá thì không cao, giá sa pô loại đẹp chỉ dao động ở mức khoảng 20.000 đồng/kg nên người ta không muốn trồng. Tuy nhiên, chịu mặn và hạn thì thấy cây dễ thích nghi hơn sầu riêng nên người dân trồng lại”.

Sa pô cho thu nhập ổn định, thích nghi hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Theo tiến sỹ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam, cây sa pô có thể chịu được độ mặn khoảng từ 5 - 6‰, được đánh giá là cây trồng chịu được độ mặn tốt cũng với các cây khác như dừa, me, nho.

Đang cải tạo 4 công vườn sầu riêng 12 năm tuổi chết do thiếu nước sang trồng cây sa pô, ông Huỳnh Văn Khanh ở ấp Đông Hòa, xã Tam Bình cho biết kinh phí đầu tư lại như nhân công, xe cuốc, cây giống hết khoảng 40 triệu đồng.

Từ bao lâu nay, sầu riêng cho giá trị kinh tế cao, nay trồng sang cây khác ông Khanh tiếc nuối: “Cây sầu riêng có giá trị kinh tế cao nhưng nước mặn như thế này thì không thể đầu tư được. Cây sầu riêng nó không chịu được nước mặn, buộc phải trồng lại cây sa pô. Nước mặn đến 6‰ cây vẫn sống thì tôi thấy nó ổn”.

Sa pô Mặc Bắc Kim Sơn cho thu nhập ổn định

Hiện nay, sa pô chê Mặc Bắc Kim Sơn là thương hiệu khá nổi tiếng. Sa pô Mặc Bắc của xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có diện tích khoảng 600ha. Hiện sa pô này được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ cấp giấy chứng chỉ dẫn địa lý.

Theo UBND xã Kim Sơn, toàn xã có gần 750ha đất nông nghiệp thì cây sa pô đã chiếm hết 600ha. Trước đây, nông dân xã Kim Sơn trồng nhiều giống sa pô nhưng giống cây sa pô Mặc Bắc thích nghi tốt với điều kiện khí hậu nơi đây.

Nông dân xã Kim Sơn thu hoạch sa pô Mặc Bắc. Ảnh: Minh Đảm.

Cây sa pô dễ trồng. Nếu cây già cỗi, chết thì trồng lại cây khác vẫn tốt bình thường. Từ lúc trồng đến khi cho trái chỉ mất khoảng 3 năm.

Tại xã Kim Sơn giống sa pô này phát triển tốt, chất lượng trái ngon nên người dân duy trì đã nhiều năm nay. Các vườn sa pô ở Kim Sơn, hầu như cây nào cũng có độ tuổi lớn, khoảng 20 - 30 năm tuổi. Vườn sa pô đầu tiên được trồng tại xã Kim Sơn có tuổi thọ trên 30 năm.

Cũng như các loại sa pô khác, sa pô Mặc Bắc thích nghi tốt trong đợt hạn mặn năm nay. Hiện tại, nhiều vườn cây vẫn đang cho trái với chất lượng, năng suất ổn định.

Đánh giá về cây sa pô Mặc Bắc, ông Trần Văn Quá, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho biết: “Cây sa pô cho trái chuyền, có trái quanh năm nên sản lượng không có ồ ạt khi vô vụ. Nhưng nếu mùa thuận thì sản lượng có nhiều hơn đôi chút nên giá bán mùa thuận chỉ khoảng 10.000 đồng/kg. Còn mùa nghịch thì giá khoảng 25.000 đồng/kg. Mỗi công sa pô cho năng suất từ 3 - 4 tấn”.

Thời gian tới, dự kiến nhà vườn tại Tiền Giang sẽ cải tạo các vườn cây bị chết, nhất là sầu riêng để trồng sa pô. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Tấn Trung, nhà vườn ở ấp Hội, xã Kim Sơn, bày tỏ: “Mình cũng có chuyển nhiều loại cây rồi, thấy kinh tế cây này so với các loại cây khác thì ổn định. Nó rất dễ trồng, khâu chăm sóc cũng dễ dàng so các loại cây khác. Nếu gặp hạn mặn vẫn chống chịu được, tỉ lệ sống cao hơn các loại cây kia. Khi triều cường, ngập úng mình xả nước ra kịp thời cây vẫn sống”.

Còn bà Huỳnh Mỹ Trang cùng ngụ ấp Hội có hơn một ha đất trồng cây sa pô cũng phấn khởi: “Tôi có mười mấy công đất, từ trước đến nay trồng toàn cây này. Cây sa pô chịu nước mặn không có chết, nó vẫn có trái bình thường. Tôi có vườn trên kia nữa, vẫn trồng loại cây này. Tôi thích cây này vì hàng tháng đều có tiền, thu hoạch hoài luôn. Nó dễ trồng, mình bón phân nhiều trái to”.

Nông dân phấn khởi vì sa pô cho thu nhập ổn định. Ảnh: Minh Đảm.

Nói về định hướng phát triển cây sa pô trong thời gian tới, ông Trần Văn Quá cho biết thêm: “Định hướng cây chủ lực là sa pô để duy trì và phát triển diện tích. Ở xã có thành lập HTX sa pô Mặc Bắc. Hàng năm, xã tập trung liên kết với các ngành chức năng chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng người dân sản xuất sa pô theo tiêu chuẩn VietGAP. Nâng cao chất lượng để đảm bảo đầu ra”.

Trong đợt hạn mặn lịch sử vừa qua, nhiều loại cây trồng ở vùng ĐBSCL bị thiệt hại nặng nề, thậm chí chết trắng thì cây sa pô tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang lại xanh tươi, trĩu quả. Đây là một trong số cây ăn quả có khả năng thích ứng với hạn mặn, giúp nhà vườn có nguồn thu nhập ổn định.

Tiền Giang là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất ĐBSCL với diện tích gần 72.000ha. Trong đó, cây sa pô diện tích khoảng 1.600ha, được trồng nhiều nhất tại các xã ven sông Tiền như Kim Sơn, Phú Phong, Song Thuận, Bàn Long của huyện Châu Thành. Hiện nay, trước ảnh hưởng của hạn mặn một số xã lân cận của huyện Cai Lậy đang có xu hướng chuyển đổi trồng lại cây sa pô.

MINH ĐẢM - NGỌC THẮNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cay-sa-po-lay-lai-vi-the-d269406.html