Cây quái thú bên đường: Chiêu đơn giản qua mặt CSGT?

Để đi qua nhiều tỉnh, thành trước khi bị bắt tại Thừa Thiên Huế, các tài xế đã vận chuyển vào ban đêm và dùng tín hiệu đèn.

Đó là những thông tin được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên -Huế) cho biết ngày 7/4, sau khi lấy lời khai các tài xế.

Dùng đèn nháy xe đối diện để thăm dò chốt CSGT

Cụ thể, qua công tác điều tra về 3 cây cổ thụ “khủng” bị tạm giữ, cơ quan công an đã hoàn tất việc lấy lời khai đối với những cá nhân, doanh nghiệp có liên quan gồm chủ công ty Hải Sơn (đơn vị vận tải đóng tại Quảng Bình), chủ mua 3 cây “khủng” là ông Kiều Văn Chương (32 tuổi, ngụ Hà Nội) và các tài xế điều khiển phương tiện được thuê vận chuyển số 3 cây quái thú nêu trên.

Tại cơ quan công an, các tài xế điều khiển xe đầu kéo và xe tải hạng nặng chở các cây cổ thụ “khủng”, thừa nhận, việc vận chuyển như vậy là quá khổ, quá tải. Thế nên, các tài xế phải di chuyển vào ban đêm để tránh công an và lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Trên đường vận chuyển, các tài xế này còn thường xuyên “dò đường” bằng cách sử dụng tín hiệu “nháy đèn” để thăm dò tình hình chốt chặn của lực lượng CSGT phía trước, thông qua tín hiệu hồi đáp của các xe chạy chiều ngược lại.

Ba gốc cây khủng Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn bỏ lại ven quan cơm địa phận phường Phú Bài, Thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế (Ảnh LĐO).

Nhờ đó, các tài xế này mới vận chuyển những cây “khủng” này trót lọt qua nhiều tỉnh, thành miền Trung trước khi bị phát hiện ở trạm CSGT Phú Lộc (thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh TT-Huế).

Còn theo chủ cây Kiều Văn Chương thì qua giới thiệu của người quen, ông vào Đắk Lắk mua các cây “kỳ quái” từ người dân, với giá mua 3 cây cổ thụ lần lượt là 20 triệu đồng, 15 triệu đồng và 14 triệu đồng. Đặc biệt, việc bán cây này các hộ dân hoàn toàn được chính quyền địa phương cho phép.

Sau đó, ông Chương tự bỏ tiền thuê người khai thác cổ thụ với chi phí 7 triệu đồng/cây (chưa tính khoản chi thuê máy múc, máy đào để khai thác cây).

Sau khi khai thác, ông Chương thuê công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn (Quảng Bình) chở số cây này về huyện Thạch Thất, Hà Nội, với giá 35 triệu đồng/cây.

Theo báo Vietnammoi, theo một nguồn tin, trong các buổi làm việc, ông Chương khẳng định 1 trong 3 cây được khai thác tại xã Ea Hồ và nhớ rõ đường vào nơi khai thác.

Lãnh đạo chính quyền địa phương bối rối

Trong một diễn biến liên quan, ngày 7/4, chia sẻ với báo chí, bà Phan Thị Diệu Trang - Chánh Văn phòng UBND huyện Krông Năng, cho biết: UBND huyện đã có chỉ đạo UBND xã Ea Hồ báo cáo cụ thể vụ việc nhưng đến nay chưa nhận được.

Qua kiểm tra, từ đầu năm 2018 đến nay trên địa bàn xã Ea Hồ không khai thác cây đa cổ thụ nào.

Trước đó, ông Kiều Văn Chương xuất trình 3 bộ hồ sơ liên quan đến nguồn gốc của 3 cây "quái thú" đang bị Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế tạm giữ.

Một chiếc xe chở cây khủng của Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn. Ảnh Dân Trí

Trong đó, hồ sơ nguồn gốc lâm sản xe BKS 73C-02880 gồm: Đơn vận chuyển, bản đăng ký khai thác, đơn đề nghị xác nhận cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ (đều ghi ngày 23-3-2018) của bà H’Yôna Buôn Yă (ngụ xã Ea Hồ) đã được bà H’Phila Niê, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ, ký xác nhận cùng ngày.

Trong các đơn và bản đăng ký nêu trên chỉ có chữ ký của bà H’Yôna Buôn Yă và chữ ký, đóng dấu của bà H’Phila Niê, không có chữ ký của cán bộ kiểm lâm địa bàn hoặc người khác có liên quan.

Căn cứ vào hồ sơ này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk đã xác minh và kết luận bà H’Yôna Buôn Yă không ký vào bất cứ đơn xin khai thác hoặc vận chuyển cây nào. Đồng thời, bà H’Yôna Buôn Yă khẳng định trên vườn rẫy của bà không có bất kỳ cây đa sộp nào.

Giải thích về vấn đề này, bà H’Phila Niê thừa nhận chữ ký vào con dấu trong hồ sơ khai thác cây đa sộp là của mình. Do bà sơ suất, không kiểm tra chứ không cố tình ký và sẽ chịu trách nhiệm.

Điều bất ngờ là sau khi nhận được thông báo kết quả xác minh của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, ngay trong ngày 7/4, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cử cán bộ vào Đắk Lắk xác minh lại thông tin bộ hồ sơ khai thác cây đa sộp tại xã Ea Hồ.

Xác nhận việc này, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói: "Hai cây đa sộp đã được xác minh làm rõ. Riêng cây còn lại hồ sơ đầy đủ nhưng cần xác minh làm rõ thêm; đầu tuần, chúng tôi sẽ xử lý".

Về phía Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) cũng vừa có văn bản yêu cầu Chi cục kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm các quy định tại Quyết định 39/2012/QÐ-TTg về Ban hành Quy chế quản lý cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan; tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật lâm sản nói chung và cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ nói riêng.

Cục Kiểm lâm cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xác nhận nguồn gốc của cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm báo cáo tình hình khai thác, vận chuyển cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ từ đầu năm 2017 về Cục trước ngày 13/4.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cay-quai-thu-ben-duong-chieu-don-gian-qua-mat-csgt-3356005/